Cạm bẫy chực chờ người nhập cư lậu vào Anh
Được hứa hẹn về một tương lai tươi sáng hơn với mức thu nhập cao nhờ nghề làm móng (nail) hoặc chăm sóc các vườn cần sa bất hợp pháp ở Anh, một số người nhập cư đã sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để nhờ các băng nhóm buôn lậu người đưa họ đến đất nước này.
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều lao động bao gồm trẻ em được đưa lậu vào Anh để làm việc như nô lệ tại các vườn cần sa và tiệm làm móng.
Điều gì có thể khiến những người trẻ chấp nhận rời quê hương và gia đình để thực hiện hành trình đầy nguy hiểm tìm kiếm sự đổi đời ở Anh?
Các chuyên gia nghiên cứu về vấn nạn buôn lậu người cho rằng có khả năng đó là triển vọng việc làm có thu nhập cao ở một tiệm làm móng (nail) tại một trong những khu phố sầm uất của nước Anh.
Theo trang việc làm Indeed, mức lương trung bình của một kỹ thuật viên làm móng ở Anh vào khoảng 8,83 bảng (260.000 đồng) /giờ.
Tuy nhiên, đó là mức lương của những người lao động hợp pháp. Phần lớn những người lao động làm việc bất hợp pháp tại Anh đều bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị cưỡng bức làm việc như nô lệ.
Một báo cáo do Tổ chức Chống buôn lậu trẻ em của Anh (ECPAT UK), tổ chức Chống nô lệ quốc tế và Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, tiết lộ chi phí để đưa người Việt Nam nhập cảnh lậu vào châu Âu dao động từ 10.000-40.000 đô la Mỹ.
Bị cưỡng bức lao động ở tiệm làm móng và vườn cần sa
Nước Anh đã thông qua Đạo luật Nô lệ hiện đại vào năm 2015 nhưng các tổ chức chống nô lệ vẫn thất vọng vì thiếu nguồn quỹ cần thiết để thực hiện một số biện pháp quan trọng của đạo luật.
Debbie Beadle, Giám đốc các chương trình ở tổ chức ECPAT UK, đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu về các nạn nhân của hoạt động buôn lậu người từ Việt Nam đến châu Âu được công bố hồi đầu năm nay, nói: “Không có các nguồn lực để thực hiện đạo luật này hiệu quả. Nhiều lực lượng cảnh sát và nhà chức trách địa phương vẫn không được huấn luyện hay trang bị các kỹ năng và công cụ cần thiết để xác định những nạn nhân của hoạt động buôn người”. Vì các nạn nhân thường không được xác định danh tính nên có rất ít vụ truy tố thành công theo đạo luật mới.
Vụ truy tố thành công đầu tiên diễn ra hồi tháng 1 năm ngoái khi có ba người gốc Việt bị kết về tội âm mưu đưa các thiếu nữ Việt Nam sang Anh để bóc lột sức lao động.
Năm 2016, cảnh sát phát hiện hai cô gái Việt Nam dưới 18 làm việc ở tiệm móng Nail Bar Deluxe ở TP. Bath, Anh do Thu Huong Nguyen làm chủ. Cả hai phải làm việc 60 tiếng mỗi tuần nhưng chỉ một cô gái được trả khoảng 30 bảng/tháng, còn cô gái kia không được trả lương. Cả hai ngủ trên một tấm nệm ở gác mái tại nhà của chủ tiệm nail. Họ được đưa lậu vào Anh trên một chiếc xe tải.
Thu Huong Nguyen (hay còn gọi là Jenny) và Viet Hoang Nguyen bị kết án lần lượt 5 và 4 năm tù vì tổ chức đưa người đến Anh đề bóc lột sức lao động. Bị cáo thứ ba, Giang Huong Tran, bị tuyên án 2 năm tù, cho hưởng án treo vì cưỡng bức lao động đối với người khác.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Guardian vào năm ngoái, Stephen, một trẻ mồ côi có gốc gác Việt Nam, đã mô tả hành trình bị đưa đến Anh để làm việc như nô lệ tại một vườn cần sa trong nhà khi anh mới chỉ 10 tuổi.
Stephen giấu tên thật vì sợ bọn buôn người nhận dạng. Stephen được đưa đến Anh trên một chiếc xe tải đông lạnh sau một hành trình đi bộ và xe tải dài từ Hà Nội, nơi anh sống trong cảnh vô gia cư.
Khi đến Anh, Stephen bị nhốt một mình trong các căn nhà phố liền kề được bí mật cải tạo thành vườn cần sa. Anh bị cưỡng bức làm công việc chăm sóc cần sa trong 4 năm trời bởi một băng nhóm người Việt đã đưa anh sang đây.
Stephen cho biết anh không thể nhìn thấy những gì bên ngoài cửa sổ vì chúng đã được che kín bằng lớp plastic dày nên không phân biệt được ngày đêm. Cứ vài ngày một lần, một nhóm người đàn ông Việt Nam sẽ đến kiểm tra vườn cần sa và mang thực phẩm đến cho anh.
Stephen nói: “Đôi khi tôi làm sai điều gì đó, khiến một số cây cần sa bị chết. Họ sẽ trở nên giận dữ và đánh đập tôi. Cuộc sống của tôi còn tồi tệ hơn so với lúc ở Việt Nam”.
Có một lần, một băng nhóm buôn lậu ma túy người Anh phá cánh cửa ra vào, trói anh lại và ăn cắp toàn bộ cần sa. Sau đó, băng nhóm người Việt đưa Stephen đi nơi khác để trồng lại. Tại đây, Stephen không bị nhốt nữa nhưng băng nhóm người Việt đe dọa sẽ truy tìm và giết Stephen nếu anh bỏ trốn. Stephen chưa bao giờ dám chạy trốn vì không biết phải đi đâu.
Lúc 16 tuổi, Stephen được giải thoát trong một vụ đột kích chống ma túy của cảnh sát, sau đó anh được ghi nhận là nạn nhân buôn người và được đưa đến một cơ sở bảo trợ xã hội.
Không dám tố cáo
Theo Guardian, trong nhiều năm qua, các tổ chức chống lao động nô lệ liên tục cảnh báo tình trạng trẻ em và thanh niên Việt Nam bị buôn lậu vào Anh đang gia tăng. Các tổ chức này cho hay các nam thiếu niên thường bị đưa đến làm việc ở những vườn cần sa được trồng bí mật, bị nhốt chặt và bị cưỡng bức làm việc cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, nhiều thiếu nữ và phụ nữ trẻ Việt Nam bị đưa đến làm việc như nô lệ ở các tiệm móng. Ngoài ra, họ cũng có thể bị cưỡng ép hành nghề mại dâm tại Anh.
Ý thức được đang cư trú và làm việc bất hợp pháp, sợ cảnh sát bắt giữ nên rất ít có khả năng họ trình báo các cáo buộc lạm dụng hoặc bóc lột sức lao động với nhà chức trách.
Thậm chí, một số người không nghĩ rằng họ là nạn nhân của đường dây buôn người vì họ tự nguyện chọn sang Anh để tìm kiếm việc làm và thường phải trả một khoản tiền lớn cho một băng nhóm buôn lậu người giúp tổ chức các chuyến đi đưa họ sang Anh trót lót và giúp họ tìm việc ở đây.
Guardian cho biết, hầu hết người nhập cư trái phép này đều hiểu rằng gia đình họ đang còn mắc nợ với bọn buôn lậu người số tiền lớn là khoản chi phí tổ chức chuyến đi đưa họ vào Anh. Chính vì gia đình còn kẹt trong nợ nần nên họ không dám kêu cứu. Thay vào đó, họ phải chấp nhận làm việc như nô lệ để trả giúp gia đình trả nợ.
Các số liệu mới nhất từ tổ chức từ thiện Salvation Army ở London, cho thấy số lượng nam giới Việt Nam được tổ chức này giới thiệu xin giúp đỡ là 209 người trong giai đoạn giai đoạn tháng 7-2018 đến tháng 7-2019, tăng 248% so với con số trong 5 năm trước đó.
Theo Guardian
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận