menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Cấm đặt lệnh chứng khoán bằng robot: Hô hào công nghệ nhưng sử dụng động cơ 'chạy bằng cơm'

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây yêu cầu các đơn vị rà soát và dừng ngay việc sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động (giao dịch robot), có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hình thức đặt lệnh tự động, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên, khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

Lý do được đưa ra là đặt lệnh qua robot sẽ làm gia tăng đột biến tổng số lệnh trong cùng một thời điểm, vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải. Như vậy có nghĩa là, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đủ năng lực quản lý, nên phải hạn chế rủi ro bằng cách ngăn chặn hình thức đặt lệnh tự động.

Nhưng cách điều hành này đi ngược lại với thế giới, khi mà các nước văn minh đều sử dụng robot thay cho đặt lệnh bằng công cụ “chạy bằng cơm”. Bởi vì, một người có thể có nhiều tài khoản chứng khoán, có những thời điểm không thể cùng một lúc xử lý thông tin kịp thời để giao dịch, thì robot cũng là công cụ đặt lệnh hữu ích.

Hoặc, có khi nhà đầu tư không có thời gian giao dịch vì bận việc, hội họp, đang di chuyển trên máy bay, hoặc vì lý do nào đó không thể xử lý kịp những biến động bất ngờ của thị trường, thì việc đặt lệnh qua robot là cần thiết. Robot đặt lệnh là công cụ để kiểm soát và xử lý thông tin và giao dịch, nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Dùng robot đặt lệnh là cách mà thế giới văn minh đang sử dụng. Việt Nam đi sau, cần phải học và bắt kịp những tiến bộ của thế giới và lĩnh vực tài chính - chứng khoán càng không thể tụt hậu.

Năng lực thiết kế của hệ thống chưa đảm bảo được khi đặt lệnh tự động sẽ gia tăng đột biến gây quá tải là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chuẩn bị tốt "hạ tầng". Làm chính sách là phải có tầm nhìn xa.

Trước đây, số người tham gia thị trường chứng khoán chưa đáng kể, nhưng đến nay đã tăng lên gấp nhiều lần và trong vài năm tới, sẽ tăng thêm gấp nhiều lần so với hiện tại. Vậy thì, phải thiết kế hệ thống đảm bảo không quá tải và xử lý được ngay cả khi cho phép sử dụng robot đặt lệnh như các nước tiên tiến.

Suốt ngày nghe hô hào 4.0, nhưng hạn chế công nghệ để trở lại với thủ công thì tất cả những chuyện 4.0, số hóa chỉ là khẩu hiệu.

Hy vọng việc dừng hình thức đặt lệnh tự động chỉ tạm thời trong ngắn hạn, sẽ sớm "mở cửa" cho robot vào sân chơi để khai thác tối đa lợi ích của công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán.

Hiểu như thế nào về hình thức đặt lệnh tự động vừa bị UBCKNN “tuýt còi”?

Các hình thức đặt lệnh tự động

Giao dịch đặt lệnh tự động được chia làm hai nhóm:

  • Giao dịch bán tự động: Là hệ thống sử dụng máy tính kết hợp với sự can thiệp của chuyên gia để tối ưu quá trình ra quyết định. Nhà giao dịch chịu trách nhiệm chính của quá trình ra quyết định, xử lý những thông tin hay loại dữ liệu mà máy móc chưa tự giải quyết được. Trong khi đó, hệ thống máy tính hỗ trợ gia tăng tốc độ, sự ổn định, và độ chính xác. Có rất nhiều hệ thống thuật toán bán tự động hỗ trợ các nhà đầu tư tại điển hình như đặt lệnh đóng mở vị thế hiện đang rất phổ dụng tại các Công ty Chứng Khoán.
  • Giao dịch tự động: Tự động hóa toàn bộ quá trình thu thập dữ liệu, truy vấn dữ liệu, sử dụng thuật toán để ra quyết định giao dịch, báo cáo kết quả giao dịch, quản lý danh mục theo thời gian thực mà không cần sự can thiệp của con người.
Cấm đặt lệnh chứng khoán bằng robot: Hô hào công nghệ nhưng sử dụng động cơ 'chạy bằng cơm'

Giao dịch tự động được chia thành hai nhóm lớn: Nhóm thuật toán tìm kiếm lợi nhuận (Profit-Seeking Algorithm) và nhóm thuật toán thực thi (Execution Algorithm).

Cấm đặt lệnh chứng khoán bằng robot: Hô hào công nghệ nhưng sử dụng động cơ 'chạy bằng cơm'

Trích “ALGORITHMIC TRADING THEORY AND PRACTICE”

Điển hình trong nhóm thuật toán tìm kiếm lợi nhuận là các chiến lược: quán tính giá, hồi quy trung vị, trung lập thị trường, giao dịch theo cặp, chênh lệch giá, hành động trước tái cân bằng quỹ chỉ số, chiến lược hướng sự kiện, tạo lập thị trường, lướt sóng siêu ngắn, Beta vượt trội và truy vết.

Trong nhóm thuật toán thực thi có thể kể đến các thuật toán lịch trình (scheduled) nổi bật bao gồm: POV (percentage by volume), TWAP (volume-weighted average price), VWAP (time-weighted average price).

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư tham gia giao dịch thuật toán – giao dịch tự động sử dụng nhóm thuật toán tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, xét về khối lượng giao dịch, nhóm thuật toán thực thi lại có khối lượng lớn hơn khi được sử dụng rộng rãi bởi các quỹ đầu tư.

Hình thức đặt lệnh tự động nào có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến sự ổn định của hệ thống?

Hàng ngàn lệnh gửi vào hệ thống giao dịch cùng một thời điểm là điều kiện tiên quyết để ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định của hệ thống. Xét các hình thức đặt lệnh tự động nêu trên, nhà đầu tư có thể dự đoán được nhóm thuật toán giao dịch nào có khả năng cao nhất gây ra tình trạng mất ổn định hệ thống:

  • Hình thức giao dịch bán tự động: Bản chất vẫn là giao dịch thủ công nhưng sẽ thực thi khi thỏa mãn một số tiêu chí định trước và chỉ diễn ra một (01) lần cho mỗi thiết lập do đó đây là hình thức đặt lệnh tự động gần như không có bất cứ tác động tiêu cực nào đến sự ổn định của thị trường chứng khoán. Thậm chí có thể nói rằng nhà đầu tư sử dụng công cụ này sẽ phát sinh giao dịch thực tế ít hơn các nhà đầu tư giao dịch theo phương pháp truyền thống.
  • Nhóm thuật toán tìm kiếm lợi nhuận: Nhóm này bao gồm giao dịch tần suất cao (HFT). Ước tính 95% các nhà giao dịch thuật toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang thông qua AmiBroker cùng với cơ sở hạ tầng hiện nay thì khả năng một thuật toán tìm kiếm lợi nhuận gửi hàng trăm lệnh mỗi giây để gây nghẽn hệ thống gần như không tồn tại.
  • Nhóm thuật toán thực thi: Nhóm thực toán thực thi phổ dụng như TWAP, VWAP hay POV nhằm tối ưu hóa giao dịch cũng không có khả năng gây ra tình trạng nghẽn lệnh với tần suất vào lệnh rất thấp. Tuy nhiên, thuật toán thực thi tàng hình “Steath” cho phép chẻ lệnh “order splitting” hoàn toàn có khả năng gửi hàng ngàn lệnh mỗi giây vào hệ thống gây ra bất ổn cho hệ thống. Đây cũng là ứng dụng không mới lạ gì với phần đông nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam.

Một ví dụ đơn giản là một nhà đầu tư tổ chức muốn mua 200.000 cổ phiếu và thực hiện thông qua việc chẻ lệnh đến mức nhỏ nhất là 100 cổ phiếu lệnh thì ngay lập tức nhà đầu tư đó sẽ gửi đi 2000 lệnh độc lập. Vào những lúc thị trường biến động nhanh, chỉ cần 10 nhà đầu tư tương tự cùng tham gia rất có thể sẽ gây ra tình trạng nghẽn lệnh hoặc bất ổn diện rộng trên toàn thị trường như đã diễn ra trước đây trong thời kỳ Covid. Giải pháp đơn giản cho hình thức chẻ lệnh là đảm bảo đơn vị chẻ lệnh nhỏ nhất là 10.000 cổ phiếu.

Đại diện UBCKNN cho rằng việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến là xu thế của công nghệ mới. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ tùy thuộc vào từng điều kiện pháp lý, cũng như hạ tầng công nghệ của từng thị trường chứng khoán mà cơ quan quản lý thị trường sẽ quyết định áp dụng hay không hoặc áp dụng ở mức độ nào.

Với thị trường Việt Nam, lệnh theo thuật toán, robot hay lệnh tần suất cao đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện từ quy định pháp lý, đến thực tiễn hệ thống công nghệ toàn thị trường và cả hệ thống công nghệ của từng công ty chứng khoán.

Lãnh đạo UBCKNN cũng khẳng định: “Mục tiêu của cơ quan quản lý là điều hành hoạt động của thị trường đúng pháp luật, đảm bảo thị trường có thanh khoản, thông suốt, ổn định, an toàn, công bằng và minh bạch. Chính vì vậy, các giải pháp dịch vụ, sản phẩm mới luôn được nghiên cứu, khuyến khích nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn phát triển và quan trọng hơn hết là phải vì mục tiêu chung của thị trường và lợi ích của đại đa số các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm cả các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch và nhà đầu tư”.

Hiện, một số quan điểm cho rằng việc tạm dừng giao dịch tự động phần nào gây ra ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên theo một góc độ nào đó đây là bước đệm để đảm bảo cho sự an toàn của hệ thống giao dịch trong thời gian chờ đợi hệ thống KRX vận hành ổn định cùng hành lang pháp lý cho lĩnh vực giao dịch thuật toán.

Theo kế hoạch hệ thống KRX sẽ được vận hành sớm ngay trong 2023, tạo tiền đề cho các sản phẩm tài chính mới, đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho phép sự phát triển sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực giao dịch thuật toán. Giao dịch thuật toán phát triển chắc hẳn sẽ nâng tầm thị trường tài chính Việt Nam tiệm cận với các thị trường tài chính phát triển trên thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
8 Yêu thích
4 Bình luận 23 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại