Cách ly người đến từ Hà Nội và TP.HCM: Có dấu hiệu lạm quyền và trái luật
Luật sư cho rằng một số tỉnh buộc người từ Hà Nội và TP.HCM phải cách ly y tế tập trung là có dấu hiệu trái luật và lạm quyền BCĐ phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế.
Mới đây, một số tỉnh thành như Hải Phòng, Đà Nẵng… ra văn bản yêu cầu cách ly y tế tập trung 14 ngày với hình thức có thu phí đối với người đến từ Hà Nội và TP.HCM.
Trong bối cảnh Thủ tướng đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc nhưng, các tỉnh, thành phố trên lại phân biệt đối xử với người dân đến từ 2 thành phố lớn nhất nước, coi Hà Nội và TP.HCM là "vùng dịch" khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trả lời VTC News, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định việc các tỉnh coi Hà Nội và TP.HCM là vùng dịch và đưa người dân đến từ những vùng này đi cách ly là không đúng và có dấu hiệu lạm quyền.
“Chính phủ có văn bản số số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, không ngăn cản người dân đi lại, một số nghành nghề vẫn được hoạt động như luật sư, ngân hàng…
Người đi từ địa phường này sang địa phương khác có nghĩa vụ khai báo y tế trung thực và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy định về khai báo y tế”, luật sư Nam chia sẻ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, những người ở một số ngành nghề như công chứng, luật sư, đăng kiểm… vẫn được hoạt động, nhưng nếu họ từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Hải Phòng, Đà Nẵng thì sẽ bị đưa đi cách ly. Như vậy là trái ngược với chỉ đạo của Thủ tướng.
“Theo quy định, khi tôi là luật sư từ Hà Nội đến Hải Phòng sẽ chỉ phải khai báo y tế, ví dụ như có từng đến Bệnh viện Bạch Mai hay đến Trúc Bạch hay không, có triệu chứng ốm, sốt không… Bên cạnh đó, tôi chấp hành việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt tại đây thì không có lý gì đưa tôi đi cách ly cả”, luật sư chia sẻ.
Ông Nam phân tích, Ban chỉ đạo phòng chống dịch có ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp quốc gia thường do Phó Thủ tướng là Trưởng ban, cấp tỉnh và huyện thường do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.
Về việc công bố dịch, ổ dịch, nhóm người bị cách ly các tỉnh, thành là thẩm quyền Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia. Trưởng ban Chỉ đạo các tỉnh, huyện phải tuân theo chỉ đạo này.
Hiện tại, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia chỉ có quyết định về việc cách ly y tế đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, người mắc Covid-19 và người có liên quan.
Thủ tướng cũng công bố dịch trên phạm vi cả nước, bởi vậy, không thể coi TP Hà Nội và TP.HCM là vùng dịch khi dựa trên số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ở đây nhiều.
Điều này chứng tỏ các tỉnh, thành khác đang máy móc trong việc hiểu và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng.
“Ban chỉ đạo Trung ương hướng dẫn giãn cách xã hội như tỉnh với tỉnh, không thể hiểu máy móc là tạm dừng với tất cả những người đến từ tỉnh có dịch (Hà Nội, TP.HCM)”, luật sư cho hay.
Mặc dù lãnh đạo TP Đà Nẵng và Hải Phòng đều khẳng định có đủ căn cứ pháp lý để đưa những người từ vùng dịch Hà Nội và TP.HCM đi cách ly y tế tập trung và yêu cầu họ tự trả chi phí, nhưng luật sư khẳng định, việc làm này có dấu hiệu lạm quyền, làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng
“Việc bắt buộc cách ly đối với người đến từ Hà Nội và TP.HCM là trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương. Họ đang lạm quyền và làm trái ý kiến cấp trên, gây ảnh hưởng đến quyền công dân, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người”, luật sư Nam chia sẻ.
Ngoài ra, luật sư cho hay, việc Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam thu phí ăn uống đối với người cách ly là không đúng theo quy định của pháp luật.
Bởi những người thuộc diện cách ly thì được nhà nước chi trả, còn không thuộc diện cách ly thì không thể bắt họ cách ly và chi trả tiền.
Từ thực tế đang diễn ra ở các địa phương, luật sư cho rằng, các tỉnh thành đang có sự vênh nhau về các chỉ đạo phòng dịch. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia cần chấm dứt ngay thực trạng này.
“Cần có một sự thống nhất trên toàn quốc về vấn đề giãn cách xã hội, những người nào được phép ra vào tỉnh thành khác, không thể để các tỉnh vênh nhau được. Vì vậy, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Trung ương và Văn phòng Chính phủ cần có sự chỉ đạo để thống nhất trên toàn quốc để áp dụng chung cho các tỉnh”, luật sư Nam nói.
Cùng quan điểm với luật sư Trần Thu Nam, trả lời trên VOV1, TS Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa 14 nhận định: "Hải Phòng và Đà Nẵng nên thận trọng khi triển khai quyết định này. Các địa phương khác không làm như thế. Các địa phương muốn làm phải theo sự hướng dẫn của Chính phủ, không thể tự động làm riêng, làm như thế là chưa phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi chúng ta đang đoàn kết để chống dịch Covid-19”.
“Địa phương nào ban hành những văn bản vi hiến phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Họ hơi sốt sắng quá thì các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế nên kiểm soát lại để tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm như Đà Nẵng và Hải Phòng trong thời gian vừa qua", luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận