Cái giá của tư duy nhỏ lẻ, thời vụ
Không chỉ hàng nghìn xe container chở hàng xuất sang Trung Quốc đang ùn ứ ở Lạng Sơn, mà trong hàng trăm kho lạnh ở nhiều tỉnh, thành ở Tiền Giang, Long An cũng đang ứ đọng, nguy cơ đổ hàng chục nghìn tấn hoa quả có thể hư hỏng nếu không xuất được. Nước ta đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do(FTA) nhưng chính quyền địa phương, doanh nghiệp vẫn chưa bỏ được tư duy sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, không tận dụng được các FTA để để xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn.
Đầu ra ách tắc sẽ khiến lượng lớn thanh long bị hư hỏng. Ảnh: N.H |
Tây Nguyên: trồng dưa chờ người mua
Trong căn lều được quây bạt xanh tạm bợ ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai), đôi mắt chị Tô Thị Hiệp (42 tuổi, Bình Định) thất thần nhìn ra ngoài đợi thương lái đến mua dưa hấu. “Tôi đầu tư trồng hơn 3ha dưa hấu tốn hơn 200 triệu đồng. Giờ chỉ mong thương lái đến mua, vậy mà cả mấy ngày nay chẳng thấy ai. Năm trước vào khoảng thời gian này thương lái tranh nhau mua gần hết”, chị Hiệp than thở.
Ba tháng trước, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tân (47 tuổi) từ An Nhơn (Bình Định) đến xã Ia Lâu thuê 3ha đất (10 triệu đồng/ha) để trồng dưa. Anh Tân ước tính tổng chi phí đầu tư vào ruộng dưa hơn 200 triệu đồng. Khi dưa đến ngày thu hoạch, vợ chồng anh Tân đợi mãi không thấy thương lái đến mua, dù giá mỗi kg giờ chỉ còn 3.000 đồng.
Anh Tân bên ruộng dưa đã chín rộ không có người mua. Ảnh: H.Thủy |
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh đang có gần 1.000ha dưa hấu, năng suất ước đạt khoảng 45 tấn/ha. Đa phần người trồng dưa hấu ở Gia Lai đều di cư từ tỉnh Bình Định lên thuê đất làm. Dưa chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và đang bị ùn ứ nhiều. Ông Có cho hay, sở đang phối hợp với các tổ chức hỗ trợ bà con tiêu thụ nội địa tại chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử…
Hơn 1 tháng nữa, xoài Ea Súp (Đắk Lắk) chính thức bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình cửa khẩu biên giới Trung Quốc bị đóng nên nhà vườn lo lắng đầu ra cho sản phẩm.
Đề nghị tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn
Trước tình trạng còn khoảng 2.300 ô tô chở hàng nông sản (tính đến ngày 5/1) đang ùn ứ trên địa bàn và năng lực thông quan hàng hóa ở biên giới hạn chế, trong khi phía Trung Quốc đã thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (tạm dừng 28 ngày trước và sau Tết), UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gửi các tỉnh, thành trong cả nước đề nghị, khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạm dừng đưa hàng hóa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. (Nguyễn Duy Chiến)
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết: Trung Quốc và Việt Nam đều muốn xuất hàng hóa đi đường chính ngạch nhưng thực tế hầu hết sản phẩm đang xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Phương án tiêu thụ xoài, thanh long, mít… trong thời gian tới vẫn chủ yếu trông chờ thị trường nội địa tại siêu thị, cửa hàng...
“Sở dĩ doanh nghiệp hai nước vẫn muốn xuất theo đường tiểu ngạch bởi hàng hóa của Việt Nam ta chưa tập trung về số lượng, chất lượng chưa đồng đều... Ngoài ra, Việt Nam mới có 9 mặt hàng trái cây (thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt) được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch”, ông Dương nói lý do nông sản của nước ta chủ yếu vẫn chỉ xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo Sở Công thương Đắk Lắk, về lâu dài, muốn đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc hay châu Âu, nông dân cần thay đổi lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Ngoài ra, rất cần các doanh nghiệp lớn nhập cuộc tập hợp hàng hóa đủ số lượng, kiểm soát chất lượng để xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Dân ở Long An, Tiền Giang thiệt hại hàng trăm tỷ
Do đầu ra bị ách tắc, dự kiến sẽ có hàng chục ngàn tấn thanh long trong kho của doanh nghiệp (DN) và người dân ở Long An và Tiền Giang bị mắc kẹt từ nay đến Tết Nguyên đán, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Dũng, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Long An) cho hay, trên địa bàn huyện hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 109 kho lạnh, với tổng lượng trữ lạnh 5.400 tấn. Các kho hiện đã chứa 2.000-3.000 tấn, còn khả năng chứa thêm 2.400 tấn. Thời gian trữ trong kho lạnh tối đa không quá 15 ngày. Như vậy, đến ngày 10/1, có 3.000 tấn sẽ hư hỏng nếu không xuất khẩu (XK) được.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, địa phương thu hoạch khoảng 2.000ha, tương đương 20.000 tấn, có thể chứa trong các kho còn lại trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, các DN có kho không thể thu mua do không xuất được. Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 14/1, thu hoạch 1.000ha, sản lượng 10.000 tấn, nhưng DN không thể mua vì Trung Quốc thông báo đóng cửa khẩu 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán.
Từ 14/1 đến 27/1, dân thu hoạch tiếp 10.000 tấn, các DN có kho cũng không thể thu mua, vì thời gian này chưa có thông tin từ thị trường Trung Quốc. “Như vậy, DN có thể bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng. Còn người dân, với 2.000ha (tương đương 20.000 tấn) sẽ bị thiệt hại hơn 400 tỷ đồng…”, ông Dũng nói
Trước đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi Trung Quốc có động thái tạm ngưng nhập khẩu, giá thanh long đã quay đầu giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, thanh long khi qua được Trung Quốc vẫn có giá cao, nhưng do nước này hạn chế ở cửa khẩu nên hàng đi chậm, cộng với hàng trong nước còn tồn ở kho lạnh nên giá giảm…
Anh Nguyễn Văn Mười (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, địa phương trồng thanh long nhiều nhất ở Tiền Giang) cho biết, năm nay giá phân thuốc lên cao quá, muốn hòa vốn thì ít nhất cũng phải bán được 7.000-8.000 đồng/kg…
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 1.100 cơ sở thu mua, chế biến rau, quả, trong đó có trên 50 cơ sở thu mua chủ yếu để xuất sang Trung Quốc. Hiện có trên 100 xe nông sản của tỉnh đang chờ thông quan tại các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận