Cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu
Cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu là nhiệm vụ không đơn giản với ngành Ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng rất cần thiết nhưng không được để nợ xấu phát sinh, tạo gánh nặng cho nền kinh tế...
Tín dụng tăng 10,08%
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31-10-2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.
Về nợ xấu, tính đến hết tháng 9-2024, tổng số dư nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán là 259.186 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết là 2,3%. Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận nợ xấu tăng ở mức hai con số, chỉ có 3/29 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu ở mức một chữ số là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 7,4%; Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) 0,9%; Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) 5,8%.
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết đã giảm từ 92% cuối năm 2023 xuống 82% vào cuối quý III-2024. Đến cuối quý III-2024, có 11/29 ngân hàng duy trì hoặc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu so với cuối năm 2023; 18/29 ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, trong đó, một số ngân hàng lớn giảm mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Đáng chú ý, 4/29 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 204,6%, cao nhất hệ thống; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) 153%; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 115,7%; Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 103,5%.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành đạt gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành khoảng 6,9%. Riêng ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25-9, tổng dư nợ là 165 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,1% tín dụng toàn nền kinh tế) với hơn 94 nghìn khách hàng.
Ưu tiên bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng
Mặc dù tăng trưởng tín dụng cải thiện mạnh trong thời gian gần đây nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh nền kinh tế lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng như hiện nay, vẫn cần kiểm soát định mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) để tránh rủi ro đối với hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ thị trường tài chính, đồng thời phân bổ nguồn lực đúng mục tiêu…
Trước đây, từng có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%, có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến lạm phát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém dành tỷ lệ lớn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Vì thế, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần ưu tiên.
Căn cứ vào diễn biến thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ “room” tín dụng để kiểm soát rủi ro hệ thống. Khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng đó. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.
Phân tích, đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các tổ chức tín dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng, khi nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng, như cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; cân nhắc những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…). Năm 2024, các tổ chức tín dụng định hướng tăng trưởng khoảng 15%. Thực tế, tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong 2 tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 15% đã đề ra từ đầu năm là khả thi.
Liên quan đến các giải pháp xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh do yếu tố chủ quan, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ lưỡng các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu là nhiệm vụ không đơn giản với ngành Ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận