Các tỷ phú trên thế giới đang sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người khác cộng lại
2.153 tỷ phú trên thế giới đang sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người, tương đương 60% dân số thế giới, theo báo cáo mới đây của tổ chức Oxfam trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Đây là thông tin được đưa ra trong bản báo cáo có tên gọi "Time to Care" của tổ chức Oxfam đưa ra ngày 20/1 trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ.
Ông Amitabh Behar, Giám đốc Điều hành của Oxfam Ấn Độ, đại diện của Oxfam tại Davos phát biểu: "Khoảng cách giữa giàu và nghèo không thể được giải quyết nếu không tính tới các chính sách nhằm xóa bỏ bất bình đẳng, và đang có quá ít chính phủ cam kết với các chính sách này".
Báo cáo mới đây của Oxfam cho rằng nền kinh tế bất bình đẳng giới đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất bình đẳng. Điều này đang tiếp tay cho giới thượng lưu giàu có chiếm hữu một lượng tài sản không ngừng tăng lên với cái giá phải trả là tổn thất của những người dân bình thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nghèo: 22 người đàn ông giàu nhất thế giới có nhiều của cải hơn tất cả phụ nữ châu Phi cộng lại. Mỗi ngày, phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu làm 12,5 tỷ tiếng đồng hồ cho các công việc chăm sóc không được trả lương- đóng góp ít nhất 10,8 nghìn tỷ đô la Mỹ một năm cho nền kinh tế thế giới, hơn gấp 3 lần giá trị của ngành công nghiệp kỹ thuật toàn cầu.
Chỉ thu thêm 0,5% thuế tài sản của 1% người giàu nhất thế giới trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ có đủ nguồn đầu tư cần thiết để tạo ra 117 triệu công việc chăm sóc trong giáo dục, y tế và chăm sóc người già.
Áp lực đặt lên những người chăm sóc, có lương cũng như không lương, sẽ tăng cao trong thập kỷ tới khi dân số thế giới tăng lên và già đi. Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ có 2,3 tỷ người cần được chăm sóc, tăng 200 triệu người so với năm 2015. Biến đổi khí hậu có khả năng khiến cuộc khủng hoảng chăm sóc toàn cầu đang cận kề trở nên trầm trọng hơn. Đến năm 2025, sẽ có đến 2,4 tỷ người sống ở các vùng thiếu nước, phụ nữ và trẻ em gái sẽ phải đi bộ một quãng đường xa hơn nữa để đem nước về.
Báo cáo chỉ ra rằng các chính phủ đang áp thuế quá thấp đối với những cá nhân và doanh nghiệp giàu có nhất và thất thu thuế dẫn đến việc không có đủ ngân sách giúp giảm bớt trách nhiệm chăm sóc đè nặng lên vai phụ nữ và giải quyết vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng.
Để nêu rõ mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, ông Behar đã nói về trường hợp của cô Buchu Devi, một phụ nữ Ấn Độ phải dành 16 đến 17 giờ mỗi ngày cho các việc như đi bộ 3km để lấy nước, nấu ăn, chuẩn bị cho con đi học và làm công việc được trả lương thấp.
Theo ông Behar, ở Ấn Độ có rất nhiều phụ nữ như cô Buchi Devi, và trên thế giới cũng có rất nhiều câu chuyện như vậy. Trong khi đó, diễn đàn Davos có sự tham dự của nhiều tỷ phú tham dự với máy bay cá nhân và những lối sống siêu giàu có. "Chúng ta cần thay đổi điều này", ông Behar nhấn mạnh.
CEO của Oxfam Ấn Độ Behar cho rằng, để khắc phục điều này, các chính phủ cần bảo đảm trên hết rằng người giàu phải đóng thuế. Những khoản thuế này cần được sử dụng để đầu tư vào các tiện nghi như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và trường học có chất lượng tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận