Cam kết từ Thủ tướng và các "tư lệnh ngành" giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” diễn ra sáng 23/12 tại Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ, các thành viên trong Chính phủ cùng nhiều, bộ, ngành đã đưa ra một loạt cam kết để cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.
Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và DN. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và DN, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của DN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
“Chúng ta cần ý thức rằng để một DN hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng DN mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta. Một cộng đồng DN lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045", Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để có thêm nhiều DN, chắc chắn môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh mẽ. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 55% DN vẫn phải có chi phí không chính thức cho bộ máy công quyền mặc dù so với lần khảo sát trước đã giảm 11% (khảo sát trước tỷ lệ này là 66%). Có 2 loại bôi trơn: bôi trơn nhỏ - lẻ, bôi trơn lớn - chiếm 10% Doanh thu của DN. Theo báo cáo gần đây nhất của VCCI, 38% DN nói vẫn phải có phí bôi trơn lớn và chủ yếu liên quan đất đai.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra vấn đề tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chúng ta đề ra mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng thực tế các ngành, bộ báo cáo cắt giảm được hơn 50%. Song, qua khảo sát của DN, chưa đầy 30% điều kiện kinh doanh được cắt giảm, còn lại nói là cắt giảm nhưng thực tế vẫn còn.
"Thủ tướng đã rất quyết liệt, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình rất quyết liệt chỉ đạo không được thanh - kiểm tra trùng lắp. Nhưng tỷ lệ DN hàng năm chịu thanh, kiểm tra trùng lắp vẫn rất lớn. 1/3 DN bị kiểm tra 1 lần/năm và khảo sát năm nay cho thấy vẫn còn 19% DN bị kiểm tra 2 lần/năm. Con số này đã giảm hơn một nửa so với năm trước nhưng vẫn còn cao", Phó Thủ tướng nêu.
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn của DN
Liên quan tới vốn - vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hương phát biểu, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, ngành ngân hàng đã đồng hành và hỗ trợ DN đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Chúng tôi khẳng định rằng, đến nay hệ thống tín dụng có đầy đủ nguồn vốn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Các DN khó khăn luôn được các tổ chức tín dụng đồng hành, chia sẻ. Đồng thời, trong quá trình kinh doanh gặp khó khăn thì vẫn được các tổ chức tín dụng hỗ trợ thông qua biện pháp cơ cấu lại nợ cũng như miễn, giảm lãi suất cho vay", ông Lê Minh Hương cam kết.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hương. (Ảnh: TBNH)
Ngoài ra, theo Thống đốc NHNN, trong thời gian vừa qua, ngân hàng cũng đã hỗ trợ, khuyến khích các DN áp dụng công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán. Những vấn đề như ví điện tử, tiền di động, chuyển mạch điện tử, thanh toán bằng QR, hay các vấn đề an ninh, an toàn.. được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh".
Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, với tinh thần cầu thị, chủ động, các kiến nghị gửi đến NHNN qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã được NHNN xử lý, giải đáp kịp thời và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và NHNN.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường; Mở rộng tín dụng hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro.
Người đứng đầu NHNN khẳng định, ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
"Hôm nay, có một số kiến nghị của DN như hiệp hội gỗ, dệt may, nông nghiệp số... chúng tôi cam kết tiếp thu các ý kiến, kiến nghị trong thời gian tới chỉ đạo các TCTD xử lý các vấn đề mà DN quan tâm", Thống đốc Lê Minh Hương nói.
Lời hứa không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan hành pháp, tư pháp cùng cam kết không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.
Cho rằng pháp luật còn nhiều bất cập so với kỳ vọng của DN và xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại diện DN để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, giảm thực chất điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực công chức và đạo đức công vụ. Chống hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự... Theo ông Long, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng chỉ còn 2 hành vi kinh tế bị xử lý hình sự.
Trong khi đó, đại diện cơ quan thực thi, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan này không có chủ trương hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. Dù vậy, ngành Công an sẽ xử lý nghiêm DN vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng núp bóng DN để vi phạm pháp luật, như: Hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê, sử dụng đối tượng hình sự để chèn ép DN khác; Tội phạm kinh tế về tham nhũng, buôn lậu, hàng giả… đã ảnh hưởng trực tiếp tới DN, môi trường kinh doanh.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng khẳng định, luôn đồng hành với DN làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật. Để xã hội phát triển, DN ổn định làm ăn, ngành Kiểm sát cam kết hạn chế không hình sự hoá quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, Quốc hội thông qua Luật Hoà giải, ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dân sự, thương mại theo hướng thân thiện, 2 bên cùng thắng. Do đó, ông Bình mong DN sử dụng cơ chế mới này như con đường ưu tiên để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong hoạt động kinh doanh. Người đứng đầu ngành Toà án cũng cam kết ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.
Vì mục tiêu phát triển bền vững của DN Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tổ chức tốt hoạt động tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, và đặc biệt là trong xây dựng các hàng rào kỹ thuật và pháp lý để bảo vệ thị trường nội địa và DN trong nước. Nhưng chúng ta phải xác định bằng các công cụ phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế cũng như các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, chứ chúng ta không thể đóng cửa thụ động để tiếp tục bảo hộ một số ngành kinh tế nếu như không chứng minh được năng lực cạnh tranh và hiệu quả, lợi ích toàn diện của đất nước, người tiêu dùng và cộng đồng DN.
Và trong tinh thần đó, năm 2020 hàng loạt chính sách lớn của Đảng và Nhà nước sẽ được ban hành. Bộ Công Thương sẽ sớm cụ thể hóa, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những cơ chế chính sách - đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường thương mại nội địa, cũng như tiếp tục các chính sách cụ thể trong một số ngành kinh tế cụ thể có gắn kết với nông nghiệp cũng như bảo vệ thị trường trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Báo Công Thương)
"Đây là cơ hội cho chúng ta tái cơ cấu lại hệ thống DN với quan điểm tiếp cận không chỉ dừng lại ở trong thị trường nội địa mà sẽ tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế và khai thác tốt các cơ hội mà hội nhập quốc tế cũng như hiệp định thương mại tự do mang lại.
Rất mong tinh thần và cách tiếp cận của PPP với đối tác công - tư sẽ được thể hiện không chỉ bằng cơ chế, chính sách của Chính phủ trong ưu đãi, hỗ trợ DN mà còn cần sự chủ động tích cực của cộng đồng DN, nhất là các DNNVV trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có nhiều dư địa, cơ hội đi kèm thách thức", người đứng đầu Bộ Công Thương bày tỏ.
Bộ Công Thương cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) với các tổ chức xúc tiến thương mại đại diện cho các ngành hàng cũng như cộng đồng DN, và đặc biệt là các địa phương để thực thi tốt nhiệm vụ trong cả phát triển bền vững và hội nhập của Việt Nam.
Cũng nhấn mạnh đến nội dung phát triển bền vững, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu: Vấn đề sản xuất sạch hơn, cơ hội và thách thức của DN là đi đều với nhau. Hiện chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mới, đó là năng lượng chuyển từ nâu sang xanh, chuyển từ mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên sang mô hình kinh tế tri thức, hay kinh tế số, tăng trưởng xanh, các bon thấp hay kinh tế tuần hoàn...
"Tất cả những điều đó, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo rằng Việt Nam sẽ đảm bảo hội nhập thành công và chúng ta sẽ chủ động đưa DN tiên phong để tiếp nhận cơ hội và vượt qua thách thức", người đứng đầu Bộ Tài nguyên & Môi trường cam kết.
Theo ông Trần Hồng Hà, "đây là ý kiến chỉ đạo mà chúng tôi thực hiện trong khi sửa Luật Đất đai, coi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt để tạo ra quy hoạch mang tính sáng tạo, tạo ra không gian để quản lý minh bạch và đưa được nguồn lực này vào phát triển kinh tế. Đồng thời vấn đề môi trường, chúng ta dựa trên vấn đề như tôi đã nói ở trên các mô hình mới, các xu hướng mới để chúng ta cụ thể hóa những xu hướng đó".
Theo đó, từng bước DN sẽ có những ngành nghề mới, tức là tạo ra động lực phát triển bên cạnh các ngành nghề trước đây sử dụng vào bất động sản hay tài nguyên... Sắp tới sẽ có những ngành nghề dựa trên kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, các bon thấp. Đây chính là đầu tư vào giá trị tự nhiên, phát triển kinh tế dựa trên hệ sinh thái và sẽ đưa ra được các ngành nghề như kinh tế dựa trên sự phục hồi và tái tạo tự nhiên, và sẽ có ngành công nghiệp xanh, sạch để giải quyết các vấn đề về môi trường. Cùng với kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực, chuỗi kinh tế trong giá trị chung.
"Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ lấy ý kiến về sửa đổi Luật Môi trường. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ triển khai nghiêm túc và sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Thông điệp của Thủ tướng đối với cộng đồng DN:
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn. Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA. Doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Cần phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho doanh nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. “Thủ tướng hôm nay đích thân mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành”, Thủ tướng nói. Thủ tướng mong muốn với những thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận