Cam kết quốc tế của Việt Nam về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Hiện nay, các hiệp định, cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) chủ yếu thể hiện dưới hình thức tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Ngoài ra, còn được thể hiện dưới dạng cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện thương mại, thâm nhập trong các ngành, lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.
Về ký kết và tham gia đầu tư hoặc liên quan đến đầu tư, đến nay Việt Nam đã ký kết và tham gia khá nhiều hiệp định như: Các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký kết với trên 50 nước; Các hiệp định trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do (FTA); Các hiệp định về dịch vụ trong WTO và các FTA; Hiệp định thành lập tổ chức bảo đảm đầu tư đa phương; Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài...
Nhìn chung, các hiệp định và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến M&A chủ yếu thể hiện dưới hình thức tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN Việt Nam, hoặc được thể hiện dưới dạng cam kết. Các cam kết này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện thương mại, thâm nhập trong các ngành, lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Điển hình như:
Việt Nam gia nhập WTO với cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình. Kể từ năm 2009, nhiều lĩnh vực dịch vụ đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cung cấp như kiến trúc, nghiên cứu thị trường, giáo dục, phân phối hàng hóa và quảng cáo. Sự mở rộng này là cơ hội cho hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A. Một số hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần không có thời hạn dỡ bỏ như:
- Dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp, săn bắn và nông nghiệp: Chỉ cho phép thành lập liên doanh hoặc hợpđồng hợp tác kinh doanh. Phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh.
- Dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng: Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 65% vốn pháp định của liên doanh.
Hoạt động M&A tại Việt Nam được quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật DN năm 2014, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2014 và phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động M&A mà Việt Nam là thành viên. Do tính chất phức tạp của M&A mà pháp luật về M&A không chỉ điều chỉnh các vấn đề về sở hữu hay quản trị DN mục tiêu, mà còn đề cập đến các vấn đề liên quan như: đăng ký thay đổi chủ sở hữu DN, đăng ký về thủ tục M&A, các nghĩa vụ về thuế, xác định giá trị DN mục tiêu, pháp luật cạnh tranh để kiểm soát hoạt động M&A.
Cam kết trong khu vực ASEAN
Các cam kết quốc tế của Việt Nam trong khu vực ASEAN về M&A chủ yếu được thể hiện ở Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm tính rõ ràng và nhất quán trong việc áp dụng và giải thích các luật, quy định và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của nước mình, nhằm tạo ra và duy trì một chế độ đầu tư có thể dự đoán trước trong ASEAN.
Các cam kết quốc tế về đầu tư song phương có yếu tố tự do hoá liên quan đến M&A
Các cam kết này bao gồm Hiệp định khuyến khích, bảo hộ và tự do hoá đầu tư Việt Nam - Nhật Bản và trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). Bên cạnh cam kết về bảo hộ đầu tư, Việt Nam còn cam kết về quyền thành lập đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các hiệp định này đều sử dụng phương pháp chọn bỏ, nghĩa là đưa ra các cam kết chung và các Bên ký kết có quyền duy trì, hoặc ban hành các biện pháp không phù hợp với các nghĩa vụ chung.
Tại Phụ lục H của Hiệp định BTA, Việt Nam đã cam kết với Hoa Kỳ xóa bỏ mọi hạn chế về việc chuyển nhượng vốn đầu tư. Theo đó, DN 100% vốn đầu tư nước ngoài không bắt buộc phải ưu tiên chuyển nhượng cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, Phụ lục H cũng cam kết về việc cho phép nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài và nới lỏng các hạn chế về sở hữu vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Theo quy định của BTA, trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, nhà đầu tư Hoa Kỳ được phép thành lập công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
FTA có cam kết về đầu tư
Các FTA có cam kết về đầu tư mà Việt Nam tham gia không liên quan nhiều đến việc M&A DN. Việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào DN Việt Nam theo Hiệp định này được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận