menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

“Cấm cửa” tài xế làm giá, vòi tiền ở Tân Sơn Nhất

Các tài xế bị cấm thỏa thuận với hành khách để cung cấp các dịch vụ không thực hiện trên ứng dụng Grab; không được bỏ xe, chào mời, chèo kéo...

Trước những hành vi chèo kéo, tăng giá, chèn ép hành khách đi xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gây bức xúc dư luận, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo quyết liệt.

Đến nay, các đơn vị quản lý đã đưa ra được một số giải pháp để chấn chỉnh, song tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tình trạng lộn xộn ở sân bay chủ yếu bên trong nhà xe TCP. Ở khu vực này Thanh tra Sở GTVT không có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, mà thuộc chức năng quản lý của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại các đường A, B phía trước ga quốc nội là những tuyến đường được xem là đường nội đô nên Thanh tra Sở có quyền kiểm tra, xử lý các phương tiện dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định. Công việc này được thực hiện thường xuyên và đã chấn chỉnh thời gian qua. Các làn C, D ở bên trong nhà xe nên Thanh tra không có thẩm quyền vào đó. Ông Đàm Phan Phát, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM

Ngoài cánh xe ôm, khu vực trước nhà xe còn xuất hiện một nhóm tài xế “xe dù” từ 3 - 5 người giả danh các hãng xe công nghệ trà trộn vào dòng người tấp nập để mồi chài, bắt khách.

Ngay vị trí đèn tín hiệu giao thông, lối ra vào duy nhất của sân bay hình thành một “bến cóc” với 4 - 5 chiếc ô tô 4 chỗ, 7 chỗ cùng nhiều xe ôm công nghệ cát cứ.

Khoảng 21h ngày 12/8, trong vai khách muốn tìm xe, PV hỏi điều vận hãng xe Sóng Việt giá tiền cho lộ trình khoảng 12km đi từ sân bay về Bến xe An Sương. Nhân viên báo giá 350.000 đồng.

Khi PV tỏ ý chê giá cao, một nhân viên mặc áo mang logo Avigo sáp lại hất hàm hỏi cộc lốc: “Đi đâu? Báo giá cho”.

Khi biết PV về ngã tư An Sương, người này dẫn lại gặp một nhân viên điều vận ngoài 50 tuổi, người này thông báo giá 300.000 đồng.

Thấy PV phân vân vì giá cao, nhân viên đề nghị đi xe 2 bánh cũng của nhà xe Avigo giá 170.000 đồng. Khi PV nói giá đắt, người giảm giá xe máy xuống còn 150.000 đồng. Nhưng khi chúng tôi trực tiếp đến quầy đặt xe hai bánh của hãng Avigo, PV được báo giá 130.000 đồng.

Cùng với lộ trình, khi PV liên hệ với các nhà xe khác đang hoạt động vận chuyển hành khách thì mức giá chênh lệch từ 50.000 - 100.000 đồng.

Đặt xe công nghệ Grab trên app lúc này có giá gần 200.000 đồng, các hãng xe khác như Mai Linh và Vinasun tính theo km trên đồng hồ, cũng được báo mức giá trong khoảng 230.000 – 250.000 đồng. Nhân viên điều vận của hãng taxi Saigontourist báo giá 250.000 đồng.

Đáng nói, dù được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng là xe buýt tuyến sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu nhưng hãng xe Avigo đang hoạt động không khác gì taxi khi sẵn sàng đón, trả khách ở địa điểm bất kỳ.

Giá vé cũng không niêm yết cố định mà tùy vào thỏa thuận của nhân viên điều vận với khách.

“Xe dù” công khai lộng hành ở ga quốc tế

Cũng trong ngày 13/8, PV có mặt tại khu vực ga đi quốc tế, khung cảnh ở đây không khác gì một bến bãi tự phát. Trên làn xe trả khách luôn có gần 10 chiếc xe taxi dù mang BKS: 61A - 609.11; 51G - 055.34; 51H - 494.10; 51H - 543.16; 51G - 511.04; 51F - 174.14… đỗ xe thành hàng dài. Những chiếc xe này đều mang biển trắng, là xe không thuộc diện kinh doanh vận tải theo quy định, có dấu hiệu bôi tẩy biển số đến mức không thể nhìn rõ.

Trong hơn 2 tiếng quan sát, PV ghi nhận nhóm tài xế dai dẳng bám theo hành khách có mặt tại sân bay chèo kéo đi xe, bất chấp sự khó chịu hiện rõ trên mặt hành khách.

Đáng chú ý, tại khu vực nhà ga quốc tế có dù có một nhân viên an ninh sân bay dùng xe máy rảo quanh tuần tra nhưng không hề có động thái nhắc nhở nào.

Hơn 22h, PV trong vai hành khách tìm xe về nhà, được một tài xế từ xa chạy đến mời đi xe. Tài xế báo giá 150.000 đồng về khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), lộ trình khoảng 3,4km. Tuy nhiên, sau khi bị từ chối vì giá cao, tài xế này kéo áo lên chửi thề và… bỏ đi tìm hành khách khác.

Khoảng 3 phút, một tài xế khác lại tiếp cận PV để tiếp tục chèo kéo đi xe và vẫn với mức giá 150.000 đồng: “Về Bảy Hiền phải không, 150.000 đồng lên xe đi luôn, chờ 30 phút nữa cũng không có xe đâu”. PV tiếp tục trả giá xuống còn 120.000 đồng và tài xế này nói rằng “vậy cứ tiếp tục chờ”.

Cùng thời điểm, ba chiếc xe dù khác ngang nhiên dừng, đậu vào làn trả khách nhưng thực chất là để đón khách. Dù tại đây có biển báo cấm dừng xe quá 3 phút, nhưng các chiếc xe này đậu hơn 30 phút, không hề thấy ai đến nhắc nhở.

Đến 23h30 tại ga đến quốc tế, hơn 10 tài xế xe dù thay nhau chèo kéo khách nước ngoài ngay sau khi có một chuyến bay vừa hạ cánh. Các tài xế này luôn cầm trên tay điện thoại với màn hình biểu thị như kiểu đã được khách hàng đặt xe để đến gần hành khách “hét giá”. Với chiêu thức này một tài xế xe BKS 61A - 394.81 thành công “bắt” được một hành khách người Ấn Độ và cho PV ghép chuyến với giá 100.000 đồng.

Chúng tôi hỏi người khách Ấn Độ đi cùng chuyến thì được biết anh này phải trả 200.000 đồng cho quãng đường chỉ khoảng 3km.

Taxi lập “bến cóc”, từ chối cuốc ngắn

“Cấm cửa” tài xế làm giá, vòi tiền ở Tân Sơn Nhất
Xe dù biển số màu trắng bị tẩy xóa bắt khách ở sân bay

Theo ghi nhận của PV, trên đường Bạch Đằng, cách đường Trường Sơn chưa đến 50m (quận Tân Bình) đã thành “bến cóc” taxi. Theo tìm hiểu, đây là cảnh xếp tài của các hãng taxi chủ yếu là hai hãng Vinasun và Mai Linh để chờ đến lượt vào sân bay đón khách. Các điều vận và tài xế xem đoạn đường này như “sân nhà”.

Tại khu vực ngay trước khu đất dự kiến làm bãi đệm sân bay, dù có biển báo cấm dừng đỗ từ 6h - 22h, nhưng mỗi ngày có hàng trăm trường hợp xe taxi của các hãng dừng đậu sai quy định. Tài xế đối phó với CSGT bằng cách dừng xe, đứng ngay bên cạnh xe. Khi thấy bóng dáng CSGT, các tài xế mở cửa nhảy ngay lên xe và bật đèn báo chuyển làn.

Trong vai hành khách đợi taxi Vinasun, chúng tôi đến vị trí nhân viên điều vận đứng và hỏi xe về khách sạn Tân Sơn Nhất đường Hoàng Văn Thụ, lộ trình 2,8km. Sau khoảng 20 phút chờ đợi, điều vận liên tục xếp tài cho chở những khách đến sau có lộ trình xa hơn.

Khoảng 21h30, một xe 4 chỗ của Vinasun di chuyển vào ô đợi khách. Tài xế bước xuống xe mở cốp hành lý phía sau và hỏi điểm đến. Khi biết chúng tôi về khách sạn Tân Sơn Nhất (quãng đường ngắn), tài xế sập cốp xe xuống nói: “Không chở được đâu”.

Mấu chốt là công tác quản lý

“Cấm cửa” tài xế làm giá, vòi tiền ở Tân Sơn Nhất
Hành khách xếp hàng dài chờ taxi trong nhà xe TCP. (Ảnh chụp tối 12/8)

Liên quan tình trạng các hãng taxi bát nháo ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM kiêm Giám đốc điều hành Taxi Vinasun cho rằng, trong sân bay có 4 hãng taxi lớn là Vinasun, Mai Linh, Saigontourist và Vinataxi, còn lại xe hợp đồng, một số hãng nội bộ của hàng không như Sóng Việt, Avigo…

“Các hãng taxi trên quản lý rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, có điều hành, xếp tài, chạy lộn xộn sẽ bị đình tài nên ít có tài xế nào dám làm. Hãng taxi không bát nháo, chỉ có xe hợp đồng, trá hình không mào, mũ mới bát nháo”, ông Hỷ nói và cho rằng, lý do khiến thiếu xe vào sân bay là do đường vào chật chội. Vấn đề hiện nay là chỉ có tăng đầu vào mới giải quyết được tình trạng thiếu xe.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, mấu chốt câu chuyện lộn xộn ở đây là công tác quản lý sân bay: “Thời tôi làm ở Sở GTVT, việc sắp xếp luồng xe đi đến, bãi đậu xe ở sân bay Tân Sơn Nhất đều có sự thống nhất giữa Sở GTVT với cơ quan quản lý sân bay. Mọi chuyện lúc đó đều yên ổn. Giờ theo quy định, Cảng vụ là cơ quan quản lý Nhà nước trong sân bay, Sở GTVT không có quyền”.

Theo ông Tính, việc sân bay được quyền chọn các doanh nghiệp vận tải để phục vụ hành khách đi lại ở sân bay dẫn đến sự tùy tiện, chỉ ưu tiên 4 đơn vị có ký kết với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, còn các doanh nghiệp khác không được ra vào. Vì thế, cần có sự phối hợp giữa Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sở GTVT TP.HCM thì mới có thể dẹp được tình trạng bát nháo hiện nay.

Chỉ đạo quyết liệt, biện pháp cứng rắn

Trước tình trạng lộn xộn, bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ GTVT đã rất quyết liệt đối với việc lập lại trật tự tại đây, tạo thuận lợi cho hành khách.

Chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có chuyến thị sát tình hình khách đi/đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và hoạt động đón, trả khách ở nhà giữ xe TCP. Sau khi khảo sát, Thứ trưởng yêu cầu nhà để xe TCP ngừng đưa xe công nghệ vào đón, khách từ tầng 3 đến tầng 5.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị như Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất xây dựng giải pháp đồng bộ để giải tỏa tình trạng ùn tắc, đảm bảo an toàn, trật tự, khách thuận lợi đón xe để rời sân bay; xử lý nghiêm tình trạng xe công nghệ, xe dù chèo kéo khách, làm giá, gây mất trật tự.

Ngày 9/8, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sở GTVT TP.HCM về tăng cường phối hợp tổ chức giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp tục chỉ đạo các giải pháp.

Ngày 12/8, Thứ trưởng tiếp tục có cuộc làm việc với đại diện ACV, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan về nội dung nêu trên.

Sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến đường xung quanh sân bay; điều chỉnh tuyến xe buýt kết nối ga quốc nội và bố trí điểm đón, trả khách tại làn A, làn B ga quốc nội, gần vị trí khách ra vào để dễ tiếp cận. Tiếp tục tổ chức tuyến xe buýt 109 và các tuyến buýt khác kết nối với sân bay.

Mới đây, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng ban hành quy định mới về tổ chức, quản lý hoạt động khai thác, vận tải hành khách bằng ô tô tại sân bay, áp dụng với taxi, xe hợp đồng và xe buýt.

Theo đó, khi nhân viên tại quầy, điều hành và lái xe vi phạm, Cảng sẽ lập biên bản gửi về doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp phải xử lý và có văn bản phản hồi về Cảng. Cá nhân vi phạm, đã bị tạm ngưng hoạt động lần 1, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xem xét, không cho tiếp tục hoạt động tại Cảng.

Các tài xế bị cấm thỏa thuận với hành khách để cung cấp các dịch vụ không thực hiện trên ứng dụng Grab; thu tiền dịch vụ dừng đỗ quá mức quy định; yêu cầu hành khách xuống xe giữa đường mà không có lý do hợp lý; không được bỏ xe, chào mời, chèo kéo, tranh giành khách... Với những trường hợp từ chối vận chuyển khách, đến lần thứ 3 sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Với các doanh nghiệp, sẽ xử lý vi phạm theo số lượng lỗi. Trong đó, vi phạm lần 1 sẽ phải tạm ngưng hoạt động 3 ngày, lần 2 tạm ngưng hoạt động trong 5 ngày và vi phạm lần 3 sẽ xem xét, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ký hợp đồng làm việc với Cảng mới được hoạt động khai thác vận tải hành khách tại Cảng.

Tuy nhiên đến nay, theo ghi nhận của PV, tình trạng trên chưa có dấu hiệu được cải thiện nhiều so với trước. Để tìm hiểu về giải pháp chấn chỉnh lộn xộn tại sân bay, PV đã liên hệ với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam, tuy nhiên đến nay đều chưa có phản hồi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại