Cái kết buồn cho tên tuổi từng là ‘đối thủ ngang cơ’ với Hòa Phát
Từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam, thậm chí còn lớn hơn cả Tập đoàn Hoà Phát, tuy nhiên sau khi bước qua chu kỳ bùng nổ, lợi nhuận của Thép Pomina (mã: POM) đi xuống rõ rệt, thậm chí thua lỗ, dẫn tới cổ phiếu của doanh nghiệp buộc phải rời sàn.
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 279,6 triệu cổ phiếu POM từ ngày 10/5 và mã cổ phiếu này sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên sàn HoSE ngày 9/5.
Buộc phải rời sàn
Lý do hủy niêm yết bắt buộc do Thép Pomina vi phạm chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) năm trong 3 năm liên tiếp.
Trước đó, vào ngày 2/2, HoSE đã gửi công văn nhắc nhở đến Thép Pomina về việc nếu tổ chức niêm yết chậm nộp BCTC kiểm toán trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, kết thúc thời gian 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2023, Thép Pomina vẫn không công bố BCTC năm 2023 và xin gia hạn nộp tới ngày 15/5/2024.
Cổ phiếu POM bị hủy niêm yết bắt buộc.
Thành lập từ năm 1999, Thép Pomina là một trong 3 chuỗi nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi. Doanh nghiệp này từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với thị phần gần 30%, thậm chí còn cao hơn cả Tập đoàn Hoà Phát. Tuy nhiên, thị phần của Thép Pomina sau đó đã dần bị thu hẹp trước sự vươn lên mạnh mẽ của Hòa Phát.
Với tính chu kỳ cao của ngành thép, kết quả kinh doanh của Thép Pomina cũng trồi sụt thất thường. Trong quá khứ, Thép Pomina từng có giai đoạn kinh doanh rất khởi sắc khi ngành thép bước vào giai đoạn cực kỳ thuận lợi và các doanh nghiệp thép thi nhau báo lãi với lợi nhuận dao động từ 400-700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bước qua chu kỳ bùng nổ, lợi nhuận của doanh nghiệp lại đi xuống rõ rệt, thậm chí thua lỗ.
Năm 2022, Pomina lỗ kỷ lục hơn nghìn tỷ đồng với nguyên nhân giá thép lao dốc và nhu cầu tiêu thụ cực kỳ ảm đạm. Bên cạnh đó, chi phí vận hành lò cao ngất ngưởng cũng là một phần lý do dẫn đến thua lỗ. Vì thế, Thép Pomina phải đóng lò cao trong năm 2022. Nhà máy thép Pomina 3 ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay.
Sang năm 2023, Thép Pomina tiếp tục nối dài chuỗi khủng hoảng khi ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 961 tỷ đồng. Con số này vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua trước đó. Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina là 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu.
Xét về dòng tiền, bên cạnh kinh doanh thua lỗ năm thứ hai liên tiếp, trong năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Thép Pomina còn ghi nhận âm 331,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 15,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 8,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 127,1 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Thép Pomina giảm 5,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 627,3 tỷ đồng, về 10.404,3 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 1,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 93,83 tỷ đồng, lên 6.312,47 tỷ đồng và bằng 395,8% vốn chủ sở hữu (đầu năm ghi nhận 6.218,64 tỷ đồng, bằng 238,1% vốn chủ sở hữu).
Đáng chú ý, tính tới 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn là 7.963,6 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.099,3 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 4.864,3 tỷ đồng, hay có thể hiểu Công ty đang sử dụng 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm.
Cổ phiếu về vùng thấp nhất, cổ đông đua nhau thoái vốn
Thép Pomina chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE với mã POM vào tháng 4/2010. Thời điểm mới chào sàn, vốn điều lệ của doanh nghiệp thép này ở mức 1.630 tỷ đồng nhưng định giá lên đến hơn 6.500 tỷ.
Sau 14 năm niêm yết, vốn điều lệ của Thép Pomina đã tăng lên gần 2.800 tỷ nhưng vốn hóa thị trường hiện tại chỉ còn khoảng 1.100 tỷ đồng. Trước khi nhận "án" huỷ niêm yết, cổ phiếu POM đã rơi mạnh về vùng giá thấp nhất kể từ khi lên sàn. Với 5/7 phiên giảm sàn gần nhất, cổ phiếu này đang dừng ở mức giá không bằng một ly trà đá (3.750 đồng/cp).
Đáng chú ý, người nhà của lãnh đạo Thép Pomina đã liên tục bán ra cổ phiếu, ngay cả trong thời điểm thị giá ghi nhận sự hồi phục tích cực.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT Công ty đăng ký bán ra toàn bộ hơn 8,1 triệu cổ phiếu POM nhằm mục đích đầu tư, thời gian từ ngày 23/2 - 22/3/2024.
Trước đó, từ ngày 22/11 - 15/12/2023, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, lượng giao dịch thực là 3,38 triệu cổ phiếu, tương đương 96,7% tổng lượng đăng ký. Sau giao dịch, bà Nguyệt còn sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,43% vốn điều lệ.
Vừa kết thúc giao dịch trên, bà Nguyệt đã lại đăng ký bán ra nốt 1,2 triệu cổ phiếu POM còn lại. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 21/12/2023 đến hết ngày 4/1/2024.
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, nhiều người thân trong gia đình của Chủ tịch Đỗ Duy Thái cũng liên tiếp thoái vốn khỏi Thép Pomina.
Thực tế, làn sóng thoái vốn của nhóm người thân lãnh đạo Thép Pomina đã bắt đầu từ cuối năm 2023 và kéo dài đến nay, ngay từ thời điểm doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh “cài số lùi”.
Mục đích của các giao dịch thoái vốn này là để trả nợ cho nhà cung cấp, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Đỗ Tiến Sĩ tại cuộc họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 3/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận