Các tỉnh miền Trung tìm cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại với Ấn Độ
Chiều 10/5, tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra hội thảo “Cơ hội thúc đẩy thương mại giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam với Ấn Độ năm 2022”.
Tìm kiếm cơ hội
Hội thảo do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu. Ngoài tỉnh Khánh Hòa còn có sự tham gia của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong lĩnh vực thương mại hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn nhất 4 trong ASEAN sau Singapore, Indonesia và Malaysia.
Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu. Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, thương mại song phương đã tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 10 tỷ USD và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ USD.
Với những điều kiện thuận lợi và lợi thế của một số tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) nằm ở vị trí cận giáp biển, các tỉnh đều có đường bờ biển chạy dọc ở phía Đông. Địa hình ở đây chủ yếu là đồng bằng ven biển và núi thấp, nhiều đoạn biển cắt sâu vào đất liền tạo thành nhiều cảng nước lớn như cảng Quy Nhơn - tỉnh Bình Định; cảng Vũng Rô - tỉnh Phú Yên; cảng Vân Phong, cảng Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa.
Các tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt tài nguyên biển có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với sản lượng lớn.
“Hội thảo là sự kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa một số tỉnh miền Trung và Ấn Độ, nhằm mục tiêu tăng cường các hoạt động liên kết các đơn vị xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trao đổi thông tin, hợp tác tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, xúc tiến thương mại phát triển các sản phẩm đặc trưng phát huy thế mạnh của một số tỉnh miền Trung và Ấn Độ” – ông Thiệu nói.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh cho rằng đây là sự kiện rất ý nghĩa trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các bên. Các sản phẩm của Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng và ngược lại hàng hóa Việt Nam ở Ấn Độ cũng ngày một nhiều hơn.
Với thế mạnh của các tỉnh miền Trung, cộng với dân số trẻ - dân số vàng, đây là cơ hội để hai bên tìm kiếm các cơ hội hợp tác không chỉ ở lĩnh vực thủy hải sản, nông nghiệp mà còn trong các lĩnh vực khác.
Ông Madan Mohan Sethi hy vọng, với sự giới thiệu của hai bên một cách chi tiết, có phân tích chiều sâu về các thông tin xúc tiến thương mại thì trong tương lai hai bên sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác. Ông cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp ở hai nước trong các lĩnh vực, ngành nghề có thể hợp tác.
Tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết theo số liệu thống kê, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn đạt 13,2 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 4 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
“Với những dấu hiệu tích cực từ số liệu nói trên, tôi hy vọng 2 nước sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD như đã đặt ra” – bà An nói.
Ngoài giới thiệu về vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nước ngoài, bà An cũng đã giới thiệu một số chương trình xúc tiến thương mại trong thời gian tới để các đơn vị, doanh nghiệp Ấn Độ biết và tìm cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Tại hội thảo, các đại biểu của Ấn Độ thông qua kết nối trực tuyến đã giới thiệu về ngành chế biến thủy sản, nông sản của Ấn Độ; thị trường xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ. Đây là hai ngành có các sản phẩm xuất khẩu lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước này.
Các đại biểu cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sự kiện để có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của hai bên, tạo sự kết nối các giữa các đơn vị mua và bán, tăng thêm giá trị của hàng hóa xuất khẩu.
Tiềm năng phát triển
Đại diện Sở Công Thương của các tỉnh miền Trung đã giới thiệu về thị trường xuất – nhập khẩu của các địa phương và cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ. Theo đó, các con số xuất khẩu của nông sản, thủy sản của các tỉnh đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do dịch bệnh Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu, nhiều đơn hàng không xuất khẩu được.
Vì vậy, các đơn vị ở Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hợp tác với Ấn Độ để tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu còn được tìm hiểu về tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển thương mại với các bang của Ấn Độ. Hai bên cũng đã đưa ra các vấn đề, câu hỏi liên quan về chính sách, cơ chế cũng như điều kiện để hợp tác, phát triển các mặt hàng thủy hải sản, nông nghiệp… Đại diện cơ quan liên quan của 2 nước cũng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu.
Tình hình xuất nhập khẩu của Khánh Hòa sang thị trường Ấn Độ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (KNXKHH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sang thị trường Ấn Độ trong 3 năm từ 2019 - 2021 đạt 5,06 triệu USD. Riêng năm 2021 là 1,05 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,08% so với KNXKHH toàn tỉnh năm 2021. Quý 1 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với thị trường này đạt 70 ngàn USD.
Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ trong 3 năm từ 2019 - 2021 đạt 35,4 triệu USD. Riêng năm 2021 là 13,7 triệu USD, tăng 30,7% so với năm 2020. Quý 1 năm 2022 kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 2,9 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là cà phê, sản phẩm dệt may, thủy sản... Riêng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Ấn Độ trong 3 năm từ 2019 – 2021 đạt 643 ngàn USD, chiếm tỷ trọng khoảng 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ như nguyên liệu thủy sản, thức ăn gia súc, hóa chất, máy móc thiết bị, vải, nguyên phụ liệu dược phẩm. Riêng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng khoảng 78% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ và chiếm 3% trong kim ngạch nhập khẩu hàng thủy sản của tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận