24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cách tiêu tiền

Sau một thời gian sở hữu thẻ ngân hàng, Te, 12 tuổi, nói với mẹ: “Con cảm thấy đã trở thành người lớn”.

Tôi thầm thừa nhận, câu nói hồn nhiên của Te có phần đúng khi nhìn thấy cách con quẹt thẻ, tự thanh toán tiền tại siêu thị hoặc hiệu sách.

Biết tự quản lý tài chính cá nhân là một dấu hiệu của sự trưởng thành ngay cả khi trẻ vẫn ở tuổi vị thành niên. Vì vậy tôi cho rằng, hướng dẫn trẻ sử dụng tiền đúng cách càng sớm sẽ càng tốt cho trẻ.

Khi Te chỉ mới sáu tuổi, bắt đầu vào học cấp một, ba Te đã giúp con làm năm cái hũ bao gồm: Tiền mua đồ chơi, Tiền đi du lịch, Tiền cho trẻ em mồ côi, Tiền mua sách, Tiền cho tương lai. Mỗi sáng được phát năm nghìn đồng tiền xu, Te sẽ tự lựa chọn cho số xu vào các lọ. Sau mỗi ba tháng sẽ tổng kết số tiền có được trong mỗi lọ để chi tiêu.

Thời gian đầu, cả nhà tôi thường ôm nhau cười vì lọ mua đồ chơi luôn nhiều hơn các lọ khác.

Tôi thấy cách này khá hay với trẻ vì con được cầm những đồng tiền xu có giá trị nhỏ nhất và hiểu được giá trị quy đổi vật chất của mỗi đồng tiền. Cảm xúc đụng chạm vật lý với đồng tiền mang đến giá trị không nhỏ trong lòng của trẻ.

Nhờ năm cái hũ, Te tự biết tiết kiệm tiền bạc và luôn suy nghĩ trong việc chi tiêu. Tính toán khi chi tiêu không có nghĩa là Te ki bo hay ích kỷ. Te luôn cân nhắc trong việc mua đồ chơi cho bản thân nhưng lại rất rộng rãi với mẹ. Bây giờ, khi có tài khoản cá nhân, Te luôn nhắc, nếu mẹ cần tiền, cứ dùng tài khoản thanh toán của con.

Việc lập một tài khoản cá nhân cho con trẻ và có kế hoạch giám sát việc chi tiêu đúng mục đích, theo tôi, có thể bắt đầu khi trẻ bắt đầu vào cấp hai, lớp sáu hoặc lớp bảy.

Tôi phải thầm cảm ơn bà ngoại của Te, ở tuổi 12, tôi cũng từng được sở hữu sổ tiết kiệm riêng, dù đứng dưới tên của mẹ. Thói quen sở hữu trương mục tiết kiệm theo tôi đến tận hôm nay và tôi lại truyền nó cho con.

Cách quản lý tài chính cá nhân của tôi và con như sau:

Trương mục tài khoản bao gồm: Tài khoản ngân hàng (thu chi), Tài khoản tiết kiệm dài hạn, Tài khoản tiết kiệm ngắn hạn.

Nguồn thu của mẹ đến từ lương và công việc bán thời gian. Nguồn thu của con đến từ lương được trả theo công việc khoán (ví dụ: dọn chén, xếp quần áo...) và các khoản thưởng, phụ cấp khi làm thêm việc (theo bản thỏa thuận công việc chi tiết).

Tiền tệ trong gia đình được lưu chuyển theo cách: tiền lương của mẹ sẽ được nhận vào mỗi cuối tháng (từ ngày 20 đến 26). Tôi sử dụng chế độ thanh toán tự động để chuyển các khoản chi cố định (tiền nhà, điện nước) và các khoản tiết kiệm dài hạn, ngắn hạn vào các tài khoản của con vào ngày 25 mỗi tháng.

Con sẽ được nhận lương vào ngày 25 hàng tháng, bao gồm lương cố định và các khoản phụ cấp (dựa theo bản chấm công chi tiết).

Tài khoản ngân hàng của con được quản lý bởi mẹ, do đó, mỗi khoản thu chi của con đều được mẹ theo dõi. Vì đánh giá cao tính tự ý thức và tự quản của con nên tôi ít khi can thiệp vào cách chi tiền của Te. Nhưng khi theo dõi, tôi thấy cách chi tiền của con khá bài bản, con rất biết tiếc tiền nhưng lại luôn sòng phẳng và hào phóng với bạn bè, sẵn sàng mời bạn ăn pizza hoặc đi xem phim. Tôi vui vì điều đó.

Với những khoản chi lớn, ví dụ như việc gia đình tôi đầu tư mua bộ máy tính vào tháng trước, Te tự nguyện góp một phần tiền vào để có trách nhiệm bảo quản thiết bị. Số tiền ấy không nhỏ, là một nửa tài khoản thu chi của Te nhưng con rất hoan hỉ chấp nhận. Con cũng tự quy đổi bao nhiêu giờ làm việc nhà hoặc đọc sách thì mới có được một phần cái máy tính ấy. Do đó, không cần mẹ nhắc nhở, gào thét, con tự biết sử dụng và bảo quản chừng mực.

Nỗi ám ảnh về khả năng hư hỏng vì tiền khiến các bậc cha mẹ ngần ngại, thậm chí ngăn cấm con tiếp xúc với tiền bạc. Nhưng kiếm tiền - quản lý tài chính - chi tiêu là những việc mà càng thực hiện tốt, con người càng có cơ hội có nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Vì vậy, từ khi trẻ biết đếm, cha mẹ đã có thể dạy con về tiền, cách tiền bạc "làm việc", khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng tài chính, ý nghĩa của việc tiết kiệm và chia sẻ đúng lúc...

Trong "môn học" này, theo tôi, nguyên tắc quan trọng nhất là không cho trẻ tiền một cách dễ dãi. Người lớn chỉ nên tạo ra các cơ hội lao động phù hợp với độ tuổi của trẻ, để con hiểu được giá trị của đồng tiền. Nguyên tắc này sẽ là gốc rễ hình thành nên cách ứng xử đúng đắn về tiền bạc.

Cho trẻ làm quen với tiền, biết cách sử dụng và quản lý tiền càng sớm, trẻ càng có năng lực tự quản và ý thức tự giác càng cao. Tôi nhớ mãi câu nói của Te với bạn cùng lớp, khi bạn đến chơi nhà cùng hai túi snack to. Te bảo: "Nếu bạn cứ ăn vặt nhiều như vậy, bạn sẽ chẳng giàu đâu". Đây là điều cậu rút ra sau thời gian dài hạn chế ăn kẹo và đồ vặt để dành tiền cho những cái hũ tiết kiệm nhằm phục vụ một mục đích cụ thể nào đó.

Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ về tiền. Hiểu rõ ý nghĩa đồng tiền, trẻ sẽ lớn lên thành người làm chủ đồng tiền thay vì tha hóa trước nó trong những hoàn cảnh khó khăn hay cám dỗ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả