Campuchia xem xét nới lỏng quy định về tỷ lệ lao động người nước ngoài
Thông báo do Bộ trưởng Ith Sam Heng ký khẳng định các chủ doanh nghiệp có thể nộp đơn đề nghị Bộ Lao động Campuchia cho phép tăng số lượng lao động người nước ngoài.
Báo Phnom Penh Post ngày 24/8 dẫn thông báo của Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cho biết nước này sẽ cho phép các doanh nghiệp được tuyển quá 10% tỷ lệ lao động người nước ngoài nếu đơn vị này không thể tìm được đủ số lao động địa phương đáp ứng nhu cầu công việc.
Thông báo do Bộ trưởng Ith Sam Heng ký khẳng định các chủ doanh nghiệp có thể nộp đơn đề nghị Bộ Lao động Campuchia cho phép tăng số lượng lao động người nước ngoài. Người phát ngôn Bộ Lao động Campuchia Heng Sour cho biết quyết định này là nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chuỗi sản xuất toàn thời gian 24 giờ/ngày.
Người phát ngôn Heng Sour cho biết hiện một số khu vực như giải trí, nông nghiệp và xây dựng của Campuchia vẫn thiếu lao động.
Theo nghị định ban hành năm 2014 của Bộ Lao động Campuchia, các chủ doanh nghiệp phải ưu tiên tuyển lao động địa phương và ấn định giới hạn tỷ lệ lao động người nước ngoài trong mỗi doanh nghiệp không quá 10%.
Tuy nhiên, thông báo mới đây của Bộ Lao động Campuchia đã vấp phải những quan điểm trái ngược. Giám đốc Trung tâm Liên minh Lao động và Nhân quyền Campuchia Moeun Tola cho biết ông rất bất ngờ về quyết định của Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia.
Ông Moeun Tola cho biết hiện nay phần đông số lượng công dân Campuchia từ nước ngoài trở về vẫn đang thất nghiệp. Theo ông Moeun Tola, việc cho phép quá 10% lao động là người nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa lao động địa phương và người nước ngoài.
Những khó khăn từ đại dịch COVID-19 cùng việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức rút một phần ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) với Campuchia từ ngày 12/8/2020 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến khu vực gia công may mặc, một trụ cột của kinh tế Campuchia.
Cho đến hết quý II/2020, khoảng 450 nhà máy may mặc, giày dép và hàng hóa phục vụ du lịch tại Campuchia đã ngừng sản xuất, trong đó 83 nhà máy chính thức đóng cửa (trên tổng số 1.069 nhà máy), đẩy khoảng 200.000 công nhân vào cảnh mất việc làm.
Ngoài ra, việc thiếu vắng du khách quốc tế khiến hàng chục nghìn lao động trong ngành du lịch Campuchia cũng lâm vào cảnh thất nghiệp kể từ đầu năm 2020./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận