Các tỷ phú địa ốc Trung Quốc đã mất 46 tỷ USD tài sản trong năm nay, ông chủ Evergrande mất nhiều nhất
Các doanh nhân bất động sản Trung Quốc đang trải qua năm tồi tệ nhất kể từ ít nhất năm 2012...
Hồi tháng 7, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của công ty bất động sản khổng lồ China Evergrande Group cười tươi khi tham dự lễ kỷ niệm 100 ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Đối với nhiều người, việc ông Hứa được mời tới dự sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy ông vẫn có được sự hậu thuẫn của Chính phủ. Giá trái phiếu Evergrande nhờ đó nhận được một cú huých hiếm hoi.
Nhưng nếu ở thời điểm đó, có nhà đầu tư nào còn hy vọng rằng Evergrande là “quá lớn để đổ vỡ”, thì tia hy vọng như vậy giờ đã không còn. Trái phiếu và cổ phiếu Evergrande đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục, sau khi công ty này trễ hạn trả nợ và bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings quy là vỡ nợ.
CÁC CÔNG TY BẤT ĐỘNG SẢN LAO ĐAO VÌ CHIẾN LƯỢC MẠNH TAY CỦA CHÍNH PHỦ
Các doanh nhân bất động sản Trung Quốc đang trải qua năm tồi tệ nhất kể từ ít nhất năm 2012. Năm nay, Chính phủ nước này triển khai một chiến dịch mạnh tay nhằm kiểm soát hoạt động vay nợ của doanh nghiệp địa ốc. Ngoài ra, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu “thịnh vượng chung” về phân bố lại tài sản trong xã hội, thu hẹp chênh lệch giàu nghèo cũng là một nguyên nhân khiến các ông chủ kinh doanh nhà đất gặp khó.
Theo dữ liệu của xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, các tỷ phú bất động sản Trung Quốc trong danh sách này đã mất tổng cộng 46 tỷ USD tài sản ròng trong năm nay. Trong đó, người mất nhiều nhất chính là ông Hứa, với mức thiệt hại 17,2 tỷ USD. Với cú sụt tài sản này, ông Hứa thuộc top những tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới trong năm 2021.
“Ngành bất động sản ở Trung Quốc đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong vòng 2 thập kỷ qua nhờ mức độ sử dụng đòn bẩy lớn. Tăng trưởng đó mang lại sự gia tăng tài sản mạnh mẽ ở nước này”, giáo sư Terence Chong thuộc Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nhận định. “Thời gian tới, ngành này chắc chắn sẽ giảm tốc vì dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng được siết lại. Trung Quốc đang chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế, và bất động sản sẽ giảm bớt vai trò trong nền kinh tế nước này trong tương lai”.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực bình ổn nền kinh tế mà trong đó ngành bất động sản đóng góp khoảng 1/4 tổng sản lượng hàng năm. Năm ngoái, nước này đưa ra quy định mới về tài chính nhằm ngăn sự hình thành của bong bóng bất động sản.
Việc siết nguồn vốn khiến các công ty địa ốc Trung Quốc gặp khó khăn sau nhiều năm dựa vào vay nợ để tăng trưởng. Kể từ đó, giá nhà ở Trung Quốc đã sụt giảm, và các ngân hàng càng ngại cho các công ty địa ốc vay vốn hơn, nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn với các doanh nghiệp địa ốc.
Kết quả là khoảng 15 công ty bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu trong năm 2021 và các ông chủ trong ngành địa ốc nước này đã phải rút ít nhất 3,8 tỷ USD tiền túi để trả nợ cho công ty. Người mua nhà tại nhiều dự án cũng “khóc dở mếu dở” vì không biết bao giờ căn nhà mà họ đã trả một phần tiền mới hoàn tất.
KHỦNG HOẢNG NỢ BAO GIỜ SẼ KẾT THÚC?
Cuộc khủng hoảng đã cuốn trôi một phần tài sản của những người đã giàu lên trong những năm phát triển bùng nổ của thị trường địa ốc Trung Quốc. Và ông Hứa đã trở thành nhân vật điển hình cho sự mất mát tài sản của các doanh nhân bất động sản nước này.
Từng là người giàu nhất châu Á với 42 tỷ USD tài sản ròng, ông Hứa giờ chỉ còn 6,1 tỷ USD do giá cổ phiếu Evergrande lao dốc chóng mặt và nhà chức trách yêu cầu ông dùng tiền túi để trả cho nhà đầu tư của Evergrande. Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương nói vấn đề Evergrande phải do thị trường quyết định – một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không ra tay giải cứu công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản không chỉ gói gọn ở Evergrande mà còn loang sang các công ty bất động sản khác vốn được cho là có tình hình tài chính tốt hơn, điển hình là Shimao Group Holdings Ltd.
Giá trái phiếu và cổ phiếu của Shimao cùng giảm chóng mặt trong tuần này do nhà đầu tư lo ngại công ty cạn tiền, trong khi một vụ mua bán giữa hai công ty con của Shimao làm dấy lên những lo ngại về tình hình quản trị doanh nghiệp. Khối tài sản ròng của tỷ phú Hui Wing Mau, người đã lập nên Shimao vào cuối những năm 1980, cũng giảm hơn một nửa trong năm nay, “bốc hơi” 5,2 tỷ USD còn 4,4 tỷ USD.
Một số doanh nhân bất động sản Trung Quốc thậm chí còn không giữ được địa vị tỷ phú. Tài sản của anh em nhà Kwok, những người đứng sau Kaisa Group Holdings – một công ty địa ốc khác bị vỡ nợ - đã giảm khoảng 90% trong năm nay, còn 160 triệu USD. Chủ tịch Zhang Yuanlin của Sinic Holdings Group chứng kiến cổ phần của ông trong công ty này “bốc hơi” 75% chỉ trong vòng có 1 ngày.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang nhân đôi nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế và ngăn sự sụt giảm quá mạnh của thị trường bất động sản. Trong tháng này, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại và giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tăng cường kích cầu bằng chính sách tài khoá trong năm tới.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới các cuộc tái cơ cấu nhiều thách thức đối với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này. “Rất khó để có thể đoán trước bao giờ thì cuộc khủng hoảng này mới dịu đi”, giáo sư Angela Zhang thuộc Đại học Hồng Kông nhận xét.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận