Cách đọc bảng giá chứng khoán
Đọc - hiểu bảng giá chứng khoán là kỹ năng đầu tiên mà NĐT mới “chân ướt chân ráo” tham gia vào thị trường cần nắm vững. Mặc dù sở, công ty giao dịch chứng khoán cung cấp bảng giá chứng khoán riêng nhưng những thông tin niêm yết trên bảng điện hoàn toàn giống nhau. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn đọc, NĐT “F0” cách đọc bảng giá chứng khoán cơ bản. Mời quý bạn đọc theo dõi.
1. Thông tin chung trước khi bắt đầu
Thị trường chứng khoán Việt Nam có hai Sở Giao dịch Chứng khoán chính thức là HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) và HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM).
Mỗi Sở Giao dịch Chứng khoán đều cung cấp một bảng giao dịch chứng khoán riêng biệt để phục vụ NĐT giao dịch tại sàn. Trong đó, bảng giá chứng khoán HNX bao gồm sàn HNX và sàn UpCOM.
Bên cạnh những thông tin về biến động về giá cổ phiếu hàng ngày, các bảng giá chứng khoán còn cung cấp thông tin của các chứng khoán khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ ETF, hợp đồng phái sinh, chứng quyền…
Các công ty chứng khoán cũng cung cấp bảng giá chứng khoán. So với hai bảng giá chứng khoán chính thức được cung cấp bởi Sở Giao dịch Chứng khoán, bảng giá chứng khoán của công ty chứng khoán chỉ khác biệt về “diện mạo” còn thông tin trên bảng điện hoàn toàn tương tự.
2. Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán
Giải thích các thông tin và thuật ngữ trên bảng giá chứng khoán:
2.1. Hệ thống chỉ số thị trường
Phía trên cùng của các bảng giá chứng khoán sẽ cung cấp thông tin về biến động của các chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng, bao gồm các chỉ số: VNIndex, VN30, HNX Index, HNX30, UpCOM.
2.2. Các thông tin trên bảng giá chứng khoán
Mã CK - Mã chứng khoán
Là danh sách các mã chứng khoán được giao dịch trên sàn chứng khoán. Các mã chứng khoán được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái từ A - Z.
TC - Giá tham chiếu
Giá tham chiếu có màu vàng thể hiện mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ như tại sàn UpCOM, giá tham chiếu là giá trung bình hay giá bình quân của phiên giao dịch liền kề trước đó.
Giá tham chiếu là cơ sở để tính toán giá trần và giá sàn của các mã cổ phiên trong một phiên giao dịch bằng cách cộng hoặc trừ đi biên độ giao dịch. Sàn HOSE áp dụng biên độ giao dịch là 7%, còn HNX và UpCOM lần lượt là 10% và 15%.
Trần - Giá trần
Giá trần (màu tím) là mức giá cao nhất có thể đạt đến trong một phiên giao dịch của các cổ phiếu tính theo mức giá tham chiếu. Giá trần được tính bằng cách lấy giá tham chiếu cộng với biên độ giao dịch.
Sàn - Giá sàn
Giá sàn (màu xanh da trời) thể hiện mức giá thấp nhất mà một cổ phiếu có thể giảm xuống trong phiên giao dịch. Giá sàn được tính bằng cách lấy giá tham chiếu trừ đi biên độ giao dịch.
Bên cạnh giá trần màu tím và giá sàn màu xanh da trời, còn có hai màu sắc khác được sử dụng để biểu thị giá trên bảng giá chứng khoán là: Giá màu xanh lá cây và Giá màu đỏ.
Giá màu xanh lá cây có nghĩa là giá cao hơn giá tham chiếu (tăng giá) nhưng chưa “đụng” trần. Còn giá màu đỏ có nghĩa là giá thấp hơn giá tham chiếu (giảm giá) nhưng chưa “chạm” sàn.
Bên mua
Bên mua, Dư mua hay một số bảng giá chứng khoán gọi là Lệnh mua. Các bảng giá chứng khoán đều cung cấp 3 nhóm cột ở Bên mua.
Mỗi nhóm cột bao gồm 2 cột Giá và Khối lượng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Giá mua cao nhất sẽ được ưu tiên nhất (Giá 1 + KL 1) hay gần cột Khớp lệnh nhất, giá mua thấp thứ ba được xếp ưu tiên sau cùng (Giá 3 + KL 3) hay xa cột Khớp lệnh nhất.
Trên bảng giá chứng khoán của sàn HOSE, đơn vị giá là 1.000 VNĐ, ví dụ cổ phiếu được niêm yết trên bảng giá là 98.5 thì mức giá thật của cổ phiếu này là 98.500 VNĐ. Còn đơn vị khối lượng là 10 cổ phiếu, ví dụ cổ phiếu được giao dịch với khối lượng niêm yết trên bảng điện là 100 thì khối lượng giao dịch thực của cổ phiếu này là 100x10 = 1.000 cổ phiếu.
Bảng giá chứng khoán HNX và UpCOM khác biệt một chút so với sàn HOSE là đơn vị khối lượng giao dịch là 1.000 cổ phiếu. Ví dụ thông tin khối lượng hiện trên bảng giá chứng khoán là 100 thì khối lượng giao dịch thực là 100x1000 = 100.000 cổ phiếu.
Bên bán
Bên bán, Dư bán hoặc Lệnh bán có cấu trúc tương tự với Bên mua trên bảng giá chứng khoán, gồm 3 cột Giá và Khối lượng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 so với cột Khớp lệnh.
Giá bán thấp nhất sẽ được ưu tiên đầu tiên (Giá 1 + KL 2), Giá bán thấp thứ 2 sẽ được ưu tiên sau Giá 1 (Giá 2 + KL 2), Giá bán thấp thứ 3 sẽ được ưu tiên sau Giá 2 (Giá 3 + KL 3).
Khớp lệnh
Là cột thể hiện mức giá và khối lượng giao dịch được thực hiện thành công hay khớp lệnh. Cột Khớp lệnh được chia thành 3 cột nhỏ gồm: Cột giá khớp lệnh, cột khối lượng khớp lệnh và cột biến động thực tế của giá khớp lệnh so với giá tham chiếu.
Tổng KL - Tổng Khối lượng
Biểu thị tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch thành công trong một phiên giao dịch của các mã cổ phiếu.
Cao - Thấp
Cột Cao - Thấp thể hiện mức giá khớp lệnh cao nhất (nhưng không phải giá trần) và thấp nhất (nhưng không phải giá sàn) trong phiên giao dịch.
ĐTNN - Đầu tư nước ngoài
Là cột thể hiện khối giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch. Cột ĐTNN được chia thành 3 cột nhỏ gồm cột Mua, Bán và Dư mua.
Giao dịch thỏa thuận
Các bảng giá chứng khoán còn cung cấp thêm thông tin về các giao dịch chứng khoán thỏa thuận. Bảng thông tin giao dịch thỏa thuận thường được chia thành 4 cột chính bao gồm:
- Mã chứng khoán
- Mức giá giao dịch
- Khối lượng giao dịch
- Thời gian khớp lệnh
Lời kết:
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách đọc bảng giá chứng khoán, một trong những bài học “vỡ lòng” mà các NĐT mới tham gia vào thị trường cần phải nắm được. 24HMoney mong rằng quý bạn đọc, quý NĐT đã tìm được những thông tin hữu ích sau khi tham khảo nội dung bài viết này.
Để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường, hãy tải ngay ứng dụng 24HMoney trên Google Play hoặc App Store và thường xuyên truy cập vào website: https://24hmoney.vn/ nhé.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận