Cần có quy định buộc DN thanh toán không tiền mặt
Theo một chuyên gia thanh toán, muốn phát triển dịch vụ thanh toán không tiền mặt ngoài hệ thống tài chính cung ứng dịch vụ thanh toán, các điểm bán hàng phải có cung cấp thanh toán cho người dùng nhanh gọn hơn thanh toán bằng tiền mặt...
Tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế Visa mới đây công bố một nghiên cứu tỷ lệ người có độ tuổi từ 15-35 tại các TP. Hà Nội, TP.HCM sử dụng công nghệ đến 98,5%. Bình quân nhóm người trong độ tuổi này mỗi tháng mỗi người có ít nhất một lần thanh toán không dùng tiền mặt. Đó chính là cơ sở để các ngân hàng đẩy nhanh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ra thị trường.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích các thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng đến nay thị trường vẫn để mặc cho hệ thống ngân hàng cung ứng các dịch vụ khuyến khích người tiêu dùng thanh toán không tiền mặt.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống hàng ngày của người dân Việt chưa thể một sớm một chiều thay đổi, hoạt động thương mại điện tử chưa tạo niềm tin về chất lượng hàng hóa dịch vụ nên mặc dù người mua bán online nhưng vẫn thanh toán tiền mặt khi nhận được món hàng. Nguyên do, người tiêu dùng có tâm lý e ngại mua phải hàng lỗi, hàng dỏm qua mạng nên phải kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
Bên cạnh đó, lãnh đạo phụ trách mảng bán lẻ của một ngân hàng cho biết, trở ngại nữa là mỗi đơn vị lại sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin riêng, không có một chuẩn chung nên sự liên kết giữa các điểm bán cũng chưa thật sự hiệu quả. Không chỉ vậy, theo các ngân hàng, để liên kết với một đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử ngân hàng phải mất từ 6-9 tháng mới hoàn tất các quy trình kết nối để đưa thị trường cho người dùng liên kết tài khoản ví với tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, một nhà quản lý thương mại điện tử lấy dẫn chứng trang Sendo đã hoạt động khá lâu và đầu tư công nghệ thanh toán rất hiện đại; thế nhưng đến 90% người tiêu dùng mua sắm vẫn chọn hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng. Nguyên nhân do mọi hình thức giao dịch thanh toán trên các trang thương mại điện tử vẫn ở chế độ quyền lựa chọn hoặc là tiền mặt hoặc là tài khoản.
Chính điều này vô tình đang làm cản trở quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phát triển cũng như không khuyến khích được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng dịch vụ. Không chỉ các trang thương mại điện tử mà nhiều ứng dụng khác như người đi xe công nghệ Grab, vẫn có thể trả bằng tiền mặt bên cạnh hình thức thanh toán qua thẻ... Nhìn chung, các điểm bán ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhận tiền mặt.
Trong khi đó, ở một số nước, để phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, họ đã phải dùng đến những biện pháp rất cứng rắn trong việc quy định hình thức thanh toán đối với nhà cung ứng hàng hóa. Ví dụ tại Đài Loan, nhiều quán ăn nếu khách hàng không có mã QR để quét thanh toán sẽ không thể dùng bữa, vì họ không dùng tiền mặt mà chỉ nhận thanh toán bằng hình thức này.
Giới chuyên môn cho rằng, với người tiêu dùng vẫn nên khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng đối với doanh nghiệp nên có hình thức bắt buộc. Bởi hoạt động của doanh nghiệp còn có nghĩa vụ tài chính với nhà nước như các khoản chi phí tính thuế, đặc biệt các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa còn có hoạt động thu thuế giá trị gia tăng từ người tiêu dùng cho nhà nước.
Theo một chuyên gia thanh toán, muốn phát triển dịch vụ thanh toán không tiền mặt ngoài hệ thống tài chính cung ứng dịch vụ thanh toán, các điểm bán hàng phải có cung cấp thanh toán cho người dùng nhanh gọn hơn thanh toán bằng tiền mặt. Để làm được điều này thì tất cả các thành phần trong xã hội phải hòa mình tham gia trên một nền tảng chung để tạo ra một hệ sinh thái liên thông, xuyên suốt từ bệnh viện, y tế, hành chính, trường học, chợ… Với thực trạng thanh toán nơi tham gia nơi không thì ngân hàng có đẩy mạnh chiến dịch như thế nào cũng không thể khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt được.
Ở Ấn Độ, từ năm 2017 đã phát động chiến dịch giảm lưu thông tiền mặt khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán di động. Bên cạnh đó bộ máy Chính phủ của nước này cũng chung tay đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức này thông qua việc cho phép thêm nhiều công ty tham gia thị trường và xây dựng hệ thống thanh toán mới kết nối số chứng minh thư, số điện thoại và tài khoản ngân hàng của người dân. Nhờ cơ sở dữ liệu tập trung do Chính phủ cung cấp, mọi giải pháp thanh toán có thể kết nối thông qua các giao diện lập trình ứng dụng để xác thực khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận