Cách nào "sống chung" với Covid-19"?
Mặc dù các biện pháp kiểm soát dịch đã góp phần kiềm chế được tốc độ lây lan, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp vô vàn khó khăn.
Doanh nghiệp đã kiệt quệ
Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay, nhiều DN tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu chống dịch, các DN duy trì sản xuất và đảm bảo chống dịch cũng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí giao dịch trong nền kinh tế tăng lên đáng kể. Sức mua trong nền kinh tế giảm; các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên, nhiên liệu, nhân công,… đều bị gián đoạn và tăng chi phí gây tổn thất cho DN.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Đại học Nguyễn Tất Thành, khi DN không làm ăn được, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh áp lực chi phí chống dịch đang đè nặng. Không những thế, DN gặp khó khăn về sản xuất, ảnh hưởng dòng tiền, vốn thì rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng là không thể tránh khỏi. Rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng không chỉ đối với các khoản cho vay DN, mà còn đối với các khoản cho vay cá nhân do mất việc làm, giảm lương…
Đáng chú ý là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài đã gây khó khăn cho việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Đối tác đặt hàng có xu hướng chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam để đặt hàng tại các quốc gia đã thực hiện sống chung với dịch.
Cần chính sách hỗ trợ kịp thời
Nhiều DN cho biết sau thời gian giãn cách kéo dài đã đuối sức, cần có chính sách hỗ trợ. Chính sách này không nên cào bằng mà dựa trên đóng góp của DN cho xã hội. Ví dụ, họ tạo ra được bao nhiêu việc làm và đóng góp vào ngân sách bao nhiêu? Chẳng hạn, những DN không giảm nhân sự trong thời gian qua sẽ được hỗ trợ một khoản tương đương khoản nộp ngân sách của DN này trong sáu tháng đến ba năm, được hoãn nộp thuế và các khoản bảo hiểm xã hội từ 6- 18 tháng…
Theo ông Trần Bằng Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hồ Chí Minh, việc tái khôi phục hoạt động DN cần cụ thể hóa bằng các giai đoạn, từng khu vực (có thể phân theo mức độ vùng đỏ, cam, vàng và xanh). Cơ quan chức năng cần dự đoán rủi ro có thể xảy ra ở từng vùng cụ thể và phương án giải quyết. Cần tạo điều kiện để 75% nhà máy hoạt động trở lại, tạo nguồn thu cho xã hội, đảm bảo người lao động có việc làm và thu nhập.
"Tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay còn kéo dài, phức tạp vì thế phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, thay vào đó là mục tiêu tạo việc làm, thu nhập, phúc lợi cho người dân, và hạn chế thấp nhất các vấn đề xã hội phát sinh" - Tiến sĩ Điền chia sẻ.
PGS- TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, cần đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả mang tính bao trùm từ cấp Trung ương đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trước hết là trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Dưới góc độ y tế các chuyên gia cũng cho rằng, việc sống chung với dịch Covid-19 là cách thuận theo dòng chảy, cần thích ứng đảm bảo hoạt động kinh tế vẫn được tiếp tục và giảm thiểu thiệt hại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận