Cái chết của mạng xã hội Parler và cú đánh của các công ty công nghệ lớn vào chủ nghĩa Trump
Nếu bạn muốn có bằng chứng về sức mạnh của Big Tech (Những công ty công nghệ khổng lồ) thì sự sụp đổ của mạng Parler vào rạng sáng thứ Hai là một ví dụ rất tốt. Dẫu vậy, điều chưa từng có tiền lệ này được các nhà phân tích cho là được dùng để chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều người Mỹ, cũng như những người khác trên thế giới đã đăng nhập vào mạng xã hội gây tranh cãi Parler (tiếng Pháp có nghĩa là: Nói) để xem chuyện gì sẽ xảy ra sau 11:59 theo múi giờ Thái Bình Dương ở Mỹ.
Đó là thời hạn mà Amazon đưa ra để ứng dụng này phải tìm kiếm một dịch vụ lưu trữ mới trước khi Amazon loại Parler ra khỏi mạng internet vì nền tảng này bị cáo buộc chứa nội dung bạo động.
Đây được xem là một thời điểm trọng đại trong những nỗ lực không ngừng của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhằm 'trục xuất' ông Donald Trump và một số người ủng hộ cực đoan của ông khỏi nền tảng của mình sau cuộc bạo động ở Đồi Capitol của Mỹ vào tuần trước.
Đồng hồ điểm 12 giờ và không có gì xảy ra. Hàng triệu người dùng khác vẫn có thể tìm kiếm và đăng bài như bình thường.
Nhưng sau đó, giống như phản ứng của chuỗi domino, người dùng trên khắp thế giới bắt đầu báo cáo có sự cố. Vào khoảng 12 giờ 10, mọi thứ ngừng hoạt động hẳn. Không tìm được nội dung, tin nhắn để đọc trên mạng xã hội này.
Chỉ cần một cái búng tay là sau đó, Parler, một ứng dụng đang tăng trưởng nhanh chóng và được một số người coi là ứng dụng tự do ngôn luận thay thế cho Twitter, đã không còn nữa, cho đến giờ.
Theo BBC, mạng xã hội Parler có thể và có khả năng sẽ tìm được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ mới nhưng mất Amazon Web Services (AWS) - nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web lớn nhất thế giới - đồng nghĩa là các nhà cung cấp lớn khác cũng sẽ có khả năng từ chối hoạt động kinh doanh của họ.
Không phải lần đầu
Nhà nghiên cứu đạo đức và công nghệ Stephanie Hare nói rằng đây không phải là lần đầu tiên một công ty công nghệ lớn của Mỹ gỡ một trang web vì những lý do tương tự.
"Hành động của Amazon nhằm vào Parler không phải là chưa có tiền lệ, vì chúng ta đã thấy các công ty khác của Mỹ như Cloudflare gỡ các dịch vụ phân phối nội dung và biện pháp chống DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán) vho trang web ủng hộ da trắng thượng đẳng The Daily Stormer năm 2017 và 8Chan vào năm 2019 sau khi các trang này đã được một tay súng sử dụng để đăng tải nội dung trước khi hắn ta tiếp tục thực hiện cuộc thảm sát người dân ở El Paso, Texas, "bà nói.
Không chỉ AWS đã có hành động nhằm vào Parler. Google và Apple cũng đã loại bỏ dịch vụ này khỏi các kho ứng dụng của họ.
Một lần nữa, điều này không phải là chưa từng nghe qua.
Gab, một trang web khác tự gọi mình là nền tảng tự do ngôn luận nhưng bị cáo buộc là nơi trú ẩn của những kẻ cực hữu và cực đoan, cũng bị cấm trên các kho ứng dụng. Trang web vẫn có thể được truy cập thông qua trình duyệt web và tuyên bố rằng nó có sự gia tăng đột biến số lượng người dùng trong những ngày gần đây.
Và như một phần của chiến dịch truy quét các tài khoản liên quan đến cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội, hôm thứ Hai, Twitter thông báo họ đã khóa "hơn 70.000 tài khoản" có liên quan đến thuyết âm mưu QAnon (thuyết âm mưu chống lại những kẻ ấu dâm thờ quỷ Satan của Tổng thống Donald Trump).
Trong khi đó, Facebook nói rằng họ đang xóa tất cả nội dung đề cập đến "Stop the Steal" - khẩu hiệu liên can đến những tuyên bố không có cơ sở của ông Trump rằng cuộc bầu cử tháng 11 đã bị gian lận.
Lệnh cấm 'đáng lo ngại'
Dù vậy, điều chưa từng có tiền lệ là cách tiếp cận này được dùng để chống lại Tổng thống Mỹ.
YouTube đã xóa một số video của ông Trump nhưng nói rằng kênh của ông vẫn đang hoạt động hiệu quả trong một cơ hội cuối cùng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, mô tả là động thái này 'đáng lo ngại'.
Ủy viên EU, Thierry Breton, đã mô tả các sự kiện ở Đồi Capitol là 'Vụ 11/9 của mạng xã hội', và viết trên Politico rằng "việc một CEO có thể cấm túc Tổng thống Mỹ mà không có sự kiểm chứng nào là điều gây bối rối."
Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock nói các mạng xã hội hiện đang "đưa ra các quyết định về nội dung", đồng thời nói thêm rằng các nền tảng đang "chọn ai nên và không nên được lên tiếng".
Trong một diễn biến khác, Alexei Navalny, chính trị gia Nga và cũng là người công khai chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin, ví lệnh cấm ông Trump của Twitter là sự kiểm duyệt của nhà nước.
Ông đã tweet: "Lệnh cấm tiệt Donald Trump trên Twitter là một hành động kiểm duyệt không thể chấp nhận được. Tất nhiên, Twitter là một công ty tư nhân, nhưng chúng ta đã thấy nhiều ví dụ ở Nga và Trung Quốc về việc các công ty tư nhân như thế này đã trở thành người bạn thân thiết và là trợ thủ cho nhà nước khi nói đến chuyện kiểm duyệt. "
Covid làm thay đổi mạng xã hội
Thực tế là, mạng xã hội là các công ty tư nhân. Cũng giống như một câu lạc bộ thành viên riêng tư có thể đưa ra các quy tắc chung cho các thành viên của mình, những người như Mark Zuckerberg của Facebook hay Jack Dorsey, người sáng lập Twitter cũng thế.
Cho đến nay, một trong những quy tắc chính được áp đặt là xét nội dung của các chính trị gia quan trọng với các đàm luận của công chúng.
Những nền tảng gồm Facebook và Twitter nói rằng, do đó, họ sẽ cho những người dùng tầm cỡ như Tổng thống Mỹ có sự linh động liên quan đến việc vi phạm chính sách người dùng.
Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát, mọi thứ đã thay đổi đáng kể và các công ty đã tăng hành động nhắm vào các nhà lãnh đạo thế giới.
Hồi tháng 3, Facebook và Twitter đã xóa các bài đăng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro vì thông tin sai lệch về Covid-19.
Mãi tận đến tháng 5, Twitter mới có hành động tương tự nhắm vào Tổng thống Mỹ khi những người điều phối đưa ra cảnh báo sau một dòng tweet mà họ nói rằng tán dương bạo lực.
Tổng thống đã tweet về các cuộc biểu tình Black Lives Matter nói rằng: "Khi cướp bóc bắt đầu, việc nổ súng cũng sẽ bắt đầu".
Nhà bình luận mạng xã hội Matt Navarra nói rằng lệnh cấm nhằm vào ông Trump đặt ra "tiền lệ then chốt" trong cách các nền tảng kiểm soát ai có thể sử dụng chúng và những gì người dùng có thể đăng.
Ông Trump 'thề sẽ trả đũa'
Một số nhà phân tích cho rằng hành động này có thể là một bước ngoặt cho việc kiểm duyệt công nghệ trên toàn thế giới.
Hôm thứ Hai, Facebook thông báo đã xóa một mạng lưới các tài khoản mà họ cho là có liên kết trực tiếp với chính phủ Uganda và được sử dụng để thao túng cuộc bầu cử sắp tới.
Luật sư bảo mật kiêm nhà kỹ thuật Whitney Merrill gợi ý rằng động thái này cho thấy sự thay đổi trong quan điểm kiểm duyệt từ những gã khổng lồ công nghệ.
"Các quy tắc và hướng dẫn của mạng xã hội đang biến hóa theo thời gian là điều bình thường. Nhưng chúng đang không được áp dụng một cách nhất quán trên toàn thế giới. Tôi nghĩ việc tổng thống bị xóa sổ có thể là khởi đầu cho một cuộc thanh trừng các hành vi tương tự trên toàn cầu."
Trong những giờ phút cuối cùng trên Twitter, ông Trump một lần nữa đổ lỗi cho một phần tiến trình lập pháp Mỹ, gọi khoản 230 là "cấm cản" tự do ngôn luận. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã dọa hủy bỏ luật này vốn cho các mạng xã hội miễn các trách nhiệm pháp lý đối với các bài viết của người dùng.
Nhiều người cho rằng việc loại bỏ sự bảo vệ này sẽ thực sự gây hại cho quyền tự do ngôn luận vì các mạng lưới sẽ bị buộc phải kiểm duyệt nhiều hơn so với hiện tại.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố rằng ông muốn hủy bỏ đạo luật để gia tăng kiểm duyệt và giảm sự lan truyền của tin tức giả.
Trong cùng dòng tweet cuối cùng, ông Trump nói rằng ông đang đàm phán với "nhiều trang web khác" và sẽ sớm có "một thông báo quan trọng".
Nếu những sự kiện trong những ngày gần đây cho thấy những gì, thì ông Trump và nhiều ủng hộ viên của ông ta đã phải đối mặt với một cuộc chiến cam go không chỉ với các nhà lập pháp mà còn với các công ty công nghệ lớn trước khi có thể có chỗ đứng trên mạng xã hội dòng chính thống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận