Các tranh luận về thao túng tiền tệ
Ngày 16-12-2020, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo, trong đó Thụy Sĩ và Việt Nam chính thức bị cáo buộc là thao túng tiền tệ. Đã có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu quốc tế cũng như trong nước cho rằng các tiêu chí để đưa đến cáo buộc này mang tính áp đặt và thiếu cơ sở khoa học. Bài viết này sẽ làm rõ các tranh luận về thao túng tiền tệ.
Các tranh luận về thao túng tiền tệ
Theo Bergsten (2015), thao túng tiền tệ là một chính sách được các chính phủ và ngân hàng trung ương của một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sử dụng để cố ý hạ giá trị đồng tiền của họ một cách giả tạo (thường thông qua việc mua ngoại tệ với quy mô lớn và kéo dài), từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Theo điều IV trong các điều khoản thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)(1) năm 1978, các nước thành viên IMF sẽ “tránh thao túng tỷ giá hối đoái hoặc hệ thống tiền tệ quốc tế để ngăn chặn hiệu quả hành vi điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các thành viên khác”.
Tuy nhiên, theo Sumner (2020), không có bất kỳ định nghĩa rõ ràng nào trong kinh tế học về cụm từ “lợi thế cạnh tranh không công bằng”. Vấn đề này liên quan đến mối liên hệ giữa tài khoản vãng lai và mức chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm; sự khác biệt giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực; cũng như sự khác biệt giữa tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Chính vì thế, thao túng tiền tệ tập trung vào tỷ giá hối đoái thực, và tỷ giá hối đoái thực cũng có thể bị tác động bởi cầu đầu tư hoặc cung tiết kiệm hoặc cả hai yếu tố này:
Tài khoản vãng lai = tiết kiệm trong nước - đầu tư trong nước
Như vậy, mọi chính sách tác động đến một trong hai biến trên (tiết kiệm hoặc đầu tư trong nước) đều có tác động đến tỷ giá hối đoái và tài khoản vãng lai. Trên thực tế, các quốc gia hầu như không bao giờ cố gắng giảm đầu tư trong nước để tăng thặng dư tài khoản vãng lai.
Thay vào đó, họ thường tập trung vào các chính sách khuyến khích tiết kiệm trong nước thông qua thắt chặt tài khóa. Một số chính sách nhận được nhiều sự ủng hộ như cải cách thuế để khuyến khích tiết kiệm tư nhân và tiết kiệm của chính phủ thông qua Quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund).
Khó có thể phân định vấn đề thao túng tiền tệ hay thao túng tiết kiệm như Sumner (2020) đề cập.
Ngay cả trong trường hợp các quốc gia đạt được thỏa thuận quốc tế để cấm can thiệp ngoại hối (dù điều này khó xảy ra), thì các quốc gia vẫn có thể gia tăng tiết kiệm theo nhiều cách khác nhau từ đó đạt được thặng dư tài khoản vãng lai.
Chính sách tiền tệ cũng có thể tác động đến tỷ giá hối đoái. Chẳng hạn, chính sách tiền tệ mở rộng có thể làm giảm giá trị đồng nội tệ hay tỷ giá hối đoái, và chính sách này có thể bị cáo buộc là thao túng tiền tệ.
Dù vẫn còn nhiều tranh luận, nhưng chính sách mua ngoại hối được coi là một phương pháp “không công bằng” nhằm làm giảm giá trị đồng tiền của một quốc gia.
Chẳng hạn, trong thời kỳ đại suy thoái, các quốc gia từ bỏ chế độ bản vị vàng và phá giá đồng tiền của họ, cuối cùng các quốc gia này bị cáo buộc áp dụng chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” (Beggar-Thy-Neighbor)(2), chính sách này được xem là đã đánh cắp việc làm từ các đối tác thương mại khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách tiền tệ mở rộng không có xu hướng làm tăng tiết kiệm trong nước hoặc tăng tài khoản vãng lai. Điều này là do tác động thay thế của một đồng tiền yếu hơn được bù đắp gần như hoàn toàn bởi hiệu ứng gia tăng thu nhập trong nước, kéo theo đó là gia tăng nhập khẩu. Ví dụ điển hình của trường hợp này là nước Mỹ trong hai năm 1933 và 1971, khi đô la Mỹ bị mất giá so với vàng.
Trong hai lần thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng đã dẫn đến GDP tăng trưởng nhanh chóng, nhập khẩu tăng, nhưng tài khoản vãng lai của Mỹ không tăng (Sumner, 2015). Trong khi chính sách tiền tệ mở rộng chỉ có xu hướng làm giảm tỷ giá hối đoái danh nghĩa, trong dài hạn giá cả trong nước sẽ điều chỉnh để ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi nào của tỷ giá hối đoái thực.
Điều này thể hiện “tính trung lập của tiền tệ”. Điều này giải thích vì sao các quốc gia có đồng nội tệ mất giá nhanh chóng như Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Zimbabwe lại không có bất kỳ sự cải thiện nào trong tài khoản vãng lai của họ.
Liên quan đến tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực, tỷ giá hối đoái danh nghĩa được thể hiện trên các thị trường giao dịch ngoái hối hoặc trên các tin tức tài chính, nhưng tỷ giá hối đoái thực mới là tỷ giá có liên quan mật thiết đến tài khoản vãng lai, và là một trong những yếu tố chính để Mỹ cáo buộc một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không.
Sự khác biệt giữa hai loại tỷ giá này liên quan đến khái niệm ngang giá sức mua (purchasing power parity). Mức chênh lệch của sức mua phản ánh những thay đổi trong tỷ giá hối đoái thực (RER), là tỷ giá danh nghĩa nhân với tỷ lệ mức giá trong nước (Pd) và mức giá nước ngoài (Pf).
RER = NER x (Pd/Pf)
Sự khác biệt này đặc biệt quan trọng ở các quốc gia có lạm phát cao, chẳng hạn như các nước Nam Mỹ. Theo đó, đồng nội tệ thường mất giá mạnh là do lạm phát cao. Bởi vì tỷ giá thực thay đổi rất ít, sự sụt giảm mạnh giá trị (danh nghĩa) của đồng tiền khiến các nước này mất đi lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, các quốc gia này không có thặng dư tài khoản vãng lai lớn, do đó Mỹ không xem các quốc gia này có hành vi thao túng tiền tệ.
Trường hợp của Đức và Nhật Bản
Đức là quốc gia từng bị Mỹ cáo buộc là thao túng tiền tệ. Mặc dù thực tế là Đức không thể kiểm soát tỷ giá danh nghĩa đối với euro, nhưng nó có thể giảm tỷ giá hối đoái thực bằng chính sách khuyến khích tiết kiệm. Trong những năm gần đây, Đức thặng dư ngân sách, điều này gia tăng tiết kiệm trong nước.
Đức có thể làm giảm tỷ giá hối đoái thực bằng cách giảm tỷ lệ lạm phát và làm cho các công ty của Đức có sức cạnh tranh hơn. Một trong những động lực cho sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu là để ngăn chặn các chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” trong Liên minh châu Âu (EU).
Với việc dỡ bỏ tất cả rào cản thương mại, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng ngăn chặn một thành viên trong EU đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc giảm giá trị tiền tệ. Tuy nhiên, nó không thực sự hiệu quả, trong khi tất cả tỷ giá hối đoái danh nghĩa trong khu vực EU là cố định, tỷ giá hối đoái thực có thể thay đổi do mức giá thay đổi.
Sự phân biệt giữa tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực sẽ giải thích rõ hơn những tranh cãi về thặng dư tài khoản vãng lai ở các quốc gia. Chẳng hạn, vào đầu những năm 2000, Nhật Bản đã trải qua gần một thập kỷ giảm phát. Một số nhà kinh tế vĩ mô của phương Tây cho rằng Nhật Bản nên giảm giá đồng tiền của mình để tăng mức giá trong nước.
Cùng lúc đó, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng yen Nhật quá yếu dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản. Thực tế là cả hai quan điểm trên đều đúng vì chúng tập trung vào hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong khi các nhà kinh tế học vĩ mô lập luận rằng tỷ giá danh nghĩa của yen Nhật quá mạnh và trong trường hợp đồng yen yếu hơn sẽ thúc đẩy mức giá ở Nhật Bản tăng lên. Trái lại, Bộ Tài chính Mỹ đã lo lắng về tỷ giá hối đoái thực đang suy yếu của yen Nhật có thể làm tăng số dư tài khoản vãng lai (Taylor, 2010).
Tóm lại, khó có thể phân định vấn đề thao túng tiền tệ hay thao túng tiết kiệm như Sumner (2020) đề cập. Ngay cả trong trường hợp các quốc gia đạt được thỏa thuận quốc tế để cấm can thiệp ngoại hối (dù điều này khó xảy ra), thì các quốc gia vẫn có thể gia tăng tiết kiệm theo nhiều cách khác nhau từ đó đạt được thặng dư tài khoản vãng lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận