menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Nhiên

Cấm vận dầu mỏ của Nga sẽ chỉ có hiệu quả tương đối

Ngày 4/5, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga, trong đó gồm cả lệnh cấm vận dầu theo từng giai đoạn, trong bối cảnh Kiev cho biết Moskva đang đẩy mạnh tấn công ở miền Đông Ukraine và đồng minh của Nga là Belarus đã công bố các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Nhằm gia tăng áp lực lên nền kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD của Nga, Brussels đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế vào cuối năm nay. Phát biểu với các nhà lập pháp EU ở Strasbourg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: "(Tổng thống Vladimir) Putin phải trả giá, một cái giá rất đắt, cho sự hung hăng tàn bạo của ông ta".

Kế hoạch này - nếu được tất cả 27 chính phủ EU đồng ý - sẽ chiểu theo các lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ và Anh, đồng thời đánh dấu bước ngoặt đối với khối thương mại lớn nhất thế giới này, vốn vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga và phải tìm nguồn cung cấp thay thế. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo G7 khác trong tuần này về các bước tiếp theo có thể chống lại Moskva. Phát biểu với các phóng viên ở Washington, ông nói: "Chúng tôi luôn mở ngỏ trước các biện pháp trừng phạt bổ sung”. Còn Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã hoan nghênh tin tức từ Brussels, nhưng nhấn mạnh sự cấp bách phải hành động để “bỏ đói” cỗ máy chiến tranh của Nga.

Hiện tại, EU vẫn chưa nhắm mục tiêu đến khí đốt tự nhiên của Nga, được sử dụng để sưởi ấm các ngôi nhà và sản xuất điện trong toàn khối EU, và khó tìm nguồn thay thế hơn so với dầu thô của Nga.

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết Nga đang cân nhắc các phản ứng khác nhau đối với các kế hoạch của EU, đồng thời nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn thất lớn cho các công dân châu Âu.

Với lệnh cấm vận dầu hỏa được Ủy ban châu Âu đề xuất, sợi dây thòng lọng bóp nghẹt nền kinh tế Nga đã được siết chặt thêm. Câu hỏi đặt ra vẫn là liệu biện pháp này có thể làm Moskva suy yếu đến mức dừng cuộc chiến tại Ukraine hay không?

Điều hiển nhiên là biện pháp cấm vận dầu mỏ Nga là một quyết định rất hợp lý vì khi tiếp tục mua năng lượng của Nga, EU đã mặc nhiên tài trợ cho cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tại Phần Lan, kể từ khi Nga mở chiến dịch xâm lược Ukraine, EU đã trả cho Nga đến hơn 53 tỷ euro chi phí mua năng lượng, bao gồm 21 tỷ euro mua dầu mỏ, gần 31 tỷ euro mua khí đốt và 881 triệu euro mua than.

Để xóa bỏ nghịch lý kể trên, ngày 8/4, EU đã thực hiện bước đầu tiên bằng cách quyết định dừng mua than đá của Nga. Đề nghị cấm vận dầu mỏ của Nga, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của EU, là bước kế tiếp, trong khi chờ đợi bước tối hậu và phức tạp nhất là dừng mua khí đốt. Nếu quyết định về than đá có tác động không đáng kể, thì việc EU xóa bỏ nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, trên lý thuyết có ý nghĩa hơn rất nhiều vì cho phép tước đi một nguồn tài trợ đáng kể cho cuộc chiến ở Ukraine.

Dầu thô chiếm một vị trí quan trọng trong ngân sách nước Nga. Trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu dầu mỏ qua châu Âu chiếm đến 11% GDP của Nga, trong lúc khí đốt chỉ chiếm 2,5%. Và kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng lên gấp đôi, và khoản tiền khổng lồ này đã giúp tài trợ cho các chi phí đặc biệt, quân sự hoặc xã hội, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Khó tìm được thị trường thay thế châu Âu

Vấn đề đặt ra là Moskva không phải là không tính tới khả năng EU đóng cửa thị trường đối với dầu mỏ Nga. Trong thời gian qua, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đã đổ xô vào mua dầu thô của Nga đang được bán ra với giá thấp.

Thế nhưng, theo giới phân tích, khả năng Nga nhanh chóng tìm được thị trường mới đủ sức hấp thụ một lượng dầu tương đương với châu Âu trước mắt có vẻ khá hạn chế. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể tiêu thụ 2,5 triệu thùng mà Nga vận chuyển đến châu Âu mỗi ngày. Bên cạnh đó, vấn đề giá cả sẽ không có lợi cho Nga, vì Moskva sẽ bị các khách hàng mới bắt bí. Ấn Độ đang đàm phán để mua dầu của Nga ở mức 70 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent đã tăng lên mức trên 100 USD/thùng. Do đó, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ bị giảm sụt theo lệnh cấm vận của EU.

Một khó khăn khác đối với Nga là các đường ống dẫn dầu chính của Nga đều hướng về phương Tây. Chỉ có một đường ống duy nhất nối Nga với Trung Quốc và tuyến này đang hoạt động hết công suất. Để xây dựng một mạng lưới mới phục vụ châu Á tương tự như đường ống đã cung cấp dầu thô cho châu Âu, Nga sẽ phải mất không chỉ vài tháng, mà là nhiều năm và tốn rất nhiều tiền của.

Phương án vận chuyển bằng đường thủy, thông qua các tàu chở dầu cỡ lớn cũng sẽ gặp trở ngại vì không chắc chủ nhân các con tàu này sẵn sàng hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nếu không có khách hàng, các nhà sản xuất Nga sẽ bị buộc phải đóng cửa các giếng dầu và trái ngược với các đối thủ vùng Vịnh như Saudi Arabia, việc mở lại sản xuất sau khi đóng cửa đối với ngành khai thác tại Nga không dễ dàng.

Tóm lại, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU sẽ có tác động tiêu cực đến cả doanh thu xuất khẩu và năng lực sản xuất của Nga. Tuy nhiên, cấm vận của châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Nếu xuất khẩu của Nga giảm, điều này có thể đẩy giá dầu lên cao, qua đó giúp Nga bù đắp một phần thiếu hụt.

Nhìn chung, cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng không nhất thiết ngăn cản Điện Kremlin tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Tháng 4/2022, Quỹ Tài sản Chủ quyền của Nga đã có đến 155 tỷ USD, đủ để trang trải chi phí chiến tranh và chi phí xã hội nếu nguồn thu từ dầu mỏ bị cạn kiệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại