menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Băng Tâm

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Chiến sự đã khiến khối tài sản của 7 tỷ phú Ukraine giảm 9,7 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.

Con số này tương đương mức giảm 45% giá trị tài sản so với trước ngày 28/2. Forbes cho biết một trong những lý do tài sản của các tỷ phú Ukraine không giảm tiếp dù xung đột chưa chấm dứt là chúng phần lớn nằm ở nước ngoài.

Hiện Ukraine có 7 tỷ phú, với tổng tài sản 11,9 tỷ USD. Do với danh sách được công bố cuối tháng 3/2021 thì tài sản của họ đã giảm hơn 7 tỷ USD. Một trong những tài phiệt nổi tiếng nhất nước, Petro Poroshenko, người từng là tổng thống Ukraine từ năm 2014 đến năm 2019, thậm chí không còn trong danh sách tỷ phú năm nay.

Tài sản ròng của ông giảm hơn một nửa, ước tính khoảng 700 triệu USD, do công ty bánh kẹo Roshen mất khoảng 75% vốn hóa và buộc phải đóng cửa hai nhà máy ở Kyiv và Boryspil do chiến sự.

Đa phần tỷ phú Ukraine sở hữu tài sản lớn trong các ngành từ thép, than đến khai mỏ và ngân hàng. Cuộc xung đột đã gây ảnh hưởng lớn đến tài sản cũng như nhiều hoạt động kinh doanh của họ.

Khi quân đội Nga tiến vào, một số tỷ phú đã bay về nước để ủng hộ chính quyền. Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine, nói với Forbes trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/3 rằng công ty cổ phần công nghiệp System Capital Management của ông đang "giúp đỡ quân đội và lực lượng bảo vệ lãnh thổ".

Dưới đây là biến động tài sản của 7 tỷ phú Ukraine, theo danh sách của Forbes.

Rinat Akhmetov

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Rinat Akhmetov. Ảnh: EPA

Tài sản ròng: 4,2 tỷ USD

Nguồn tài sản: thép, than

Thay đổi kể từ xung đột: - 4,3 tỷ USD

Akhmetov - con trai của một thợ khai thác than - là tỷ phú giàu nhất Ukraine và cũng có tài sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến. Ông sở hữu cổ phần trong một số công ty công nghiệp thông qua SCM. Cổ phần lớn nhất của ông nằm ở hãng thép Metinvest Group.

Nhà máy của Metinvest ở thành phố Mariupol bị bao vây, còn nhà máy ở thị trấn Avdiivka thì chịu thiệt hại do đụng độ. Ngày 31/3, Akhmetov tuyên bố SCM sẽ đệ đơn kiện Nga về những thiệt hại liên quan đến chiến dịch quân sự của họ.

Cổ phần lớn tiếp theo của Akhmetov là trong công ty năng lượng DTEK, cung cấp khoảng 30% điện năng cho Ukraine. DTEK bị ảnh hưởng hai ngày trước cuộc chiến khi một trong những nhà máy nhiệt điện than của họ ở phía đông Luhansk bị hư hại.

DTEK cho biết trong một tuyên bố vào ngày 29/3 rằng họ đã giúp 900 người sơ tán khỏi Mariupol và thành phố Berdyansk. Ngoài giúp đỡ nhân đạo, các doanh nghiệp của Akhmetov cũng hỗ trợ sản xuất hơn 35.000 chướng ngại vật chống tăng.

Victor Pinchuk

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Victor Pinchuk. Ảnh: TASS

Tài sản ròng: 1,9 tỷ USD

Nguồn tài sản: ống thép, đa ngành

Thay đổi kể từ xung đột: - 700 triệu USD

Pinchuk đã rút một phần tài sản của mình khỏi Interpipe, hãng thép do ông thành lập năm 1990. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, công ty bị mất toàn bộ hoạt động kinh doanh ở Nga. Interpipe cũng đã ngừng sản xuất và xuất khẩu vào cuối tháng 2, ngay khi xung đột nổ ra.

Pinchuk còn sở hữu khối bất động sản trị giá gần một tỷ USD ngoài Ukraine và ước tính khoảng 600 triệu USD dưới dạng tiền mặt và nghệ thuật. Ông là một trong những tỷ phú thân phương Tây nhất Ukraine. Ông là người chủ trì tổ chức sự kiến "buổi sáng Ukraine" thường niên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), và "bữa trưa Ukraine" tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 19/2.

Vadim Novinsky

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Vadim Novinsky. Ảnh:Imago

Tài sản ròng: 1,3 tỷ USD

Nguồn tài sản: thép

Thay đổi kể từ xung đột: -2,2 tỷ USD

Novinsky nắm cổ phần nhỏ trong hãng thép Metinvest của tỷ phú Akhmetov. Tỷ phú sinh ra ở Nga này có quốc tịch Ukraine năm 2012 và sau đó còn thắng cử vào quốc hội.

Từ lâu, ông được coi là một trong những tỷ phú thân thiện với Putin nhất của Ukraine. Ông đã cố gắng xúc tiến các cuộc đàm phán với Nga trước khi xung đột nổ ra. Ông rời khỏi Ukraine khi căng thẳng leo thang, nhưng trở về nước ít ngày trước chiến dịch quân sự của Nga.

Kostyantin Zhevago

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Kostyantin Zhevago. Ảnh: FC Vorskla

Tài sản ròng: 1,3 tỷ USD

Nguồn tài sản: khai khoáng

Thay đổi kể từ xung đột: -800 triệu USD

Zhevago sở hữu phần lớn cổ phần của công ty khai khoáng Ferrexpo. Ông đã tiếp quản công ty tiền thân của Ferrexpo là Poltava Iron Ore, và giúp ông ty này niêm yết trên sàn London năm 2007. Ngày 25/2, công ty tuyên bố không thể hoàn thành hợp đồng vì lý do bất khả kháng đối với một số khách hàng quặng sắt.

Tuy nhiên, công ty khẳng định hoạt động khai thác và chế biến quặng vẫn tiếp tục. Ferrexpo đã thành lập một quỹ nhân đạo trị giá 7,5 triệu USD ngày 7/3 để cung cấp nhà ở, bữa ăn miễn phí, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và vật tư y tế, cùng các dịch vụ khác.

Henadiy Boholyubov

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Henadiy Boholyubov. Ảnh: Bloomberg

Tài sản ròng: 1,1 tỷ USD

Nguồn tài sản: ngân hàng, đầu tư

Thay đổi kể từ xung đột: -900 triệu USD

Boholyubov đồng sáng lập PrivatBank cùng với tỷ phú Ihor Kolomoyskyy. Đây là ngân hàng thương mại lớn nhất ở Ukraine, với số vốn vào đầu những năm 1990 là một triệu USD. Chính phủ Ukraine đã quốc hữu hóa PrivatBank năm 2016 để ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng này sau khi các cuộc điều tra cho thấy có hành vi gian lận quy mô lớn.

Tháng 12/2017, Anh đã đóng băng hơn 2,5 tỷ USD tài sản của Kolomoyskyy và Boholyubov tại PrivatBank trong một vụ kiện tụng. Phần lớn tài sản của Boholyubov hiện đến từ Privat Group, một tập đoàn kinh doanh các trạm xăng và dầu khí, cùng các khoản đầu tư khác.

Vlad Yatsenko

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Vlad Yatsenko. Ảnh: Revolut

Tài sản ròng: 1,1 tỷ USD

Nguồn tài sản: Fintech

Thay đổi kể từ xung đột: không có

Yatsenko là đồng sáng lập của ngân hàng kỹ thuật số Revolut có trụ sở tại London. Startup này đã trở thành fintech giá trị nhất ở Anh khi huy động được 800 triệu USD với mức định giá 33 tỷ USD vào tháng 7/2021. Thương vụ này giúp ông bước vào hàng ngũ tỷ phú.

Công dân mang hai dòng máu Anh-Ukraine điều hành công việc kinh doanh với người đồng sáng lập Nik Storonsky. Revolut đã quyên góp 2 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Ihor Kolomoyskyy

Các tỷ phú Ukraine mất gần nửa tài sản kể từ xung đột

Ihor Kolomoyskyy. Ảnh: EPA

Tài sản ròng: 1 tỷ USD

Nguồn tài sản: ngân hàng, đầu tư

Thay đổi kể từ xung đột: -800 triệu USD

Bên cạnh các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, Kolomoyskyy còn sở hữu cổ phần trong các công ty ngành thép, sắt và hóa chất, cũng như kinh doanh phân phối điện, cảng biển và khai thác Bitcoin.

Tỷ phú này từng là một trong những nhà tài phiệt thân châu Âu, được cho là đã chi hàng triệu USD tài trợ và trang bị cho quân tình nguyện để ngăn chặn quân đội Nga năm 2014. Ông cũng từng là thống đốc Dnipro - quê hương của mình - từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015.

Tuy nhiên, ông rất kín tiếng về cuộc khủng hoảng lần này. Một chiếc máy Hawker 800XP của ông được ghi nhận đã bay đến Kiev từ London vào ngày 21/2. Hai du thuyền của ông được đăng ký ở Quần đảo Cayman được nhìn thấy lần cuối ở Tivat (Montenegro) và Trogir (Croatia) vào ngày 4/4.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả