menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phượng Hồng

Cần có chính sách hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong mùa dịch bệnh

Hệ thống bán lẻ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mùa dịch bệnh, nhất là những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Những ngày đầu có lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM không tránh khỏi âu lo. Những mặt hàng thiết yếu mà đặc biệt là thực phẩm nhanh chóng hết hàng vì tâm lý mua tích trữ của người tiêu dùng.

Việc người dân đổ xô đi mua sắm cũng là điều dễ hiểu khi ba chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền và hàng trăm chợ truyền thống tạm dừng hoạt động khiến lượng hàng thiếu hụt tạm thời trong một thời gian ngắn.

“TP.HCM không thiếu thực phẩm” – lời khẳng định của lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM đã kịp thời xua đi nỗi lo lắng của người dân. Các đơn vị cung cấp đã bổ sung lượng hàng dự trữ dồi dào để cung cấp cho người dân, các kênh phân phối cũng trải rộng để đáp ứng trong mọi trường hợp.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đánh giá cao sự phục vụ người tiêu dùng hết mình của các hệ thống siêu thị, các chợ, cửa hàng tạp hoá trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo quan sát của ông Phú, các đơn vị đã nhanh chóng tổ chức thu mua nguồn hàng bằng mọi cách để phục vụ nhân dân, thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương khi các chợ đầu mối đóng cửa với mức giá hợp lý. Các chương trình giảm giá, khuyến mại cũng được áp dụng.

“Nhiều siêu thị mở rộng ca bán hàng, tăng nguồn lực, giảm bớt mặt hàng chưa thiết yếu. Tôi cho rằng họ đã có những cách làm rất sáng tạo”, ông Phú nói trong Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi.

Tại các quận, huyện của TP.HCM, các kênh bán hàng trực tuyến được đẩy mạnh. Dù bị đóng cửa nhưng tiểu thương các chợ đầu mối vẫn điều hành bán hàng qua điện thoại và kênh thương mại điện tử.

Theo ông Phú, các chỉ thị mới về vấn đề phòng dịch được thực hiện rất quyết liệt nên việc lưu thông hàng hóa có thể đứt đoạn nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và được nối lại nhanh chóng, thị trường nhanh chóng được bình ổn.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Phú đề xuất cần thiết phải có hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ.

Thứ nhất, tạo luồng xanh cho hàng hóa di chuyển thuận lợi như một số khu vực đã thực hiện trong các đợt giãn cách trước đây, không để hàng hóa nhất là nông sản, thực phẩm bị ách tắc.

“Kinh nghiệm đầu năm giữa Hải Dương và Hải Phòng có vấn đề gây ách tắc, giá suy giảm, hàng hoá hư hỏng trong khi những vùng ngăn không cho hàng hoá vào thì giá lại lên cao”, ông Phú nói.

Bài học ở đây, theo ông Phú, là làm sao có các kịch bản để tổ chức đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến các hệ thống bán lẻ một cách nhanh nhất, giảm trung gian để tránh việc hàng hoá bị đẩy giá lên trong bối cảnh người dân phải dành dụm, chi tiêu tằn tiện.

Cần có chính sách hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong mùa dịch bệnh
Các siêu thị ở TP. HCM tăng lượng hàng hoá để phục vụ người dân
Thứ hai, ông Phú đề nghị xem xét lại việc áp dụng thuế VAT ở trong hệ thống siêu thị những ngày đại dịch.

“Mua một cân thịt giá 180 nghìn thì thuế VAT là 18 nghìn đồng, cũng là khá lớn. Có thể giảm xuống 5-7%. Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu báo cáo Thường vụ Quốc hội để thực hiện nhằm giảm bớt chi phí cho người dân”, ông Phú đề xuất.

Thứ ba, cần quan tâm đến khu vực chợ. Theo ông Phú, 80 - 85% đồ tươi sống hiện nay được bán trong chợ chứ không phải siêu thị. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng phục vụ, điều kiện đi lại, mua bán, tổ chức sắp xếp hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân hiện nay vẫn chưa đạt.

Ngay ở Hà Nội cũng đang có nhiều hạn chế, nhiều chủ sản xuất chưa đưa nổi hàng vào chợ. Các thành phố cần quan tâm tới kênh truyền thống này.

Thứ tư, mở cửa rộng rãi, không chèn ép, tránh việc áp mức chiết khấu cao của một số siêu thị. Việc đòi hỏi chiết khấu cao sẽ làm đẩy giá hàng hoá lên cao. Làm sao để chia sẻ, hai bên cùng thắng.

Cũng theo ông Phú, thời gian qua, các nhà sản xuất nhất là trong lĩnh vực nông sản, lương thực thực phẩm bị yếu thế, dù đủ tiêu chuẩn nhưng khó có thể vào siêu thị.

“Mười quả xoài sạch thì mới có hai đến ba quả vào được siêu thị, còn lại bán trôi nổi bên ngoài với giá không sạch. Hệ thống siêu thị phải mở cửa một cách đàng hoàng, đối xử tốt với những nhà sản xuất để phục vụ nhân dân”, ông Phú nói.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, các siêu thị cần có chính sách chia sẻ khó khăn với người dân nghèo: “Có những người hưởng trợ cấp thì vào siêu thị mua được gì. Liệu có chia sẻ được với họ hay không”.

Ông Phú nhấn mạnh, khâu bán lẻ là đầu ra của quá trình sản xuất và là đầu vào thiết yếu của các gia đình nên các cấp cần quan tâm hơn.

“Làm sao để hoạt động bán lẻ nhịp nhàng hơn, phục vụ phòng dịch tốt hơn và nhân văn hơn trong giai đoạn hiện nay", ông Phú nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả