'Cách ly người về từ TP HCM là trái với thích ứng an toàn'
Việc cách ly tại nhà người về từ TP HCM là không phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn, theo nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga.
Từ ngày 17/11, Hà Nội triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt người về từ các tỉnh, thành. Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ vùng đỏ, cam và các tỉnh, thành có số ca mắc cao như: TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ bảy từ khi tới Hà Nội.
Một trong những lý do Hà Nội đưa ra quy định trên là thời gian qua ngành y tế ghi nhận nhiều F0 trong số những người từ các tỉnh, thành về thủ đô. Trong số hơn 18.600 người thuộc diện này đang được giám sát trên địa bàn (tính đến 16/11), ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận 159 ca dương tính, đa số là người về từ TP HCM (85 ca).
Lý giải vì sao Hà Nội cách ly tại nhà người tiêm đủ hai liều vaccine và đã xét nghiệm âm tính (nếu đi máy bay từ phía Nam về), ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho hay việc tiêm đủ liềm chỉ có giá trị giảm diễn biến nặng và nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19; nhiều người dù tiêm đủ liều vẫn có nguy cơ nhiễm virus; còn việc xét nghiệm phải thực hiện kỹ thuật PCR "mới khẳng định người đó có nhiễm hay không".
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, cho rằng pháp cách ly tại nhà nêu trên của Hà Nội không đúng với tinh thần thích ứng an toàn vì chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện đi lại, giao thương của người dân, khôi phục kinh tế. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ việc đi lại của người dân từ các địa bàn có cấp độ nguy cơ khác nhau chỉ bị hạn chế ở cấp độ 4.
Ông Nga phân tích, những người đã tiêm đủ liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính là đã giảm khả năng nhiễm bệnh và lây nhiễm. Vì vậy những người này không cần phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, cách ly.
"Hà Nội là thủ đô, rất nhiều người đã tiêm đủ liều vaccine có nhu cầu đến đây để công tác, học tập, làm ăn, sản xuất kinh doanh. Nếu bắt buộc họ phải cách ly tại nhà 7 ngày sẽ ảnh hưởng đến khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội", ông Nga nói và cho rằng Hà Nội chỉ nên cách ly tại nhà người chưa tiêm vaccine và xuất phát từ vùng nguy cơ cấp 4 (vùng đỏ).
Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cũng bày tỏ không đồng tình với quyết định cách ly tại nhà 7 ngày người đã tiêm đủ liều vaccine, xuất phát từ vùng cấp 3, cấp 4. Theo ông, nhiều người chỉ có nhu cầu đến Hà Nội giải quyết công việc trong một, hai ngày, nhưng phải cách ly tại nhà (hoặc nơi cư trú) 7 ngày "thì họ sẽ nản lòng, không muốn đến Hà Nội nữa".
Ông Tuấn đề xuất Hà Nội chỉ nên yêu cầu những người đã tiêm đủ liều vaccine, khi vào thành phố phải khai báo y tế hoặc quét mã QR mỗi lần đến các địa điểm nhất định để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết.
"Các biện pháp chống dịch phải đảm bảo cân bằng giữa an toàn dịch bệnh và không cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, đi lại của người dân", ông Tuấn nói.
Một tuần qua, bình quân mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 60 F0. Toàn thành phố có 14 chùm ca bệnh và vẫn còn hơn 120 điểm phong tỏa phòng, chống Covid-19. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, số ca F0 phát sinh trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cao do các nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng và nhiều người dân trở về từ các địa phương có dịch.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 là 6.481 ca, trong đó số ghi nhận ngoài cộng đồng 2.346, số mắc đã được cách ly 4.135.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận