24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần chính sách tránh 'tổn thương' lao động khi cắt giảm lan rộng

Các gói hỗ trợ ngắn hạn cần rõ nét, điều kiện đơn giản, đẩy mạnh thị trường nội địa tạo việc làm mới là những chính sách cần sớm thực hiện để hạn chế cắt giảm lao động.

Từ sau Tết, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) phải cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng, không còn tăng ca do đơn hàng chỉ còn khoảng 62%. Trừ ngày phép năm, với mỗi ngày nghỉ còn lại công ty trả 180.000 đồng. Để lao động đồng ý với phương án, ban giám đốc phải lấy ý kiến công đoàn, thương lượng với toàn bộ nhà máy.

"Tất cả đang gồng nhưng không biết sẽ tiếp tục được bao lâu", ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn công ty, nói. Ngay cả khi phải dừng sản xuất một vài ngày trong tháng, số lao động dôi dư của nhà máy luôn ở mức 3.000 -4.000 người. Ban giám đốc đang tìm những đơn hàng mới nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc.

Việc đảm bảo công việc và thu nhập cơ bản cho khoảng 39.000 người là thách thức lớn. Changshin Việt Nam sử dụng tài chính tích lũy để bù đắp chi phí, công nhân phải thắt lưng buộc bụng khi thu nhập giảm. Hiện tại ban giám đốc chưa có ý định cắt giảm lao động nhưng cũng cả nghìn người vẫn tự nghỉ việc.

Vị cán bộ công đoàn lâu năm đánh giá công ty sẽ duy trì chính sách này đến hết tháng 6, nếu đơn hàng vẫn không phục hồi buộc phải tính lại. "Để đi được đường dài hơn, doanh nghiệp phải sống đã", ông Tú nói và cho biết trong lúc khó khăn còn kéo dài, chính sách nhà nước cần tính đến các phương án tiếp sức cho các nhà máy. Thời gian qua, để đối phó tình trạng đơn hàng sụt giảm, công ty, người lao động phải tự xoay xở là chính.

Từ góc nhìn của người đại diện công nhân, ông Tú nói hiện chính sách hỗ trợ chưa rõ nét và khó tiếp cận. Ngay cả với gói hỗ trợ lao động bị giảm việc, mất việc của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, để được giúp đỡ, thu nhập trong tháng của công nhân phải thấp hơn mức tối thiểu vùng, tức 4,68 triệu đồng.

"Sẽ không có công nhân Changshin nào được nhận dù sự thật nhà máy bị giảm đơn hàng", ông Tú nói. Công ty không thể để thu nhập của lao động giảm quá sâu, họ sẽ không sống được và tự nghỉ việc. Tuy nhiên, khi cố gắng suy trì thu nhập ở mức cơ bản thì không đáp ứng được yêu cầu gói hỗ trợ.

Đại diện thủ phủ gỗ cả nước, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), nói rằng gần như chưa có chính sách hỗ trợ nào đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất bị sụt giảm đơn hàng. Ngành gỗ chịu ảnh hưởng đầu tiên và sớm nhất do suy thoái chung. Nhiều nhà máy nhỏ đã đóng cửa do không còn đơn hàng, ngưng hoạt động, cắt giảm lao động.

Là Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Lâm Việt, ông Liêm cho hay từ tháng 4 năm ngoái, đơn hàng có dấu hiệu đi xuống và đến nay chỉ còn 35-40%. Đơn hàng giảm sâu nhưng nhà máy vẫn cố gắng giữ hơn 1.000 lao động bằng nguồn tài chính tích lũy. "Chúng tôi cũng chỉ gồng nổi đến hết quý 3", ông Liêm nói và cho hay sắp tới đại hội cổ đông nhưng kế hoạch năm 2024 ban lãnh đạo còn bỏ trống vì "không biết điền thông tin gì".

Ông Liêm nói đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế nhưng "chưa lần nào khó đoán như đợt này". Khó khăn có thể kéo dài nên các gói hỗ trợ vài triệu đồng cho lao động cũng không tác dụng nhiều. Vì vậy chính sách cần tính đến bài toán dài hơn, giúp đỡ trực tiếp cho các nhà máy đang cố gắng giữ lao động.

"Không có ngân sách nào có thể lo được cho cả triệu lao động bị giảm và mất việc nhưng hỗ trợ từng doanh nghiệp thì có thể", ông Liêm nói. Các gói hỗ trợ có thể thông qua chính sách lãi vay, thuế, bảo hiểm xã hội... gián tiếp giúp doanh nghiệp thêm nguồn tiền để xoay xở.

Cần chính sách tránh 'tổn thương' lao động khi cắt giảm lan rộng
Công nhân gỗ Lâm Việt trong giờ sản xuất. Ảnh: Đình Trọng

Người đứng đầu gỗ Lâm Việt đơn cử với 1.000 lao động, mỗi tháng công ty trích các khoản đóng bảo hiểm xã hội hơn một tỷ đồng. Nếu chính sách cho tạm hoãn đóng 6-12 tháng, không tính lãi, doanh nghiệp sẽ có thêm một khoản để xoay xở chi phí lương cho nhân công. Sau khi đơn hàng phục hồi, công ty sẽ đóng bù.

Ông Liêm cũng đề xuất với những doanh nghiệp trong nhóm ngành như giày da, may mặc, gỗ đơn hàng bị tồn kho, dòng tiền chưa về được ngân hàng hỗ trợ bằng cách không cho nhảy sang các nhóm nợ xấu. Việc này giúp các nhà máy vẫn tiếp cận được hạn mức vay cao, lãi suất tốt.

Ngoài ra hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường ngách. Đơn cử như Lâm Việt thường xuyên sang Dubai, Mỹ, Indonesia để tìm khách hàng. Theo ông Liêm, nhà nước có thể giúp doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ chi phí, thủ tục cho các hoạt động xúc tiến thương mại.

"Hơn ai hết, doanh nghiệp rất cần và rất muốn giữ người lao động. Chỉ khi không cầm cự nổi họ mới phải cắt giảm. Do đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nhà máy chính là giúp công nhân", ông Liêm nói.

Ngoài hỗ trợ ngắn hạn, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội, cho rằng cần kích hoạt thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm phục vụ trong nước tạo ra nhiều việc làm hơn.

Theo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp hai tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê các ngành sản xuất đồ uống, thuốc, hóa dược và dược liệu, lương thực thực phẩm, tức các ngành phục vụ thị trường nội địa có chỉ số tăng. Trong khi các ngành dệt may, da giày, chế biến chế tạo... phục vụ xuất khẩu tiếp tục giảm.

Theo ông Lộc, đơn hàng phục hồi phụ thuộc vào kinh tế thế giới, song điều này khó đoán định trong khi thị trường trong nước có thể chủ động được. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu thiết yếu, yêu cầu kỹ năng phù hợp với nhóm lao động bị cắt giảm. Điều này giúp việc luân chuyển, phân bổ lại lao động cũng dễ hơn. Chính sách cũng cần chuẩn bị các kịch bản để ứng phó, giúp giảm tổn thương cho lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả