Cần cơ quan độc lập công bố mức sống tối thiểu
Công đoàn và đại diện giới chủ cho rằng cần cơ quan độc lập công bố mức sống tối thiểu để chấm dứt tranh cãi và phù hợp Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.
Khái niệm "mức sống tối thiểu" được luật hóa từ năm 2012, là cơ sở quan trọng để tính lương tối thiểu. Đây cũng yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất mỗi kỳ họp của Hội đồng tiền lương quốc gia. Trong ba bên tham gia tính lương, Tổng liên đoàn lao động đã nhiều lần kiến nghị cần có một cơ quan độc lập với Hội đồng, có trách nhiệm công bố mức sống tối thiểu.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, cho rằng kiến nghị của công đoàn phù hợp với Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương. Nghị quyết này nêu rõ "cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương".
"Chúng tôi hiểu rằng cơ quan thống kê của Nhà nước là Tổng cục Thống kê. Đơn vị này mới có đủ chuyên môn, nhân sự và công cụ thực hiện", ông Quảng nói. Không chỉ đề xuất trong các cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, trong các kiến nghị gửi Chính phủ, Tổng liên đoàn đều đề cập vấn đề này, song đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Mười năm qua, mức sống tối thiểu đều do Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tính toán.
Hiện, mức sống tối thiểu trong một tháng của người lao động gồm các chi phí dành cho lương thực, thực phẩm (rổ hàng hóa gồm 53 món hàng); nhóm phi lương thực, thực phẩm (áo quần, đi lại, giải trí...); nuôi một con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Trong đó cơ cấu phần trăm (%) giữa nhóm lương thực, thực phẩm và phi lương thực là 48-52. Chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% của người lớn.
Là thành viên Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia, TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn, đã chỉ ra những bất cập khi tính mức sống tối thiểu. Do không tự khảo sát được thói quen tiêu dùng của người lao động nên rổ hàng hóa để tính chi phí lương thực dựa vào điều tra mức sống 10 nhóm dân cư do Tổng cục Thống kê công bố. Nhóm dân cư tham chiếu là nhóm 2-3, tiệm cận nhóm có mức độ chi tiêu thấp nhất trong xã hội.
Ví dụ để tính mức sống tối thiểu năm nay, Bộ phận kỹ thuật sử dụng rổ hàng hóa của năm 2020 có giá trị 807.000 đồng, cao hơn rổ năm 2018 (là cơ sở tính toán mức lương tối thiểu vùng năm 2020) chỉ 42.500 đồng. Bà Lan cho rằng mức tăng không đáng kể, chưa đúng bản chất giá cả thị trường và không thể bù đắp được các chi phí phát sinh sau hai năm dịch lan rộng.
Theo TS Lan, ảnh hưởng tiêu cực của dịch, thói quen tiêu dùng của các nhóm dân cư sẽ thay đổi theo hướng giảm bớt mua sắm, đặc biệt là nhóm nghèo, cận nghèo. Do đó, số tiền dùng cho chi tiêu lương thực, thực phẩm theo điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê công bố đương nhiên sẽ cho kết quả thấp.
"Việc tiếp tục sử dụng kết quả này để làm căn cứ tính mức sống tối thiểu có nguy cơ kéo chất lượng cuộc sống người lao động đi xuống", bà Lan nhận định.
Ngoài ra, nhiều điểm trong cách tính mức sống tối thiểu khiến các thành viên tranh cãi như khoản chi phí tiền nhà quá thấp (năm 2020, tiền nhà ở vùng I như TP HCM, Hà Nội là 426.000 đồng), căn cứ để đưa ra con số này lại không rõ ràng. Hay mức sống tối thiểu hiện không tính các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội chiếm đến 32% mức lương làm căn cứ đóng. Nếu doanh nghiệp trả lương đúng với mức tối thiểu, số tiền người lao động thực nhận sẽ thấp hơn nhiều.
"Nếu có một cơ quan chuyên môn đảm nhận việc tính toán, công bố hàng năm thì mức sống tối thiểu sẽ sát thực tế hơn", TS Lan nói.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cũng đồng tình cần có một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm khảo sát, công bố mức sống tối thiểu để hạn chế tranh cãi.
"Không chỉ công đoàn mà VCCI cũng nghi ngờ về các con số đưa vào tính mức sống tối thiểu", ông Phòng nói và đề xuất cơ quan này có thể là một viện nghiên cứu xã hội, cơ quan có kinh nghiệm như Tổng cục Thống kê.
Lãnh đạo VCCI nói không chỉ chịu trách nhiệm công bố mức sống tối thiểu, cơ quan này sẽ đánh giá tác động của mỗi kỳ điều chỉnh lương lên đời sống người lao động, lạm phát, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... từ đó có khuyến nghị phù hợp.
Chị Ngô Thị Ty, làm việc cho một công ty thiệp giấy xoắn, làm thêm tại nhà để tăng thu nhập. Ảnh: Lê Tuyết
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia (giai đoạn 2013-2016), nói dù có cơ quan độc lập công bố mức sống tối thiểu, các thành viên của Hội đồng vẫn phải xem xét lại.
Chưa kể, mức sống tối thiểu chỉ là một trong 7 yếu tố xác định lương tối thiểu gồm tương quan với mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trước đây, khi xây dựng mức sống tối thiểu, Hội đồng tiền lương quốc gia đều mời các chuyên gia của Tổng cục Thống kê, Viện dinh dưỡng quốc gia cho ý kiến, cùng tính toán. Theo ông Huân, quan trọng là Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng phải hoạt động thường xuyên, từ đầu năm đến cuối năm chứ không chỉ 3-4 lần, mỗi khi có kỳ họp mới làm việc.
"Chỉ như vậy mới có những khảo sát, đánh giá sát đời sống người lao động, từ đó có sự điều chỉnh các thông số phù hợp", ông Huân nói và ví dụ đối với cơ cấu phần trăm (%) giữa nhóm lương thực và phi lương thực, có những thời điểm là 70-30, sau đó điều chỉnh dần lên 49-51 rồi 48-52 và mục tiêu tỷ lệ dành cho ăn uống chỉ còn 30 hoặc 35.
Sau hai năm hoãn, mới đây Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên để đàm phán việc tăng lương tối thiểu vùng. Mức tăng cụ thể chưa được công bố, song các bên đã tính thời điểm điều chỉnh: từ tháng 7 năm nay hoặc đầu năm 2023. Theo thông lệ, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận