Cải cách giá điện cần đảm bảo một cơ chế cân bằng về lợi ích
Tại buổi tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", các chuyên gia đã chỉ ra những yếu tố dẫn tới chi phí phát điện tăng cao. Thực tế với phương thức xây dựng giá bán điện hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng việc sẽ khiến ngành điện liên tiếp bị thua lỗ, gây hệ lụy lớn trong thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh năng lượng.
GIÁ THÀNH CAO HƠN GIÁ BÁN TẠO NÊN SỰ BẤT ĐỒNG LỢI ÍCH
Mới đây, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy hoạt động kinh doanh của đơn vị không mấy khả quan khi lỗ gần 22.000 tỷ đồng trong năm 2023. Điều đáng nói, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là trên 253tỷ kWh, tăng 4,2% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 cũng tăng hơn 8% so với năm 2022.
Về chi phí sản xuất, kết quả nêu rõ, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088 đồng/kWh, tăng 2,8% so với năm 2022. Trong khi giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. “Kết quả kinh doanh cho thấy, giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,9%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện”, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa
Các chuyên gia cũng nhận định, sự chênh lệnh về giá thành sản xuất và giá bán đã gây ra nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế. Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra một số bất cập khi giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất và phân phối.
Cụ thể, đối với điện, bên cạnh giá cả thì vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng. Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Từ đó nhìn thấy rất rõ sự bất công giữa đối tượng sản xuất và đối tượng sử dụng điện. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình chung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác. Cùng với đó, trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.
GIẢM SỨC HÚT VỚI NHÀ ĐẦU TƯ
Ngành điện đang đối mặt với một thách thức lớn khi tình trạng thua lỗ liên tục diễn ra. Điều này đã tác động tiêu cực đến sức hấp dẫn của ngành trong mắt các nhà đầu tư. Việc lợi nhuận không ổn định, thậm chí giảm sút, khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng thu hồi vốn và sinh lời. Hơn nữa, thua lỗ kéo dài còn phản ánh những vấn đề sâu xa trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tương lai của ngành.
Lấy dẫn chứng về việc doanh nghiệp ngành điện lực thực hiện các thương vụ với đối tác nước ngoài, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho hay: “PVN và EVN, là hai tập đoàn lớn của Nhà nước, nhưng việc đàm phán hợp đồng mua bán điện là cực kỳ khó khăn và khó khăn không liên quan đến thủ tục hay quy trình mà chủ yếu liên quan đến giá bao nhiêu, sản lượng mua cam kết là bao nhiêu, quy trình chuyển chi phí từ việc mua khí đưa vào cam kết sản xuất điện là gì”.
Cũng chính những điều này đã trở thành điểm nghẽn với doanh nghiệp trong nước. Đối với các nhà đầu tư nhân thì họ còn gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ gặp vấn đề lớn nếu không giải quyết được bài toán là giá với các doanh nghiệp nội địa. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn khi mà các doanh nghiệp điện trong nước thua lỗ liên tục. “Với mức giá điện hiện nay thì không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Duy trì giá điện như này thì gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn”, TS Hà Đăng Sơn nhận định.
TS Hà Đăng Sơn
Đưa ra quan điểm tương tự, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định ngành điện lực sẽ khó có thể thu hút đầu tư, phát triển một cách bền vững do các khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác. Sự kém sức hút về đầu tư sẽ kéo theo hệ quả khiến các doanh nghiệp trong ngành không có động lực nào để sử dụng năng lượng tiết kiệm, thay đổi công nghệ.
CHUYÊN GIA HIẾN KẾ
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đây là kim chỉ nam để toàn ngành định hướng cơ chế xây dựng giá bán điện phù hợp. Giá điện được điều chỉnh theo kỳ điều hành với những mục tiêu cụ thể đảm bảo quyền lợi của các đối tượng. Tuy nhiên về phương án dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực. “Lần này trong Luật Điện lực (sửa đổi), nguyên tắc điều hành giá như thế nào, căn cứ điều hành giá như thế nào, quy trình điều hành giá ra sao... phải rất mạch lạc, như vậy, với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện”, TS Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của EVN trong việc bảo đảm được nguồn điện khi có những yếu tố biến động hay những yếu tố không kiểm soát được để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất và an sinh xã hội. Còn những yếu tố khác liên quan đến kinh doanh phải để thị trường quyết định, để cho các doanh nghiệp tư nhân có những cơ hội đàm phán, điều chỉnh giá.
Tương tự việc điều chỉnh và bình ổn giá xăng dầu đã đạt được kết quả khả quan, giá điện cũng như vậy, nhưng xu hướng chung của giá điện sẽ tăng lên. Với những chi phí ngày càng tăng như tỷ giá thay đổi, chi phí sản xuất, sắt thép xi măng, nhân công... tăng lên thì không thể nào có giá điện rẻ đi được. Doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.
"Việc tính giá điện cần đảm bảo thực hiện theo lộ trình, tính đúng, tính đủ giá điện bảo đảm cho giá điện vừa hợp lý vừa bù đắp được chi phí để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành điện", Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận