Cận cảnh thành đá cổ lớn nhất Đông Nam Á ở Thanh Hóa
Thành Nhà Hồ - tòa thành đá kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá duy nhất còn lại tại Đông Nam Á, là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn sót lại trên thế giới và mang những giá trị nổi bật toàn cầu đang trở thành điểm đến của du khách ưa khám phá.
Thành đá cổ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Di sản thành đá Nhà Hồ bao gồm Thành nội, La thành, Đàn tế Nam Giao rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm có diện tích 5078,5 ha.
Vị trí của thành đá được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày nay, tòa thành đá vẫn còn giữ được 4 cổng thành, các cổng thành được xây bằng những khối đá lớn, nhiều khối đá nặng từ 10 đến 26 tấn.
Tường thành đá có chu vi hơn 3,5 km với nhiều đoạn tường thành gần như nguyên vẹn.
Từng được coi là kinh đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, đồng thời, là công trình quân sự phòng thủ lớn nhất của Nhà Hồ.
Đến thăm Thành Nhà Hồ, du khách không khỏi kinh ngạc về khối lượng đá khổng lồ, cách thức lắp ghép đá xây nên những tường thành đá, cổng thành đồ sộ, vững chãi.
Du khách càng kinh ngạc, thán phục khi biết rằng ở cái thời cách đây tới hơn 600 năm mà ngôi thành đá to lớn này được xây dựng xong chỉ vẻn vẹn trong thời gian 3 tháng.
Giá trị nổi bật của tòa thành là những khối đá nặng hàng chục tấn được ghè đẽo thủ công nhưng đạt đến công năng, hiệu quả sử dụng tối đa, riêng biệt và duy nhất có tại Đông Á.
Những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, thành Nhà Hồ là kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” hiện nay vẫn chưa được khoa học lý giải.
Các đợt khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ những dấu tích kiến trúc cùng rất nhiều hiện vật từng góp mình làm nên một Tây Đô tráng lệ, uy nghiêm.
Tất cả đã minh chứng rằng: Thành Nhà Hồ là một kinh đô cổ đã được xây dựng hoàn chỉnh vốn đầy đủ cung điện, đền đài, miếu mạo ở bên trong và được sử dụng liên tục trong suốt tiến trình lịch sử của văn minh Đại Việt.
Di sản càng trở nên hấp dẫn, khi trong khu vực nội thành và khu vực làng cổ bao quanh thành có rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử và cả những câu chuyện truyền thuyết liên quan đến ngôi thành đặc biệt này.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới.
Thành Nhà Hồ không chỉ là công trình niềm kiêu hãnh của người dân xứ Thanh mà đó là niềm tự hào về truyền thống văn hoá của cả dân tộc Việt Nam.
Trao đổi với PLO, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cho biết, năm 2023, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đón khoảng 250 ngàn lượt khách (năm 2022 khoảng 150 ngàn lượt) đến tham quan, trong đó có khoảng gần 2.000 lượt khách quốc tế.
"Như vậy, lượng khách tham quan thực tế tại di sản đạt 167% kế hoạch nhà nước giao và đạt 125,4% so với cùng kỳ 2022. Đây cũng là lượng khách cao nhất so với cùng kỳ kể từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011" - ông Long thông tin
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận