Campuchia: “Cơn khát” điện và những vấn đề nội tại của nền kinh tế
Chiến lược ngành điện của Campuchia giai đoạn 1999-2016 tập trung vào an ninh năng lượng hộ gia đình với mục tiêu cung cấp đủ năng lượng điện với giá hợp lý và đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn.
Trang mạng Diễn đàn Đông Á ngày 25/10 đăng bài viết của Han Phoumin, nhà nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), với nội dung: Tăng trưởng kinh tế ở Campuchia bị hạn chế do thiếu chính sách phù hợp trong việc tiếp cận điện và an ninh năng lượng.
Năm 2016, chỉ có khoảng 50% dân số Campuchia có thể sử dụng điện lưới. Đáng chú ý, đến năm 2019, số hộ gia đình kết nối sử dụng điện đã tăng lên gần 80%. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn tồn tại khi các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như không có điện.
Chiến lược ngành điện của Campuchia giai đoạn 1999-2016 tập trung vào an ninh năng lượng hộ gia đình với mục tiêu cung cấp đủ năng lượng điện trên toàn quốc với giá hợp lý và đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn và đảm bảo mở rộng nền kinh tế Campuchia hơn nữa.
Tuy nhiên, Chiến lược này đạt được thành quả hạn chế. Từ tháng 3-6/2019, Campuchia thiếu hụt tới 400 Megawatt điện trong mùa khô.
Điều này có một phần nguyên nhân do điều kiện thời tiết khô tạo ra mực nước thấp trong hồ chứa thủy điện. Sự thiếu hụt lớn như vậy chứng tỏ năng lực yếu kém của Điện lực Campuchia (EDC) trong việc quản lý một tổ hợp cung cấp điện dễ bị tổn thương.
Luật Điện lực Campuchia năm 2011 đưa ra mục tiêu rõ ràng nhằm đảm bảo việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng để nhận được nguồn cung cấp điện đáng tin cậy và đầy đủ với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, giá điện của Campuchia vẫn đắt nhất trong số các thành viên ASEAN, bởi hầu hết các chi phí đầu tư vào sản xuất điện như nhà máy nhiệt điện và thủy điện đều dựa trên các công nghệ cũ.
Trong khi đó, một nguyên nhân khác khiến giá điện tăng cao là vấn đề quản trị. Hiện tại, người dân đang bức xúc với EDC trong công tác quản lý nguồn cung và giá điện, nhất là tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra.
Ngoài ra, an ninh đối với nguồn cung dầu Campuchia cũng đang phải đối mặt với rủi ro. Cướp biển và cướp có vũ trang tàu hàng vận tải từ Trung Đông là một nguyên nhân trong việc cản trở sự di chuyển tự do của tàu biển gây ra sự chậm trễ, tổn thất tài chính và con người.
Campuchia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiệt đới với lượng mưa dồi dào gây ra lũ lụt hàng năm. Sự ngập lụt đáng kể kết hợp với hệ thống giao thông kém phát triển làm tăng nguy cơ gián đoạn cung cấp dầu, nhất là khi dầu được vận chuyển theo đường bộ.
Các nhà cung cấp dầu lớn ở Campuchia gồm các công ty tư nhân đa quốc gia như Chevron, Total và PTT và các nhà cung cấp trong nước như SOKIMEX và Tela.
Chính phủ Campuchia quy định các công ty này phải giữ kho dầu 30 ngày tại các bến nhưng các doanh nghiệp này chỉ giữ trữ lượng dầu trong thời gian 15 đến 20 ngày do Campuchia không có cơ chế giám sát việc trữ dầu.
Chính phủ Campuchia đang cố gắng củng cố khả năng phục hồi nguồn cung dầu của đất nước. Campuchia đã cố gắng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đường bộ để đa dạng hóa các phương thức vận tải.
Đồng thời, Campuchia cũng đang cải thiện các hệ thống dự báo thảm họa và các kế hoạch khẩn cấp để phân phối nhiên liệu theo các phương thức vận chuyển khác nhau.
Việc phát triển nhà máy lọc dầu của Công ty hóa dầu Campuchia sẽ hoàn thành vào năm 2019 và dự án sản xuất dầu trong nước do Tập đoàn KrisEnergy Ltd phát triển sẽ hoàn thành vào năm 2020 có thể sẽ tăng cường an ninh năng lượng của Campuchia trong tương lai gần.
* Các biện pháp đa dạng hóa nhiên liệu
Vậy Chính phủ Campuchia có thể áp dụng những biện pháp nào để giải quyết vấn đề đa dạng hóa nhiên liệu và tỷ lệ điện khí hóa thấp?
Thứ nhất, Chính phủ trước tiên nên xem xét việc các hộ gia đình có được nguồn cung cấp năng lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Các công nghệ như quang điện Mặt Trời trên mái nhà, trang trại năng lượng Mặt Trời và máy phát điện nhỏ độc lập có thể mang lại điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa trong ngắn hạn. Chính phủ nên hỗ trợ đầu tư để kết nối các khu vực này với lưới điện trong dài hạn.
Thứ hai, sự ổn định và giá điện nên được xem xét. Campuchia có thể cần phải thành lập một tổ chức, chẳng hạn như tổ chức chiến lược khẩn cấp quốc gia để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai.
Chính phủ Campuchia cũng có thể xem xét dự trữ dầu của nhà nước dựa trên những gì các công ty nhập khẩu dầu nắm giữ trong kho dầu tồn kho của họ. Điều đó sẽ giúp bảo vệ các ngành công nghiệp dễ bị tổn thương như y tế, thực phẩm và điện tử trong trường hợp khẩn cấp.
Việc làm này sẽ mang lại một tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư và có thể thu hút đầu tư quan trọng hơn vào Campuchia trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn cung cấp năng lượng ổn định như điện tử.
Thứ ba, Chính phủ nên xem xét những lợi ích có thể đạt được từ việc sản xuất và sử dụng điện hiệu quả. Campuchia có thể thấy được sự tiết kiệm năng lượng rất lớn nếu các máy phát điện mới có hiệu suất cao và các mô hình phát thải thấp.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, hiệu quả năng lượng và chính sách bảo tồn là thành quả có thể tiết kiệm đáng kể năng lượng ở giai đoạn tiêu thụ cuối.
Ngoài ra, Chính phủ có thể nhanh chóng phát triển và triển khai chiến lược hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong tất cả các lĩnh vực bằng cách tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, gió và sinh khối trong hỗn hợp năng lượng. Đây là điều cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của nền kinh tế Campuchia./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận