24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Giáng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cải cách hệ thống công vụ của Indonesia: Hàng trăm nghìn công chức bị ảnh hưởng

Chỉ thị nhằm thực hiện một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Jokowi trong nhiệm kỳ thứ hai, đó là cắt giảm và chuyển cơ cấu hành chính theo ngạch bậc sang cơ cấu vị trí việc làm.

Báo The Jakarta Post cho biết, Chính phủ Indonesia bắt đầu đánh giá các vị trí việc làm cấp trung và cấp thấp tại các cơ quan nhà nước nhằm hợp lý hóa bộ máy hành chính, động thái có thể khiến hàng trăm nghìn công chức bị cắt giảm một phần thu nhập.

Ngày 18/11, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Tjahjo Kumolo đã ban hành một chỉ thị trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức nhà nước đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm đơn giản hóa vai trò của công chức các cấp thuộc ba bậc III, IV và V.

Đợt tái cơ cấu bộ máy hành chính này sẽ loại bỏ một số vị trí ở 3 bậc trên và chuyển khoảng 430.000 công chức vào các vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công. Theo dữ liệu thống kê của BKN, tính tới tháng 6/2019, số lượng công chức từ bậc I đến bậc V của Indonesia lên tới 460.067 người, trong đó 71% thuộc bậc IV.

Chỉ thị trên nhằm thực hiện một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Joko Widodo (tên thường gọi là Jokowi) trong nhiệm kỳ thứ hai, đó là cắt giảm và chuyển cơ cấu hành chính theo ngạch bậc sang cơ cấu vị trí việc làm từ cuối tháng Sáu tới.

Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Joko Widodo (tên thường gọi là Jokowi) hôm 19/11 tại Phủ tổng thống, Bộ trưởng Tjahjo nhấn mạnh: “Chúng ta đã triển khai một số đợt cải cách hành chính song chỉ hời hợt. Điều mà Tổng thống mong muốn là cải cách ở chính trung tâm bộ máy hành chính”.

Tổng thống Jokowi thường xuyên đề cập, kể cả trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/10, rằng cấu trúc rất phân cấp của nền hành chính công vụ và các trình tự thủ tục kéo dài đang gây chậm trễ cho bộ máy hành chính quốc gia, từ đó cản trở đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Jokowi cho biết 5 ngạch bậc trong cấu trúc hành chính công hiện nay là “quá nhiều” và nên được cắt giảm xuống còn hai khi một số ngạch bậc được thay thế bởi các vị trí việc làm dựa trên kỹ năng và năng lực. Ông Jokowi cũng nhấn mạnh các chính sách hướng tới kết quả công việc thay vì chỉ tập trung vào các quy trình.

Ngay sau khi nhận được chỉ thị, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir đã loại bỏ ngay vị trí 6 thứ trưởng và một vị trí thư ký bộ trưởng khỏi ngạch bậc I. Một số người trong số đó sẽ được điều chuyển sang nắm giữ các công ty nhà nước.

Phần việc của 7 người này sẽ được chuyển giao cho 2 thứ trưởng vừa được Tổng thống bổ nhiệm vào tháng trước, đó là cựu Chủ tịch của Ngân hàng Mandiri Kartiko Wirjoatmodjo và cựu Chủ tịch Công ty khai mở quốc doanh Mining Industry Indonesia, Budi Gunadi Sadikin.

Trong khi chính sách cải cách hành chính của Tổng thống Jokowi được các doanh nhân và giới học giả ca ngợi, một số người lại lên tiếng lo ngại rằng các biện pháp quyết liệt này sẽ khiến nhiều người mất chức mặc dù vẫn giữ tư cách là công chức và khiến họ mất thu nhập.

Nhiều công chức cho rằng các khoản phụ cấp là đáng kể so với mức thu nhập hàng tháng của họ do lương cơ bản của Chính phủ hiện rất thấp.

Trong phiên điều trần hôm 18/11 của Ủy ban II thuộc Hạ viện (phụ trách nội vụ) đối với Bộ trưởng Tjahjo, Cơ quan dịch vụ công nhà nước (BKN) và Ủy ban hành chính công quốc gia (KASN), một số nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại và yêu cầu Chính phủ thận trọng trong việc thực thi chính sách.

Hai hạ nghị sĩ Hugua và Komarudin Watubun thuộc Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) cầm quyền cho rằng việc cắt giảm cấu trúc đã khiến các công chức tại các khu vực bầu cử của họ ở tỉnh Đông Nam Sulawesi và tỉnh Papua lo lắng. Các công chức lo sợ sẽ mất chức vụ và bị giảm thu nhập. “Điều này phải được giải thích ngay lập tức bởi nó có thể gây hỗn loạn”, hạ nghị sĩ Hugua nói.

Viện dẫn vai trò quan trọng của công chức trong các cuộc bỏ phiếu, chính trị gia thuộc đảng PDI-P cũng cảnh báo rằng chính sách này có thể gây phản tác dụng cho đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2024 sắp tới nếu các công chức thất vọng với Chính phủ.

"Ngài Tjahjo, xin hãy thông minh và cẩn trọng trong việc thực hiện chính sách này nếu không muốn là mục tiêu trả thù của các công chức", ông Hugua nhấn mạnh với Bộ trưởng Tjahjo, cũng là chính trị gia thuộc đảng PDI-P.

Về phần mình, Chủ tịch Liên đoàn viên chức Indonesia (Korpri) Zudan Arif Fakhrullah cũng lên tiếng kêu gọi các bộ, ngành cẩn trọng trong việc lập kế hoạch chuyển đổi vị trí việc làm và giảm thiểu rủi ro.

Ông Zudan đề nghị rằng cải cách hành chính công nên đi kèm với cải cách hệ thống tiền lương và phụ cấp để đảm bảo rằng những người làm công ăn lượng sẽ không phải chịu thiệt hại dù bị thay đổi vị trí công việc. "Nếu thu nhập của họ bị ảnh hưởng, chính sách có thể phản tác dụng với kế hoạch của Tổng thống", ông nói.

Đáp lại, Bộ trưởng Tjahjo cam kết rằng tiền lương chính của công chức sẽ không bị ảnh hưởng, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành và nộp kế hoạch chuyển đổi vị trí việc làm vào cuối tháng Mười Hai tới.

Trong khi đó, chuyên gia hành chính công thuộc Đại học Indonesia Eko Prasojo cho rằng cấu trúc ngạch bậc thực sự là nguyên nhân chính gây trì trệ nền hành chính công, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ lạm quyền. "Càng nhiều ngạch bậc, khả năng lạm quyền càng cao.

Văn hóa hành chính của Indonesia vẫn nẩy sinh tình trạng tham nhũng và các công chức thuộc mọi ngạch bậc đều có khả năng lạm dụng quyền lực”, ông Eko nói.

Theo ông Eko, để giảm thiểu rủi ro từ việc chuyển đổi vị trí việc làm, các bộ, ban, ngành cần phải chuẩn bị lộ trình thực hiện rõ ràng và công bố các ưu đãi dành cho những người bị chuyển đổi. Ngoài ra, cần xây dựng danh sách vị trí việc làm quốc gia để các công chức có thể chuyển tới công tác tại các bộ, ban, ngành và địa phương khác./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả