Cách Trung Quốc vận dụng sức mạnh mềm trên đất Anh
Sức mạnh mềm của Trung Quốc đang len lỏi vào từng ngóc ngách của nước Anh, giống như sông Thames chảy hàng thế kỷ qua Tháp London huyền thoại.
Ở rìa khu tài chính của thành phố London là địa điểm ban đầu của Xưởng đúc tiền Hoàng gia, có nguồn gốc từ năm 882 sau Công nguyên, khi Alfred Đại đế tái chiếm thành London từ người Viking và bắt đầu đúc những đồng xu bạc mang chân dung của ông.
Trung Quốc đã chọn địa điểm lịch sử này để xây dựng trụ sở Đại sứ quán mới tại Vương quốc Anh. Khu phức hợp này có diện tích khoảng 65.000m2, sẽ trở thành một trong những Đại sứ quán lớn nhất thế giới với chi phí xây dựng ước chừng hơn 500 triệu bảng Anh.
Giới quan sát nhìn nhận rằng, bất chấp tình trạng tồi tệ của quan hệ Anh-Trung Quốc thời gian vừa qua, dự án xây dựng Đại sứ quán là "sự đánh cược lớn" vào tương lai, đồng thời là nền tảng cho việc triển khai sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Anh và rộng hơn là ở châu Âu.
Hồi tháng 5/2018, tại buổi lễ bàn giao tại khu phức hợp Royal Mint gần sông Thames, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Khánh khi đó đã nói về "kỷ nguyên mới với vai trò và ảnh hưởng hiện tại của Trung Quốc trên thế giới".
Ông tuyên bố, kỷ nguyên mới đó cũng là một "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ Anh-Trung Quốc.
Đáng chú ý, tác giả thiết kế trụ sở mới của Đại sứ quán Trung Quốc là kiến trúc sư bậc thầy người Anh David Chipperfield. Đây có thể được coi là biểu tượng tương trưng cho thấy, sức mạnh mềm của Trung Quốc giống như dòng nước đang chảy trên một chặng đường dài. Giống như con sông Thames đã chảy hàng thế kỷ qua địa điểm Tháp London huyền thoại...
Nhưng trong 3 năm qua, quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và London lại trở nên xấu đi do một số vấn đề nội bộ của Trung Quốc và lệnh cấm của Anh đối với Huawei - nhà cung cấp công nghệ 5G của Trung Quốc.
Mới đây, quan hệ giữa hai đối tác này được coi là "giọt nước tràn ly" khi chính quyền Bắc Kinh cấm cửa BBC World TV News hoạt động ở Trung Quốc. Động thái trên nhằm trả đũa cho việc các cơ quan quản lý Anh thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN).
Việc thu hồi giấy phép của CGTN là để đối phó với sự gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc trên đất Anh.
Không chỉ vậy, xứ sở sương mù cũng quan ngại việc quốc gia châu Á này tài trợ cho lĩnh vực nghiên cứu ở trường đại học, không chỉ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế mà còn cả công nghệ, vốn được cho là phục vụ các mục đích dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Báo cáo gần đây của tổ chức Civitas của Anh cho thấy, ít nhất 15 trường đại học nước này có quan hệ nghiên cứu hợp tác với các nhà sản xuất và trường đại học liên quan đến quân sự của Trung Quốc.
Mặc dù báo cáo trên gây ra nhiều tranh cãi về sự chính xác và tính chân thực, nhưng cũng đủ khiến dư luận Anh hoang mang và nghi ngại về khả năng London vô tình hay cố ý tiếp tay cho quân đội Trung Quốc.
Sự hoang mang này cũng là mối lo ngại của nhiều người Anh, như Radomir Tylecote và Robert Clark - hai tác giả của báo cáo bên Civitas cho hay, cần phải nhìn nhận bối cảnh hiện tại là Trung Quốc đã nêu mục tiêu phát triển ngang bằng với quân đội Mỹ vào năm 2027 và tham vọng vượt qua Mỹ vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Trung Quốc.
Charles Moore, cựu biên tập viên của tờ Daily Telegraph và có uy tín trong đảng Bảo thủ, từ lâu cảnh báo mối lo quyền lực mềm của Trung Quốc trong các trường đại học, đặc biệt là tại Cambridge và Oxford, hai trường đại học danh tiếng nhất quốc gia.
Ông Moore đã viết trên tờ The Spectator: "Đây không phải hành động là cấm hai nước trao đổi kiến thức và hợp tác giáo dục. Nhưng không thể ngây thơ hoàn toàn tin tưởng vào đối tác. Các trường đại học cần hiểu rằng, Trung Quốc theo dõi sinh viên của mình ở nước ngoài, đặc biệt ở các trung tâm nghiên cứu, đánh cắp bí mật, làm gián điệp chuyên nghiệp, vì lợi ích của nước này".
Ông cũng chỉ trích các trường đại học nhận nguồn đầu tư hoặc bán thiết bị nghiên cứu cho doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này. Mặc dù Trung Quốc thực sự có âm mưu đúng như các cáo buộc hay không, việc Anh cũng như các nước phương Tây ngăn chặn ảnh hưởng từ Trung Quốc là điều không dễ dàng.
Châu Âu cũng bị phụ thuộc vào các sinh viên Trung Quốc. Chẳng hạn, số lượng sinh viên Trung Quốc đang tăng nhanh ở Anh – tăng hơn 34% lên hơn 120.000 người trong 5 năm qua.
Đổi lại, sinh viên Trung Quốc mang đến thu nhập quan trọng cho các trường đại học, đặc biệt là những trường nhỏ, eo hẹp về tài chính, giúp các trường có thể mở rộng chất lượng, ảnh hưởng và uy tín ở cả trong lẫn ngoài nước. Đây cũng một dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau và sâu rộng giữa Anh và Trung Quốc.
(theo Nikkei Asia)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận