Cách nào đưa 350.000 tỷ vào nền kinh tế hiệu quả?
Theo các chuyên gia, gói 35.000 tỷ không lớn nên cần làm đồng bộ, chọn đúng ưu tiên và quan tâm đến cách vực dậy đầu tàu TP HCM.
Hôm 11/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy mô gói chính sách tài khoá, tiền tệ này khoảng 350.000 tỷ đồng.
Được triển khai trong vòng hai năm, gói giải pháp tài khoá gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển và một số chính sách tài khoá khác. Trong đó, tăng chi cho đầu tư, phát triển là 176.000 tỷ đồng. Chính sách tài khoá gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% VAT trong năm 2022. Chính sách tiền tệ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%.
Đánh giá tác động gói này tại một tọa đàm về cách tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM ngày 17/2, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, số tiền tung ra một năm vào khoảng 160.000-170.000 tỷ không lớn, nhưng lạm phát có thể tăng 3,5-3,8%.
Ông Lực nêu 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu năm nay giải ngân 40% và năm sau giải ngân 50% gói, tăng trưởng 2022 có thể đạt 6,5-7%, năm 2023 là 7 và trên 7%. Kịch bản thứ hai, nếu cả hai năm chỉ giải ngân được 70% gói thì GDP 2022 có thể đạt 5-5,5% và 2023 là 6%.
"Quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm ban hành chương trình phòng chống dịch cập nhật Nghị quyết 126 một cách bài bản, nhất quán hơn. Trong đó, nâng cao chú trọng năng lực y tế. Hiện nhiều bệnh viện công - tư gặp vấn đề rất lớn về trang thiết bị y tế kể cả thuốc men. Đây là câu chuyện cấp bách", ông Lực nêu.
Cùng với gia cố năng lực y tế, để hấp thụ gói ngân sách, vị chuyên gia cho rằng các bộ ngành, địa phương cũng phải sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và 11 của Chính phủ. Ông Lực cho rằng, đây là "cơ hội vàng" để cải cách thể chế, đặc biệt là về môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tôi biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm hơn đến đầu tư ở Việt Nam so với 2 năm qua", ông nói. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm đến bối cảnh địa chính trị thế giới, giá hàng hóa như dầu đang tăng, phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ đê kiểm soát lạm phát và những hệ luỵ trong quá trình phục hồi.
PSG. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, với 350.000 tỷ đồng dùng trong hai năm thì tức chưa đến 5% GDP. Do đó, cần cách thực thi đồng bộ và chọn đúng tọa độ ưu tiên để đạt hiệu quả cao nhất.
"Cần có đồng bộ y tế gắn với kinh tế. Trong kinh tế, khơi thông các nguồn lực cho logistics, tài chính và giải quyết điểm nghẽn lớn về lao động", ông nói. Không chỉ nhắm tọa độ ưu tiên ngành, ông cho rằng TP HCM cũng phải là tọa độ ưu tiên. Nếu tập trung ưu tiên này sẽ tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, góp ý 5 giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế, nhấn mạnh đến mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường; bên cạnh đó là nâng cấp hạ tầng, đảm bảo an sinh, duy trì kinh tế, tăng cường thể chế.
"Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế", ông Lộc nói.
Làm sao để riêng đầu tàu TP HCM hấp thụ được tối đa những hỗ trợ của gói 350.000 tỷ cũng nhận được nhiều khuyến nghị của chuyên gia. Theo PGS TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, 2022 nên là thời điểm lấy lại những gì đã mất. Tức để GRDP bằng 2020 thì năm nay phải tăng trưởng 6,5%.
"TP HCM sẽ thành lập thêm các tổ công tác để tiếp cận được gói tài khoá với mức cao nhất", ông Ngân nói. Cùng với đó, phải giữ được những gì đang có là sức khỏe người dân. "Phải ưu tiên hệ thống y tế cơ sở, giữ được thành quả kiểm soát dịch bệnh, để tự tin mở cửa an toàn, đồng bộ", ông nói.
Dịch vụ chiếm trên 62% GRDP TP HCM nên cần phải tập trung đầu tư công cho cơ sở hạ tầng giao thông. Thành phố đang quan tâm nhiều đến dự án Vành đai 3 nhưng theo ông Ngân "cũng cần khép lại cho xong" Vành đai 2, bổ sung các tuyến đường nối vào sân bay, bến cảng.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, với việc TP HCM năm ngoái tăng trưởng âm 6,78% thì năm nay phải tăng trưởng theo hình chữ V mới lấy lại được phong độ. "Đầu tiên là tạo môi trường thể chế tốt nhất để nền kinh tế hấp thụ được tốt. Tháo được điểm nghẽn để thu hút đầu tư công và tư nhân", ông Lịch nói.
Công cụ đầu tư công cũng là giải pháp được ông Lịch ủng hộ nhằm kích tổng cầu và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, đô thị. "Ở TP HCM, một đồng đầu tư của nhà nước có thể hút 10 đồng, hoặc ít nhất cũng là 8 đồng tư nhân, nên đầu tư công là vốn mồi", ông lý giải.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ có dòng vốn là một giải pháp khác. Thành phố đã từng làm được chương trình ngân hàng kết nối với doanh nghiệp, chính quyền để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay nợ nuôi nợ để từ đó đòi được nợ. Với cách làm này, giai đoạn 2011-2013, đã cứu sống nhiều doanh nghiệp.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM, việc duy trì cầu nội địa là một trong những giải pháp mấu chốt. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hàng năm thường tăng 10%, nhưng năm qua giảm, kéo GPDP giảm sâu. "Vì vậy, trong thời gian tới phải tập trung kích cầu", ông nói.
Ông Tuấn cho biết thành phố đang sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình, dự án đầu tư liên quan lĩnh vực y tế giáo dục, giao thông, môi trường. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính là nguồn vốn.
Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, TP HCM ước cần 800.000 tỷ đồng nhưng chỉ có 142.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách Trung ương giao. Nếu cố gắng huy động tối đa thêm các nguồn lực khác chỉ cao nhất huy động được khoảng 350.000 tỷ đồng.
"Nguồn lực dành cho đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần cơ chế chính sách để tháo gỡ", ông Tuấn nói. Vừa qua, các bộ ngành, Trung ương phân cấp cho TP HCM một số đặc thù như Nghị quyết 54, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng, y tế cơ sở, chăm lo cho người lao động để phục hồi kinh tế hiệu quả hơn, theo ông Tuấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận