24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cấm kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư: Lo tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Không chỉ tầng 1 của các khu chung cư tái định cư được cho thuê, kinh doanh, vỉa hè, hành lang công cộng của các tòa nhà này cũng bị lấn chiếm kinh doanh trái phép.

Nơm nớp lo sợ

Có một thực tế là cư dân các khu tái định cư thường là những người làm nghề buôn bán tự do ở một khu vực nào đó. Sau khi bị giải tỏa nơi ở cũ, họ được cấp cho một căn hộ tái định cư. Tuy nhiên, theo đó, công việc cũ ở địa bàn cũ cũng không thể tiếp tục. Do đó, về nơi ở mới, họ cũng phải tìm kiếm chỗ kinh doanh, mà tiện nhất là ngay tại khu tái định cư mình đang sinh sống. Chính vì vậy, phần nhiều các khu tái định cư có bóng dáng của những cái “chợ cóc” khá lộn xộn.

Theo phản ánh của cư dân Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), khu tái định cư của họ nhiều năm nay diễn ra tình trạng kinh doanh hỗn loạn. Không chỉ tầng 1 của các tòa chung cư, mà hành lang vỉa hè, không gian công cộng cũng bị các cư dân mỗi người một mặt hàng lấn chiếm kinh doanh, gây mất cảnh quan đô thị, nguy cơ cháy nổ...

Cấm kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư: Lo tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hầu hết tầng 1, hành lang công cộng trong khu tái định cư này đều bị lấn chiếm để kinh doanh trái quy định. Thượng vàng hạ cám, từ những hàng bán rong, chợ cóc cho đến các quán ăn sáng, quán cơm, quán nhậu, nước mía, caffe giải khát… đến các quầy thuốc đều được trưng bán hỗn độn. Người thì căng bạt, người che ô, quây thành từng khóm ngoài hành lang đi lại để kinh doanh.

Thậm chí, ngay cạnh cổng văn phòng Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tại tầng 1 tòa nhà N6C khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cũng đang diễn ra hàng loạt dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ, lấn chiếm cả vỉa hè, không gian công cộng của cư dân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị H. cư dân tòa nhà N6A cho biết, tình trạng kinh doanh hỗn loạn tại khu tái định cư này đã diễn ra hàng chục năm nay. Trong khi cư dân không có nơi sinh hoạt cộng đồng thì tầng 1 lại được tận dụng để kinh doanh. Không chỉ vậy, ngay cả không gian duy nhất là lối đi lại, vỉa hè của khu tái định cư cũng bị lấn chiếm.

Mạnh ai nấy làm, thậm chí có khi còn ẩu đả nhau để tranh giành vị trí bán hàng. Tình trạng này gây mất an ninh trật tự, nguy cơ cháy nổ cao. Giữa tháng 6 vừa qua, tòa nhà N6A bị chập điện cháy trong đêm. Rất may là lực lượng cứu hỏa đến kịp thời khống chế đám cháy, bảo đảm an toàn cho cư dân.

Theo bà H., trước đây UBND Quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đã nhiều lần “ra quân” bảo đảm an toàn trật tự giao thông, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Nhưng hết “chiến dịch” thì đâu lại vào đấy, đúng tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Bà T., một người bán nước trà ở cạnh tòa nhà N6C cho biết, khu tái định cư đa số là người lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định. Thu nhập bấp bênh, nên ai may mắn thì thuê được các tầng 1 để kinh doanh một cách đàng hoàng. Số còn lại thì tự lấn chiếm, làm liều tràn ra vỉa hè, tận dụng các khoảng lưu không, lối đi lại của các tòa nhà để kinh doanh.

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Hồng Thoại, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, khu tái định cư này được quản lý rất kém, đơn vị vận hành quản lý không có lòng tin với người dân. Tòa nhà có xuống cấp cũng không tu sửa, việc kinh doanh từ tầng 1 đến các không gian công cộng đểu mất kiểm soát, mạnh ai nấy làm. Cho dù UBND quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đã có nhiều phương án, biện pháp nhưng cũng khó xử lý tình trạng này.

Tương tự, tòa nhà VIII C thuộc khu tái định cư tại chỗ, đầu phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) do Công ty cổ phần Tu Tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư cũng vào cảnh tương tự. Tầng 1 tòa nhà này được một ngân hàng thuê làm phòng giao dịch. Xung quanh la liệt các hàng quán, bán đủ thứ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được TP. Hà Nội giao quản lý 148 tòa nhà tái định cư. Trong đó, diện tích kinh doanh tầng 1 lên đến 56.937m2. Nhiều toà nhà cho thuê kinh doanh tầng 1 như nhà N4CD (Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân); tòa A2-A3-A4 Đền Lừ (Hoàng Mai); N14A Định Công (Hoàng Mai); N06 Pháp Vân - Tứ Hiệp; nhà N6C Trung Hòa - Nhân Chính; nhà B3 Nghĩa Đô - Dịch Vọng; N11B Dịch Vọng, Cầu Giấy; nhà tái định cư Xuân La; C10 Dịch Vọng; nhà A1, A2 Phú Thượng; nhà CT2 -X2 - CT1- X2 Bắc Linh Đàm; nhà N14B, 14C Định Công; N1 Đồng Tàu…

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã tự ý bố trí cho 21 cá nhân, đơn vị vào sử dụng 4.038 m2 để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội.

Cấm kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư: Lo tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Lo “bắt cóc bỏ đĩa”

Trước thực trạng trên, xét đề nghị của Sở Tài chính Hà Nội tại Văn bản số 2054/STC-QLCS ngày 08/4/2020, báo cáo bổ sung tại Văn bản số 3217/STC-QLCS ngày 25/5/2020, ngày 9/6/2020, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 2285/UBND-STC về việc quản lý, sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư xây dựng bằng vốn ngân sách trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư tái định cư bố trí sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng, quản lý, sử dụng và kê khai, báo cáo theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước. Đồng thời, có trách nhiệm quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng này theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Bình luận về quyết định này với tư cách một người dân ở khu tái định cư, ông Phạm Hồng Thoại cho rằng, việc UBND TP. Hà Nội ra văn bản cấm kinh doanh, cho thuê tầng 1 các tòa nhà tái định cư để kinh doanh là điều rất tốt, phần lớn người dân sẽ ủng hộ. Vì đa số các khu tái định cư gần như không có không gian sinh hoạt cộng đồng. Chưa nói đến việc quản lý nguồn thu từ việc cho thuê tầng 1 liệu có được minh bạch, công khai, có nộp vào ngân sách Nhà nước?

Tuy nhiên, theo ông Thoại, việc chấm dứt việc kinh doanh ở tầng 1 các tòa nhà tái định cư là rất khó. Và để cấm triệt để thì các cấp chính quyền cũng phải nghiêm khắc với việc lấn chiếm, kinh doanh sai phép với các hàng quán trên vỉa hè, hàng lang công cộng của khu tái định cư. Có như vậy, chính sách của UBND TP. Hà Nội mới đi vào thực tiễn.

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Cương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý bất động sản Việt Phát cho biết, thực tế Hà Nội cho thấy tình trạng kinh doanh ở các tòa nhà chung cư nói chung và nhà tái định cư nói riêng đều rất phổ biến. Điều này dẫn đến việc các cư dân thiếu các nơi sinh hoạt cộng đồng. Do đó, UBND TP. Hà Nội cấm cho thuê, kinh doanh tầng 1 tòa nhà tái định cư là hợp lý, đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt cộng đồng của cư dân.

“Tuy nhiên, dẹp bỏ việc cho thuê kinh doanh tầng 1 khu tái định cư có thể dễ, nhưng tình trạng lấn chiến vỉa hè, hành lang nội khu, không gian công cộng tại khu tái định cư để kinh doanh thì rất khó xử lý, bởi đây là kế sinh nhai của nhiều người dân. Và nếu như không dẹp được tình trạng này thì việc cấm kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư lại rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, cấm tầng 1 họ sẽ nhảy ra vỉa hè. Do đó, UBND TP. Hà Nội cần có chế tài mạnh, đồng thời phải có phương án kết hợp giải quyết tình trạng công ăn việc làm, ví dụ như phân khu các nơi được kinh doanh, hàng quán, hoặc chợ cho người dân đảm bảo an sinh cuộc sống”, ông Cương nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để quản lý hiệu quả hơn các chung cư cần phải thành lập các công ty quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Hiện tại, mô hình xây tường bao quanh, lắp cầu bập bênh, ngựa quay, ghế đá... nhằm bảo vệ không gian sống cho cư dân đang dần lan tỏa trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một biện pháp ngăn chặn hành vi chiếm dụng đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, nếu ban quản trị quản lý không tốt thì các giải pháp đều trở thành “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả