24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần có gói kích thích kinh tế đủ lớn

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, không thể dùng giải pháp tài chính bình thường để chống dịch mà cần có những gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, chấp nhận bội chi, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ lo ngại trước việc sản xuất kinh doanh ở cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải giải thể phá sản khiến hàng triệu người mất việc, giảm thu nhập. “Rõ ràng một nền kinh tế yếu như vậy, trong ngắn hạn không thể không tăng tổng cầu của nền kinh tế. Muốn tăng được không có cách nào khác ngân sách phải chi ra, phải chấp nhận bội chi”, ông Cung nhấn mạnh và lưu ý thêm, đến thời điểm này, không nên tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ tạo động lực tăng trưởng kinh tế như thời gian vừa qua, bởi nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ có thể sẽ có tác dụng ngược.

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho rằng, thời gian qua chúng ta đã quá chú trọng sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp; trong khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chưa kể, ngân hàng hầu như không được hưởng các chính sách hỗ trợ. “Nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì các TCTD khó có thể cho doanh nghiệp vay khi doanh nghiệp đang khó khăn, dừng sản xuất, không có doanh thu”, ông Hùng nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia cũng cho rằng, ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền của những gửi tiền tiết kiệm. Vì thế sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng là đặc biệt quan trọng. Do đó theo thông lệ quốc tế, trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng việc đầu tiên các nước làm đó là phải bảo vệ hệ thống ngân hàng bởi hệ thống tài chính ổn định mới giải quyết được khủng hoảng.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trước khó khăn của dịch bệnh, các nước trên thế giới đã mạnh tay triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP… Trong khi đó, ở Việt Nam, cộng tất cả gói hỗ trợ mà Bộ Tài chính tính toán khoảng 58 nghìn tỷ đồng chưa đạt 1% GDP là quá ít ỏi so với thực tế cấp bách. Theo ông, không thể dùng giải pháp tài chính bình thường để chống dịch mà cần có những gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, chấp nhận bội chi, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.

Cũng chung quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, gói hỗ trợ phải đủ lớn, đủ dài, đủ quyết liệt. Muốn vậy ngân sách phải bỏ ra, phải chấp nhận bội chi ngân sách tăng lên. “Không tăng bội chi ngân sách không làm được gì cả, không nên để các doanh nghiệp cứu trợ lẫn nhau. Vấn đề là chi bao nhiêu, như thế nào, cho ai. Tôi cho là phải chi cho người chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh, đó là người lao động trong khu vực chính thức, phi chính thức. Phải khôi phục được sức dân thì mới khôi phục sức doanh nghiệp và từ đó mới phục hồi kinh tế. Điều đặc biệt quan trọng là phần thực thi gói hỗ trợ phải hiệu quả”, TS Cung nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa quy mô khoảng 8-10% GDP và có thể chia làm ba gói nhỏ. Một là gói bổ sung cho ngân sách để ngân sách chi tiêu an sinh xã hội chủ yếu là duy trì lực lượng lao động. Hai là hỗ trợ trực tiếp các tập đoàn lớn. Vì thời điểm này, Tập đoàn lớn này khó có thể vay được ngân hàng do có nợ xấu, hơn nữa khoản vay mà các Tập đoàn quá lớn không phù hợp với bất kỳ quy định nào của ngân hàng. Nhưng đó lại là những tập đoàn quan trọng, động lực phục hồi nền kinh tế...

Về nguồn lực dành cho gói hỗ trợ này, có ý kiến đề xuất có thể sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện Chính phủ có thể huy động vốn từ rất nhiều kênh khác, không nên sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Bởi Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam tuy đang ở mức cao kỷ lục, song vẫn còn mỏng. Con số 100 tỷ USD chỉ tương đương 3,8-3,9 tháng nhập khẩu, chỉ cao hơn một chút so với khuyến nghị tối thiểu của IMF và đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực (bình quân là 8-14 tháng nhập khẩu).

Hơn nữa việc Chính phủ sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ phát đi tín hiệu xấu với nền kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Khi đó, mức độ rủi ro của kinh tế Việt Nam được đánh giá cao hơn, xếp hạng sẽ kém tích cực hơn, hệ quả là chi phí vay nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng cao hơn. Bên cạnh đó, việc Chính phủ sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ khiến nhà đầu tư cho rằng kinh tế Việt Nam gặp nhiều rủi ro, từ đó gây áp lực mất giá tiền đồng, gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát, gây bất ổn vĩ mô nhất định…

Cách tốt nhất theo khuyến nghị của TS. Lực là phát hành trái phiếu chính phủ trong nước vừa có lãi suất thấp, vừa tạo điều kiện hình thành đường cong lãi suất chuẩn. Trong trường hợp không vay được trong nước thì lúc đó có thể vay các tổ chức nước ngoài. Hiện ADB, WB… đều có cho vay phục hồi kinh tế với lãi suất khá thấp, thời hạn dài và điều kiện không quá khắt khe. “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tính toán được số tiền mặt thực chi là bao nhiêu để từ đó tính toán phương án huy động vốn khả thi”, TS. Lực lưu ý.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nhìn nhận đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. “Chúng ta phải nhìn nhận đúng thực trạng nếu chúng ta tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng thì vài năm nữa gánh nặng nợ xấu rất lớn, để lại hệ quả nặng nề. Do đó phải có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Còn cơ chế nào vượt luật thì Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết đặc biệt về vấn đề này”, ông Hùng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả