Campuchia đã ký thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân trong 30 năm?
Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 21/7 dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm đã bí mật ký một thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.
Theo dự thảo mà quan chức Mỹ có được, Trung Quốc sẽ có thể bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ Ream, biến nơi đây thành cơ sở bố trí hải quân chuyên dụng đầu tiên của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Thỏa thuận có giá trị trong 30 năm và được tự động gia hạn sau mỗi 10 năm.
Cụ thể, theo bản thảo sơ bộ, Trung Quốc sẽ xây dựng hai cầu tàu mới, một cho Trung Quốc sử dụng và một cho Campuchia sử dụng. Giới chức Mỹ tiết lộ các hoạt động nạo vét sẽ được tiến hành tại căn cứ hải quân Campuchia để các tàu hải quân lớn hơn của Trung Quốc có thể neo đậu.
Ông Emily Zeeberg, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, bày tỏ lo ngại việc Campuchia cho phép sự hiện diện quân sự của nước ngoài sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/7 đã ra thông cáo kêu gọi Campuchia bác bỏ thỏa thuận: “Chúng tôi quan ngại rằng bất cứ động thái nào của chính phủ Campuchia nhằm mời gọi sự hiện diện quân sự của bên ngoài vào nước này sẽ đe dọa đến sự gắn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc điều phối phát triển khu vực, và cản trở hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á”.
Trước thông tin này từ phía Mỹ, ông Phay Siphan, một người phát ngôn chính phủ Campuchia đã trả lời tờ WJS rằng “thỏa thuận được tiết lộ này là tin giả, không có gì đang diễn ra như vậy".
Thông tin được đưa ra sau khi các đối tác và đồng minh của Mỹ kêu gọi Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong, dự kiến mở cửa vào năm 2020.
Sân bay được xây dựng với hợp đồng thuê 99 năm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay hiện có đường băng dài hơn 3 km, có thể cho phép máy bay quân sự Trung Quốc cất hạ cánh.
Quy mô và tầm vóc của dự án Dara Sakor khiến chính phủ Mỹ lo ngại khu nghỉ dưỡng này có thể trở thành một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc nhằm triển khai các khí tài quân sự tại Campuchia.
Sự hiện diện hải quân tại Campuchia sẽ cho phép mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á, củng cố vị thế của Bắc Kinh đối với khu vực tranh chấp trên Biển Đông cũng như các tuyến hàng hải với giá trị thương mại lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Đây không phải lần đầu tiên sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence năm ngoái từng viết một bức thư gửi Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bày tỏ lo ngại về việc Campuchia có thể đang lên kế hoạch cho phép Trung Quốc triển khai thiết bị quân sự tới căn cứ hải quân Ream. Tuy nhiên, các quan chức tại Phnom Penh nhiều lần bác bỏ thông tin này.
Thủ tướng Hun Sen từng tuyên bố các thông tin về căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Campuchia là “giả mạo và bóp méo sự thật”. Ông Hun Sen khẳng định Campuchia không cho phép bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài trên lãnh thổ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận