Cải thiện chi phí dự phòng và nợ xấu, VPBank dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận 2019
Theo thông tin được đại diện VPBank công bố tại cuộc gặp với các chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán cuối tháng 8 vừa qua, lợi nhuận của Ngân hàng đã tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ riêng trong tháng 7/2019, nâng tổng lợi nhuận 7 tháng đầu năm lên 5.300 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tổng thu nhập hoạt động 7 tháng tăng lên 20.000 tỷ đồng. Nếu tính riêng tháng 7, mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cũng cao hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018.
Quyền Giám đốc Tài chính VPBank, bà Lê Hoàng Khánh An cho biết, mọi hoạt động kinh doanh của VPBank đều đạt hiệu quả như mong đợi, tạo nền tảng vững chắc để Ngân hàng đạt, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận đã đề ra từ đầu năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% trong 7 tháng đầu năm, với sự tăng trưởng cao ở tỷ trọng cho vay ngắn hạn. Theo báo cáo của VPBank, tỷ trọng cho vay ngắn hạn của Ngân hàng đã tăng từ 33% cuối năm 2018 lên 35% nửa đầu năm 2019 nhờ sự đóng góp tích cực từ sản phẩm thẻ tín dụng.
“Từ kết quả này, VPBank có thể tăng tiết kiệm cho phí dự phòng năm 2019, giúp đà tăng trưởng trở nên vững chắc hơn”, bà An nhấn mạnh.
Báo cáo của VPBank cho thấy, chi phí dự phòng trong 7 tháng đầu năm 2019 tăng 18% so với cùng kỳ 2018 - là mức tăng thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng của năm 2018.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong cấu trúc cho vay cùng sự cải thiện trong năng lực thu hồi nợ đã đưa tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống dưới 3% tính tại thời điểm cuối tháng 7/2019.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng riêng lẻ thậm chí chỉ còn 2,34%. Dư nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) giảm từ 3.100 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống 1.200 tỷ đồng cuối tháng 7/2019.
Lãnh đạo VPBank thông tin, 2019 là năm quan trọng đối với Ngân hàng để cải thiện quản lý chi phí vận hành và dự phòng. Từ năm 2020, chi phí dự phòng sẽ ở mức hợp lý hơn, đồng thời Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm chi phí vận hành để tăng lợi nhuận.
“Làm ra 1 đồng doanh thu thì 1/3 là chi phí vận hành, 1/3 là chi phí dự phòng, còn lại là lợi nhuận. Nếu giảm được 2 loại chi phí này, lợi nhuận sẽ tăng. Ðây là mô hình lý tưởng của hệ thống”, lãnh đạo VPBank nói.
Không chỉ gia tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng mẹ, kết quả kinh doanh của FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng thuộc sở hữu của VPBank cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.
Tổng giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose cho biết, giá trị giải ngân của FE Credit đã đạt gần 20.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, chỉ trong quý II/2019, số lượng hợp đồng mới đạt gần 1,3 triệu hợp đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2018. Sản phẩm thẻ tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân 40% cả về số lượng và quy mô dư nợ.
Trong quý II/2019, lợi nhuận trước thuế của FE Credit tăng 110% so với cùng kỳ 2018, đạt 1.300 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế trên tổng thu nhập hoạt động đạt 30%, trong khi chỉ số chi phí trên thu nhập giảm từ 33% cuối quý I xuống 30% cuối quý II nhờ việc kiểm soát chi phí và đầu tư vào sáng kiến, đổi mới trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, nợ xấu của FE Credit cũng không ngừng được cải thiện, giảm từ 6,4% vào cuối quý II/2018 xuống 5,4% vào cuối quý II/2019.
Theo lãnh đạo FE Credit, sự tích cực trên đến từ chiến lược bán hàng hiệu quả, không ngừng đẩy mạnh đầu tư vào số hóa và tự động hóa các hệ thống, chuyển dịch từ mô hình bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ tự động và phân tích nâng cao FE 2.0, tiến dần đến FE 3.0 với hệ thống phân tích tự động chuyên sâu hơn và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng hơn, nhằm đảm bảo đảm bảo cung ứng cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
Với kết quả tích cực của cả FE Credit và ngân hàng riêng lẻ, VPBank đang có được một bàn đạp vững chắc để đạt, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận trong năm và cải thiện tăng trưởng ở những năm tiếp theo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận