menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Long

'Cái lý' của phụ phí nắng nóng?

Tôi đi làm bằng xe máy, nhưng vào mùa hè, cái nắng như đổ lửa xuống đường phố Sài Gòn khiến tôi trở nên lười nhác và mệt mỏi. Tôi đặt xe công nghệ.

Trong một lần như thế vài năm trước, tôi gặp chú Hùng và có ấn tượng về chú sâu sắc hơn những tài xế khác, vì được chú mời nước sâm ướp lạnh khi vừa lên xe.

Chú nói đây là "nước do nhà làm, vợ chú pha". Trên đường đi chú kể chuyện cuộc đời mình. Chú ngoài 60 tuổi, nhiều năm làm xe ôm ngay góc đường gần nhà, thu nhập bấp bênh. Khi các hãng xe công nghệ vào Việt Nam, chú vay tiền, mua xe rồi ký hợp đồng đối tác chạy xe công nghệ, thu nhập ổn định và khá hơn nhiều. Trên xe, chú kẹp sẵn một bình đá giữ lạnh mấy chai nước sâm vợ nấu để phục vụ khách.

Kết thúc chặng đường, lúc thanh toán, tôi biếu chú một phần như là tiền cho chai nước và chiếc khăn, chú không nhận, giải thích "khoản đó" chú mời. Tôi đành lưu số điện thoại của chú cho những lần sau.

Xe công nghệ đến Việt Nam, thay đổi cách tiếp cận dịch vụ của người dân, đồng thời giúp giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người. Một thị trường mới được hình thành và phát triển nhanh chóng.

Những ngày đầu, giá cuốc xe công nghệ rất thấp, cũng không tính thêm phụ phí giờ cao điểm, ngập nước hay tắc đường... nên chi phí hấp dẫn, thu hút nhiều người đang sử dụng xe ôm truyền thống, thậm chí xe cá nhân. Giới tài xế thời kỳ đầu cũng được hưởng mức chiết khấu rất thấp, giúp họ có thu nhập tốt hơn.

Nhưng "trăng mật" qua nhanh. Khi người sử dụng đã định hình thói quen của mình, thị trường mới được hình thành, các hãng xe công nghệ nhanh chóng tăng giá cước, tính thêm phụ phí, tăng mức chiết khấu của tài xế. Vì vậy, giá các cuốc xe tăng nhưng thu nhập của tài xế không thay đổi, thậm chí giảm so với trước.

Thời gian đầu thị trường có những thương hiệu nổi tiếng như Uber hay Grab. Đến 2018, khi Grab thâu tóm Uber thì người sử dụng không còn nhiều lựa chọn. Một số doanh nghiệp khác tham gia nhưng chi phí gia nhập ngành quá cao, lại không đủ tiềm lực tài chính nên dần rút lui. Grab tăng đáng kể về quy mô khi tiếp quản cả "phần bánh" mà Uber để lại.

Điều này gây lo ngại về việc Grab có thể lợi dụng vị trí chiếm lĩnh thị trường để tăng giá, tăng phụ thu cũng như các khoản chiết khấu với tài xế đối tác.

Ngoài các phụ thu về ngập nước, phụ thu giờ cao điểm, mới đây Grab thu thêm phụ phí nắng nóng. Ngày 6/7, Grab thông báo áp dụng phụ phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" với mức 5.000 đồng cho mỗi đơn hàng GrabBike, GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng cho mỗi đơn hàng GrabExpress.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của ABI Research cho biết thị phần của Grab đến 2021 lên tới 74,6%. Cách đánh giá của ABI có thể không tương đương với cách đánh giá tại điều 26 Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2018. Nhưng theo điều 24 Luật này, một doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên được coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường phải chịu sự giám sát riêng để đảm bảo không lợi dụng vị trí đặc biệt để trục lợi.

Trong số những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm tại Điều 27 có "Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý... có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng" và "Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng". Việc đơn phương quy định tăng thêm phụ thu nắng nóng một cách mập mờ có dấu hiệu vi phạm quy định này.

Tài xế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mưa nắng hay giờ cao điểm tắc đường, không chạy được nhiều cuốc xe, dẫn đến giảm thu nhập, có thể là lý do chính đáng để thu phụ phí. Nhưng nhà cung cấp nền tảng công nghệ không chịu ảnh hưởng do nắng mưa hay giờ cao điểm, thậm chí còn được lợi khi số lượng khách hàng tăng lên và quyền lực của nhà cung cấp tăng lên theo.

Tuy vậy, những phụ phí này tài xế phải chia sẻ với nhà cung cấp nền tảng công nghệ theo tỷ lệ phần trăm giá thành một cuốc xe. Như vậy nhà cung cấp dịch vụ đã chiếm đoạt một phần phụ thu đáng ra thuộc về người trực tiếp chịu ảnh hưởng, gây ra sự bất công nhất định giữa các bên liên quan. Nhà cung cấp công nghệ đã tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận nhưng làm cho tài xế và những người sử dụng dịch vụ bị thiệt hại. Nói khác đi, giá sản phẩm cao hơn nhiều chi phí biên như trong thị trường cạnh tranh, từ đây gây ra tổn thất cho phúc lợi xã hội.

Để kiểm soát và hạn chế tình trạng này, cần có các chính sách khuyến khích những nhà cung cấp dịch vụ tham gia thị trường, mời gọi doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư hay giám sát chặt chẽ các hành vi thu phí, phụ phí. Nhà chức trách cũng cần kịp thời ra các quyết định đảm bảo lợi ích các bên được cân bằng cũng như gia tăng phúc lợi toàn xã hội.

Trong một ngày nóng mới đây, tôi gọi cho chú Hùng đặt xe. Chú nói không còn chạy xe công nghệ nữa do thu nhập giảm đi trong khi hãng cũng không đóng bảo hiểm cho đối tác chạy xe như chú.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại