menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Cách ông Biden "mặc cả" với Triều Tiên

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là lời nhắc nhở ông Biden rằng không có vấn đề đối ngoại nào hóc búa hơn việc đối phó Chính quyền Kim Jong-un.

Những người tiền nhiệm của ông Biden đã thử mọi cách dưới ngưỡng chiến tranh để tiếp cận Triều Tiên. Qua các đời tổng thống, Mỹ dần thắt chặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm thông qua nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.

Sau khi gia tăng mối đe dọa hành động quân sự bằng luận điệu “lửa và cơn thịnh nộ”, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thuyết phục Chủ tịch Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân tại 3 hội nghị cấp cao vào các năm 2018 và 2019 nhưng đã thất bại.

Bất chấp nỗ lực của Mỹ, Triều Tiên tiếp tục đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí hạt nhân. Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng hầu hết cho rằng Bình Nhưỡng sản xuất đủ nguyên liệu phân hạch để chế tạo 12 vũ khí mới mỗi năm và hiện nắm giữ tổng lượng nguyên liệu đủ cho ít nhất 60 quả bom hạt nhân.

Ngoài các tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên còn sở hữu các tên lửa có tầm bắn vươn tới toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Bình Nhưỡng có lẽ vẫn chưa thể hoàn thiện công nghệ tên lửa tầm xa, nhưng người Mỹ không thể tiếp tục cho rằng họ an toàn trước các cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cũng đang nghiên cứu các tên lửa có tốc độ phóng nhanh hơn, ẩn mình tốt hơn và nhiều khả năng vượt qua được hàng rào ngăn chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Gần đây, việc Triều Tiên được cho là không phản hồi trước nỗ lực đối thoại “kênh 2” chính là lời nhắc nhở chính quyền ông Biden rằng sự can dự có thành công hay không còn phụ thuộc vào Bình Nhưỡng.

Việc theo đuổi chiến lược ngăn chặn, tức là không hành động mà để cho các biện pháp trừng phạt phát huy tác dụng, có thể an toàn hơn so với chiến tranh hoặc ngoại giao, mà vẫn cho phép Bình Nhưỡng phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Cho đi và nhận lại

Mỹ có thể lựa chọn trong số nhiều phương thức hạn chế nhằm vào Triều Tiên như một phần trong cách tiếp cận kiểm soát vũ khí, từ việc đóng cửa Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon đến việc buộc Triều Tiên ngừng sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Washington cũng có thể theo đuổi các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh không chủ ý, dù là đơn phương, như đối thoại chiến lược với Triều Tiên.

Trước hết, các nỗ lực của Washington nên tập trung vào việc hạn chế những năng lực của Triều Tiên có thể trực tiếp đe dọa đến an ninh của Mỹ mà Bình Nhưỡng có thể cân nhắc từ bỏ - có lẽ là những khả năng mà Triều Tiên chưa thể làm chủ được.

Chính quyền của ông Biden có thể đề xuất việc giới hạn hoặc cấm phát triển, thử nghiệm, sản xuất và triển khai tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn, phương tiện chứa nhiều đầu đạn và đầu đạn ICBM.

Việc làm chủ những công nghệ này sẽ cho phép Triều Tiên phóng tên lửa nhanh hơn, ít để lại dấu hiệu cảnh báo hơn, cải thiện khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ và né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington.

Mỹ cũng có thể tìm cách cấm phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà ông Kim Jong-un xem là khả dụng hơn, có thể gây bất ổn lớn hơn nếu xảy ra khủng hoảng trong tương lai.

Để hạn chế các khả năng đang phát triển của Triều Tiên một cách thực chất và có thể kiểm chứng, Mỹ có thể đưa ra những sự khích lệ như miễn trừ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ hoặc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với việc xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu dầu của Triều Tiên.

Washington cần kiên quyết áp dụng cơ chế khôi phục nhanh tất cả các lệnh trừng phạt, tương tự trong Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhằm đề phòng trường hợp Triều Tiên gian lận, mặc dù Trung Quốc và Nga có thể phản đối điều này vì chính quyền ông Trump đã lạm dụng nó trong thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ngoài việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, chính quyền ông Biden có thể xem xét tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cho phép trao đổi văn phòng liên lạc (một biện pháp đã được bàn tới tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 ở Hà Nội) và khởi động lại các dự án chung liên Triều.

Tuy nhiên, xét cho cùng, Triều Tiên có thể sẽ coi trọng việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hơn bất kỳ điều gì khác.

Chính quyền ông Biden không nên theo đuổi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí bằng mọi giá. Nếu không từ chối thẳng thừng mọi đề nghị của Mỹ, thì ông Kim Jong-un chắc chắn cũng sẽ có thái độ cứng rắn với mọi nỗ lực nhằm hạn chế khả năng Triều Tiên tấn công Mỹ, bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên coi đó là thành tố quan trọng trong hệ thống răn đe của Triều Tiên.

Với mỗi biện pháp khuyến khích mà Mỹ đưa ra, Triều Tiên cũng phải có những sự nhượng bộ tương ứng và có thể kiểm chứng.

Duy trì sự ủng hộ của đồng minh

Nếu quyết định theo đuổi việc đàm phán với Triều Tiên về kiểm soát vũ khí, thì Mỹ sẽ phải nỗ lực để thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng nhất trong khu vực - nhất trí với Washington.

Nhật Bản và một số quan chức của Hàn Quốc lo ngại rằng một thỏa thuận hạn chế tập trung vào tên lửa tầm xa sẽ xác nhận vị thế sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và không xử lý vấn đề tên lửa tầm ngắn, vốn là năng lực có thể được sử dụng để tấn công cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.

Những lo ngại trên sẽ càng trầm trọng hơn nếu Chủ tịch Kim Jong-un yêu cầu Mỹ và đồng minh điều chỉnh về năng lực và thế trận quân sự theo hướng giảm thiểu rủi ro đối với Bình Nhưỡng nhưng lại khiến Tokyo và Seoul dễ bị Triều Tiên tấn công.

Chẳng hạn, nếu ông Biden đề nghị hạn chế các hệ thống tầm xa của Triều Tiên, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ yêu cầu Mỹ phải hạn chế các hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được xây dựng để bảo vệ các đồng minh, thậm chí là cả Mỹ.

Việc hạn chế triển khai máy bay, tên lửa và tàu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ tới khu vực; hạn chế chương trình phát triển tên lửa đang manh nha của Hàn Quốc hay chiến lược “chuỗi tiêu diệt” (mà theo đó, các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống pháo và tên lửa của Triều Tiên có thể được tiến hành trong trường hợp các nước có nguy cơ bị Triều Tiên tấn công) cũng sẽ được Bình Nhưỡng yêu cầu ở Washington.

Những yêu cầu như vậy phù hợp với chiến lược lâu dài của Triều Tiên là sử dụng các cuộc đàm phán để được quốc tế công nhận là một cường quốc hạt nhân và gây chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh.

Do đó, ông Biden sẽ phải cân nhắc tác động của các cuộc đàm phán đối với khả năng răn đe, đảm bảo sự nhất trí của các đồng minh với bất kỳ sự nhượng bộ nào và đảm bảo rằng các hành động “có đi có lại” của Triều Tiên là tương xứng và có thể kiểm chứng được.

Ông Biden cũng sẽ phải xem xét những hành động như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối với Trung Quốc và ngược lại. Chẳng hạn, nếu Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung tới khu vực để ngăn chặn Trung Quốc, thì việc đàm phán kiểm soát vũ khí với Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong việc thỏa thuận với Triều Tiên không phải là sự nhất trí của các đồng minh mà là khả năng Bình Nhưỡng phản đối các biện pháp kiểm chứng. Đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên đã khó, đảm bảo việc thực thi thỏa thuận đó thậm chí còn khó hơn, như những gì lịch sử đã nhiều lần cho thấy.

Triều Tiên phản đối mạnh mẽ các biện pháp kiểm chứng mang tính xâm nhập, nhất là việc triển khai các thanh sát viên quốc tế, vì Bình Nhưỡng lo ngại Washington có thể định vị các cơ sở hạt nhân của họ nhằm mục đích tấn công quân sự.

Và để chính quyền của ông Biden đạt được thỏa thuận với Triều Tiên - để thỏa thuận này đạt được sự đồng tình của Quốc hội cũng như đảng Cộng hòa - thì các biện pháp kiểm chứng phải được tiến hành mạnh mẽ.

Ông Biden không có ý định gặp ông Kim Jong-un

Hãng tin Reuters ngày 29/3 cho hay, khi được hỏi liệu cách tiếp cận ngoại giao của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Triều Tiên sẽ bao gồm việc "ngồi cùng Chủ tịch Kim Jong-un" như cựu Tổng thống Donald Trump đã làm hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đáp: "Tôi nghĩ cách tiếp cận của ông Biden sẽ khá khác và điều đó (gặp ông Kim) không phải là ý định của ông ấy".

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang có cuộc đánh giá chính sách về Triều Tiên và dự kiến hoàn tất trong những tuần tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại