Cán bộ công chức nhận quà dịp Tết, có vi phạm không?
Cán bộ công chức nhận quà Tết trái quy đinh được coi là một trong những hành vi tham nhũng.
Cán bộ công chức nhận quà tặng dịp Tết
Việc cán bộ công chức nhận quà tặng hay tặng quà cho cán bộ công chức được quy định rõ tại Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP.
Đó là, cán bộ công chức không được nhận quà dưới mọi hình thức trong các trường hợp sau:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong những trường hợp này, các cán bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo, giao lại quà tặng cho cá nhân có thẩm quyền, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Báo cáo này được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
Cán bộ công chức nhận quà Tết không đúng bị xử lý thế nào?
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề xử lý cán bộ công chức nhận quà tặng, luật sư Trần Tuấn Anh cho hay: "Trong trường hợp vi phạm quy định về nhận quà tặng nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cán bộ, công chức có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự".
Cụ thể:
Trong trường hợp nhận quà tặng không đúng quy định mà giá trị quà tặng dưới 2.000.000 đồng thì cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật. Theo đó, tại Điều 7, Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định cán bộ công chức, viên chức có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, thậm chí là cách chức, buộc thôi việc.
Mức độ của hành vi vi phạm được xác định để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật nêu trên được quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Cụ thể như sau:
Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Trong trường hợp cán bộ công chức, viên chức nhận quà mà giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật thì người đó có thể bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà mức xử phạt có thể là từ 2 năm tù hoặc thậm chí là tử hình.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, thậm chí ngay cả người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mặc dù không nhận quà nhưng để xảy ra tình trạng tham nhũng cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo đó, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm của cấp dưới mà những người này có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận