Cách càng tiêu lại càng có nhiều tiền cần bỏ túi
Giả sử có một cái xô bị rò rỉ đặt dưới vòi nước đang chảy. Làm thế nào để xô không bị cạn nước?
Tiền bạc không thể mua niềm vui và hạnh phúc nhưng có một điều gần như chắc chắn là khi có tiền, cuộc sống của bạn sẽ ít áp lực và lo lắng hơn.
Vậy làm thế nào để không rơi vào tình trạng hết tiền? Dưới đây là một số bí kíp mà bạn có thể tham khảo:
Chi tiêu nhiều hơn
Cách để tránh hết tiền và thậm chí có nhiều tiền hơn là… tiêu nhiều hơn? Nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục!
Giả sử có một cái xô bị rò rỉ đặt dưới vòi nước đang chảy. Một cách để làm cho cái xô không bị rỗng là bịt những chỗ bị rỉ nước. Tuy nhiên, có một cách khác là vặn to vòi nước hoặc vặn thêm một vòi khác để cái xô luôn đầy.
Đối với việc tránh hết tiền cũng vậy. "Chi tiêu nhiều hơn" ở đây có nghĩa là chi tiêu cho những thứ giúp tăng thu nhập của bạn như các khóa học dạy kỹ năng có ích cho công việc. Tỷ phú Warren Buffett từng nói rằng khoản đầu tư tốt nhất mà bạn có thể thực hiện là đầu tư cho bản thân bởi nó không bị tính thuế và ngay cả làm phát cũng không thể làm giảm suy giảm giá trị của nó.
Đừng tiếc tiền cho những kỹ năng mới giúp bạn chứng minh được giá trị của mình trong công việc. Hãy nhớ rằng khi là một người được việc, cơ hội được tăng lương hoặc thăng chức của bạn sẽ lớn hơn. Với thu nhập cao hơn, bạn sẽ giảm thiểu khả năng rơi vào tình trạng cháy túi nếu biết chi tiêu hợp lý.
Tạo thêm nguồn thu nhập
Hầu hết các triệu phú tự thân cho biết họ có ít nhất là 7 nguồn thu nhập. Còn người bình thường đa số chỉ có 1 nguồn thu nhập duy nhất. Vậy nên, để không hết tiền, ngoài tìm cách tăng thu nhập chính, bạn có thể tạo thêm nguồn thu nhập khác.
Tất nhiên không phải tất cả mọi thứ đều có thể giúp bạn kiếm tiền nhưng chắc chắn có một số thứ có thể làm điều đó. Không ít triệu phú tự thân tích lũy được tài sản hàng triệu USD nhờ việc biến sở thích cá nhân thành công việc phụ.
Tự "phạt" khi chi tiêu bốc đồng
Không ít người chia sẻ bí kíp như cắt giảm chi tiêu thẻ tín dụng, tiêu thụ thực phẩm hay những thứ tương tự. Tuy nhiên, những việc trên không phải lúc nào cũng tốt vì chúng có thể đem lại cảm giác khó chịu cho bạn hay thậm chí là tạo ra rào cản tâm lý khiến bạn không thể tiến lên phía trước.
Có một cách tốt hơn để đối phó với việc mua sắm bốc đồng là "trừng phạt" chính mình. Ví dụ, nếu ngân sách trong ngày của bạn là 300.000 đồng và vì lý do nào đó, bạn đã tiêu đến 500.000 đồng thì hôm sau, bạn sẽ chỉ được tiêu 100.000 đồng mà thôi. Đó là cách hữu hiệu để bạn không chi tiêu quá đà và rơi vào cảnh sớm hết tiền.
Trở nên có trách nhiệm về tài chính
Có một thực tế là nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Mọi người biết mình nên làm gì nhưng lại không đủ kỷ luật để tuân theo. Hãy tuân thủ bất kỳ kế hoạch tài chính bạn đặt ra. Để làm được điều đó, hãy đặt ra mục tiêu cụ thể nhất có thể cùng cách thực hiện. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ thực hiện hơn.
Trong trường hợp không làm được như vậy, bạn có thể tìm một người lớn tuổi hơn mình, có trách nhiệm và giỏi quản lý tiền bạc để họ nhắc nhở hoặc thậm chí là lắng nghe "báo cáo" của bạn. Khi phải trình bày các vấn đề quan trọng của tài chính cá nhân cho một người mình kính trọng (đôi khi là kính sợ) và được họ đưa ra lời khuyên, dần dần bạn sẽ giảm thiểu được những hành vi không có lợi.
Đừng nhờ một người có tình hình tài chính hỗn độn mà hãy tìm người mà bạn có thể học hỏi từ khả năng quản lý tiền bạc của họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận