Cách nhanh nhất để phá hủy một con người: Cổ vũ họ phải luôn chăm chỉ
Không biết mọi người từng có cảm nhận thế này không: Luôn nỗ lực học tập, tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng dường như chẳng thu hoạch được gì; Luôn kiên trì tập gym, ép mình luyện tập đến điên cuồng nhưng không mấy hiệu quả, vẫn không có được một cơ thể lý tưởng; Được mọi người khen ngợi là tự giác, cần cù, chăm chỉ nhưng kết quả thường chẳng như mình mong muốn.
Dù là rơi vào trường hợp nào, bạn cũng có thể đã mắc phải tình trạng "chăm chỉ mù quáng". Bạch Nham Tùng từng nói: "Vừa ngu xuẩn vừa nỗ lực mới là đáng sợ nhất". Đọc đến đây, có người không khỏi hoài nghi: "Chăm chỉ không tốt hay sao? Sao lại có khái niệm "chăm chỉ mù quáng" nữa?"
Nhưng quả thực là có đấy. Nếu như sự chăm chỉ chỉ dừng ở lớp bề mặt mà không chạm tới bản chất, tất cả nỗ lực đều sẽ là vô ích.
Thế nào là "chăm chỉ mù quáng"?
Chăm chỉ mù quáng nói chính xác là bận rộn không mục tiêu. Giáo sư, chuyên gia tâm lý học Jordan Peterson từng nghiên cứu về 4 biểu hiện của "chăm chỉ mù quáng":
1.Tiêu tốn phần lớn thời gian làm những phần việc dễ dàng nhất, còn đi khoe khoang khắp nơi rằng mình không góp công cũng góp sức
Có rất nhiều người như vậy. Ví dụ, khi còn đi học, bạn ngồi ở thư viện cả một ngày nhưng chẳng mở được mấy trang sách, phần lớn thời gian đều dùng để chơi game, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc. Hết một ngày, có vẻ bạn vất vả thật đấy, dù gì bạn cũng đã khắc phục được ham muốn đi chơi, chống lại được sự lôi kéo của chiếc giường êm ấm, thế nhưng làm vậy cũng chẳng có ích gì. Bởi bạn không hiểu rõ bản thân mình đến thư viện để làm gì, chỉ là bạn đang chấp hành hành động này, nghĩ rằng mình ở đó có thể tự động hấp thu kiến thức, bỏ công sức ra thì sẽ có thu hoạch.
Trong công việc, bạn dùng một cách ngu ngốc để thống kê số liệu, không chỉ lãng phí thời gian mà còn dễ dàng xảy ra sai sót. Bạn sẽ mãi không làm xong được công việc, hoặc trong số liệu có rất nhiều lỗi, rất dễ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của người khác. Khi bị người khác chất vấn, bạn kích động mà nói ra câu bao biện rằng bản thân mình không có công cũng có sức, câu nói này chẳng thể giải quyết được vấn đề gì, thậm chí bạn còn có thể bị coi thường.
Có câu nói: "Người có năng suất làm việc thấp là người hay nhấn mạnh bản thân mình đã bỏ ra nhiều thế nào!" Nếu như "chăm chỉ mù quáng" cũng phân cao thấp, chắc chắn kiểu "không góp công cũng góp sức" sẽ thuộc tầng đáy. Bởi bạn đã không thực sự cố gắng, sự cố gắng của bạn chỉ là lớp ngụy trang giả dối mà thôi.
2. Lấy cớ "đang chuẩn bị" để trì hoãn, nhìn có vẻ rất bận rộn nhưng công việc không hề có chút tiến triển nào
Khi chúng ta làm một việc gì đó rất quan trọng, chúng ta luôn nhấn mạnh rằng bản thân chưa chuẩn bị xong, vẫn luôn dừng ở giai đoạn điều tra nghiên cứu, thu thập tài liệu mà không thực sự xúc tiến công việc này.
Trước đây khi tôi thi bằng lái xe, tôi vốn chỉ định đi luyện tập vào cuối tuần, nhưng cứ hễ bị các công việc khác gián đoạn hoặc khi bản thân lười biếng thì sẽ rất dễ trì hoãn, lúc nào cũng muốn đợi qua thời gian này sẽ tập trung sức lực luyện tập. Kết quả là lúc nào cũng trong trạng thái "đang chuẩn bị" mà không hành động, cuối cùng trì hoãn hơn nửa năm cũng không học xong. Sau đó, tôi thấy như vậy không ổn, liền ép bản thân hễ rảnh là phải đi tập. Sau khi được huấn luyện viên hướng dẫn, tôi cùng ba học viên khác, sau khi kiên trì luyện tập hơn hai tuần đã thuận lợi vượt qua kỳ thi.
Vốn nghĩ mọi chuyện rất khó, phải xây dựng kế hoạch lâu dài mới có thể thực hiện được, nhưng khi bạn đầu tư thời gian, hạ quyết tâm hoàn thành nó thì sẽ phát hiện nó không hề khó chút nào. Nếu muốn hoàn thành bất cứ một việc gì, bạn phải lập tức hành động chứ không phải cứ lập kế hoạch mãi.
3. Trước giờ chưa từng kiểm tra hiệu quả công việc, chỉ biết cắm đầu kéo xe
Rất nhiều người chỉ biết hoàn thành công việc của bản thân, nộp bài lên cho cấp trên cho xong mà rất ít khi chủ động hỏi về phản hồi công việc. Việc gì cũng chỉ đặt mục tiêu là hoàn thành cho công việc, không cần biết chất lượng công việc tốt hay xấu, cũng không đối chiếu đáp án với lãnh đạo, không sửa sai, không nghĩ xem có nên đổi phương pháp và tư duy mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc hay không.
Vì không trao đổi, không suy nghĩ, cũng không biết công việc mình làm tốt hay không, cứ cúi đầu làm mãi, không ngẩng đầu nhìn đường nên rất dễ dàng rơi vào tình trạng bận rộn và chăm chỉ hiệu quả thấp. Loại "chăm chỉ mù quáng" này khiến bạn cứ mãi lẩn quẩn trong trạng thái hiệu suất thấp, không thấy được đường dài, không nghe được phản hồi từ người khác, thậm chí khiến bạn rơi vào lối tư duy "có lẽ mình không làm sai đâu, nếu không thì sao lại không có ai tìm mình".
Vì vậy nhất định phải lắng nghe phản hồi, lập tức lắng nghe phản hồi! Mọi nỗ lực không lấy việc kiểm nghiệm và bỏ công sức làm mục tiêu đều không được gọi là nỗ lực. Chỉ có chủ động tìm kiếm phản hồi, gánh vác trách nhiệm lớn lao hơn, tham dự vào những công việc quan trọng hơn mới là phương pháp hiệu quả duy nhất để nâng cao bản thân.
4. Đọc rất nhiều sách, nhưng chưa từng tổng kết quy luật
Rất nhiều người thích đọc sách, tham gia các khóa học bồi dưỡng… nhưng lại rất ít khi ghi chép, tổng kết suy nghĩ, đồng thời vận dụng những tri thức và kỹ năng mà mình học được vào trong công việc. Có lẽ họ chăm chỉ hơn ai hết, nhưng hiệu quả học tập lại chẳng đâu vào đâu.
Đa số mọi người đều từng tải rất nhiều tài liệu học tập về máy, tích trữ rất nhiều sách, tồn rất nhiều công việc nhưng lại không tiêu hóa và hấp thụ chúng. Nhìn có vẻ rất chăm chỉ, rất nỗ lực, nhưng thực tế chỉ là thỏa mãn ảo tưởng học tập do bản thân tạo ra mà thôi.
Hồi cấp 2 tôi học toán không tốt, cứ nghĩ rằng làm nhiều đề sẽ giỏi lên, cho đến một ngày đàn anh hướng dẫn tôi nói, tất cả các dạng bài đều có phương pháp làm, đừng chỉ thấy ra được kết quả là xong, bản thân phải biết suy nghĩ vì sao phải làm như thế. Nhờ tư duy và luyện tập, tôi dần phát hiện rất nhiều mô hình đề có cấu trúc cố định, cùng một phương pháp có thể giải được vô số bài toán. Từ đó thành tích môn toán của tôi bắt đầu tiến bộ vượt bậc. Chỉ máy móc làm đề và ghi nhớ tất cả các bài toán sẽ không bao giờ có hiệu quả.
Nếu việc bạn đang làm vẫn luôn không có kết quả, hãy đối chiếu với 4 loại biểu hiện trên mà suy nghĩ, nếu không bạn sẽ chỉ mãi xoay vòng trong tác hại của "chăm chỉ mù quáng". Có mười năm kinh nghiệm và một kinh nghiệm dùng mười năm khác biệt nhau hoàn toàn, vế trước giúp bạn nâng cao trình độ bản thân, vế sau sẽ chỉ khiến bạn giậm chân tại chỗ.
Làm thế nào để khắc phục "chăm chỉ mù quáng"
"Chăm chỉ mù quáng" không phải không thể sửa, dưới đây là một số phương pháp giúp chúng ta cải thiện vấn đề này.
1. Đừng lặp lại công việc hiệu suất thấp
Bất cứ nhiệm vụ nào cũng có thể được phân thành 2 bộ phận: dễ và khó. Bạn nên phân chia thời gian hợp lý như thế này: Nhanh chóng giải quyết phần việc dễ, dùng thời gian tiết kiệm được để xử lý phần việc khó. Nhất định không được dành phần lớn thời gian vào những việc đơn giản nhất, dành 20% thời gian để giải quyết việc dễ, còn lại dùng 80% thời gian để suy nghĩ, nghiên cứu những vấn đề hóc búa. Thà chậm mà hiệu quả cao còn hơn là cứ lặp đi lặp lại công việc với hiệu suất thấp.
2. Nâng cao hiệu suất, quản lý thời gian hiệu quả
Nhận thức rõ về bản thân, phân loại công việc hiệu quả, đâu là những việc bạn có thể làm tốt, đâu là những việc bạn cần dành nhiều thời gian và sức lực hoàn thành, sau đó sắp xếp thời gian, viết ra những nhiệm vụ ngày hôm đó. Nhất định phải viết nhiệm vụ ra, chứ không phải chỉ nghĩ trong đầu. Để những nhiệm vụ trở nên hữu hình, thúc đẩy chúng ta hành động, hoàn thành chúng một cách xuất sắc trong thời gian có hạn.
3. Nhìn lại phản hồi công việc, lấy kết quả làm kim chỉ nam
Những trường đại học tốt sẽ không vì bạn học tập vất vả mà thu nhận bạn dù thành tích bạn không tốt, sếp bạn cũng sẽ không vì bạn tăng ca không ngơi nghỉ mà trả lương cao cho bạn dù không đạt KPI. Nhất định phải quan sát phản hồi kết quả của bạn, nếu kết quả không như mong muốn chứng tỏ bạn chưa đủ nỗ lực, hoặc do cách bạn nỗ lực không đúng, đã có vấn đề xuất hiện. Kẻ thắng làm vua, kết quả mới là điều quan trọng nhất.
4. Tổng kết quy luật, phát hiện những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả
Vạn vật vạn sự trên thế gian đều có quy luật phát triển phía sau nó. Chúng tuyệt đối sẽ không vì ý thức chủ quan của con người mà biến đổi, giống như gieo hoa màu vào mùa xuân cho thu hoạch vào mùa thu, mặt trời mọc ở phía Đông lặn ở phía Tây vậy. Việc chúng ta cần làm là phát hiện những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả, sau đó cố gắng cải thiện những nhân tố này, đạt được kết quả mình hằng mong muốn. Đừng để sự chăm chỉ trong chiến thuật che đậy sự lười biếng trong chiến lược của chính mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận