Cấm người nợ thuế xuất cảnh: Liệu có mạnh tay?
Cần có chính sách và sự điều chỉnh pháp luật về thuế để linh hoạt việc cấm xuất cảnh đối với các đơn vị còn nợ thuế
Thông tin cơ quan thuế đề nghị tạm hoãn xuất cảnh hàng ngàn đối tượng nợ thuế, khiến nhiều người nộp thuế (NNT), trong đó có các chủ doanh nghiệp (DN) lo lắng. Tuy nhiên, theo một thanh tra viên ngành thuế, để dẫn đến việc bị cấm xuất cảnh là một quá trình lâu dài.
Chỉ áp dụng với trường hợp chây ì
Vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân là ông Trương Anh Tuấn đã 2 lần bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tại 2 công ty con ở 2 địa phương khác nhau là Cần Thơ và Vĩnh Long.
Sau khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh, phía Hoàng Quân đã tiến hành hoàn tất thủ tục nợ thuế thì lệnh hoãn xuất cảnh đã được tháo gỡ. Số tiền nợ thuế của công ty tại Cần Thơ mà Hoàng Quân nợ là hơn 6 tỉ đồng.
Trong giai đoạn vừa qua, DN bất động sản gặp nhiều khó khăn vì nội tại, tiềm lực của DN nhưng cũng có các yếu tố liên quan thị trường, bị vướng các thủ tục pháp lý. Đại diện lãnh đạo một DN ngành thép cho biết câu chuyện bị nợ thuế phải hoãn xuất cảnh là quá khó khăn đối với DN. NNT bị cấm xuất cảnh biết sẽ mất uy tín và phải "trả giá" nhưng không có cách nào khác. "Với những trường hợp này, cần có sự trao đổi làm việc trước khi có thông báo để DN có thời gian chuẩn bị" - lãnh đạo DN này nói.
Đại diện các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: THY THƠ
Theo Cục Thuế TP HCM, tổng số tiền nợ thuế đến hết tháng 6-2024 đã tăng khá nhiều so với cuối năm 2023. Nguyên nhân là ngoài việc đối tượng nợ thuế chây ì còn có nhiều khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nhưng NNT chưa nộp; DN vướng mắc về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn chưa được tháo gỡ, khó khăn trong tín dụng ngân hàng. Để thu hồi nợ, Cục Thuế TP HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã công khai thông tin hàng ngàn người còn nợ thuế, ban hành hơn 66.000 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền thi hành cưỡng chế hơn 512.000 tỉ đồng. Đặc biệt, Cục Thuế TP HCM đã đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với hơn 2.700 trường hợp cá nhân, đại diện DN vì nợ thuế. Trước đó, tháng 5-2024, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, pháp luật cho phép ngành thuế đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với NNT. Theo đó, sau 2 lần gửi thông báo nhưng người nợ thuế chưa nộp thì cơ quan thuế sẽ gửi danh sách đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Có những trường hợp sau khi nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh, NNT đã chấp hành nộp thuế thì việc này được hủy bỏ ngay lập tức. Còn trường hợp chủ DN không biết bị tạm hoãn xuất cảnh là đơn vị đó đã bỏ địa chỉ kinh doanh nên không nhận được thông báo của cơ quan thuế. "Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là công cụ để các cơ quan thuế thu hồi các khoản nợ tồn đọng cho ngân sách nhà nước" - ông Dũng nói.
Tránh tình trạng bỏ trốn
Trong khi đó, một thanh tra viên Cục Thuế TP HCM cho biết để dẫn đến việc chủ DN bị cấm xuất cảnh là một quá trình dài. Ngoài các đơn vị cố tình chây ì, có rất nhiều DN kinh doanh gặp khó khăn mới rơi vào tình trạng nợ thuế. Lúc đó, cơ quan thuế thường xuyên làm việc với DN, lắng nghe họ đề xuất phương án, cam kết trong một thời gian nhất định sẽ nộp thuế. Sau đó, nếu DN không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan thuế mới áp dụng các biện pháp mạnh tay. Đầu tiên là phong tỏa tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, đề nghị cấm xuất cảnh.
Đề cập việc DN có tài sản giá trị hàng ngàn tỉ đồng, giàu tiềm năng phát triển nhưng do gặp khó khăn nhất thời dẫn đến nợ thuế và bị đề nghị cấm xuất cảnh, thanh tra viên này cho hay đây là vấn đề "nhức nhối" cho cả ngành thuế lẫn chủ DN. Bởi lẽ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thuế là tập trung thu hồi nợ thuế, bảo đảm nguồn thu nhà nước. Vì vậy, cơ quan thuế phải đề nghị cấm xuất cảnh để DN có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách, tránh trường hợp khi xuất ngoại, NNT có thể bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản dẫn đến thất thu ngân sách.
Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, chủ DN không thể ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng làm ăn với đối tác kinh doanh… sẽ khiến DN càng khó khăn, tình trạng DN nợ thuế ngày càng kéo dài. Về vấn đề này, thanh tra viên Cục Thuế TP HCM cho rằng cần phải có chính sách của nhà nước và sự điều chỉnh pháp luật về thuế để linh hoạt việc cấm xuất cảnh đối với các đơn vị còn nợ thuế, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế DVL, cho rằng số thuế mà DN phải nộp luôn phát sinh sau một quá trình kinh doanh. Nghĩa là đơn vị đó đã thu về tiền bán hàng hóa dịch vụ đồng thời đã có lợi nhuận và phải nộp thuế theo đúng thời hạn. Theo ông Hồng, tình trạng nợ thuế có thể phát xuất từ việc DN chấp nhận bị xử phạt chậm nộp và các biện pháp cưỡng chế khác, để tranh thủ số thuế phải nộp phục vụ cho sản xuất - kinh doanh hoặc là hoạt động DN đã hoàn toàn kiệt quệ nên không còn tiền để nộp thuế, buộc cơ quan thuế phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Ông Hồng còn cho biết nhiều năm trước, việc cấm xuất cảnh thường nhắm đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam rồi về nước nhằm trốn đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đến nay tình trạng cấm xuất cảnh khá phổ biến đối với các công dân Việt Nam. Nguyên nhân những người này không biết mình đang nợ thuế thu nhập cá nhân. Vì thế, cơ quan thuế cần cung cấp thông tin nợ thuế cho NNT biết; đồng thời thông báo trực tiếp việc tạm hoãn xuất cảnh do cá nhân đó chưa hoàn nghĩa vụ nộp thuế.
Nợ thuế chuyên thu quá hạn giảm
Cơ quan Hải quan vừa qua cũng đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với hàng loạt DN. Đa phần các DN này đã có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các đơn vị hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM. Theo đại diện Cục Hải quan TP HCM, vì có những thông báo này mà một số DN đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, khiến cho việc thu hồi nợ thuế khả quan hơn. Cụ thể, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến ngày 29-6 là 1.789 tỉ đồng, giảm 132,12 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2023. Tổng số nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước năm 2024 được thu hồi và xử lý lũy kế từ đầu năm đến ngày 29-6 là 185,467 tỉ đồng, đạt 78,96% chỉ tiêu thu hồi nợ được giao là 234,90 tỉ đồng. Trong đó, nhóm nợ có khả năng thu là 162,110 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận