Các tỉnh miền Tây muốn giữ chân lao động hồi hương
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làn sóng hơn 300.000 “Người Miền Tây” đã trở về Miền Tây. Trong đó có hàng trăm người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc làm ổn định tại quê nhà, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tại khu vực giải bài toán thiếu lao động sau dịch COVID-19.
Sẽ có nhiều cuộc “ráp mối” giới thiệu việc làm quy mô lớn
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, để nâng công suất sản xuất sau dịch COVID-19, tập đoàn có nhu cầu tuyển dụng 5.000 công nhân làm việc tại nhà máy Minh Phú Hậu Giang và 3.000 công nhân làm việc tại nhà máy Minh Phú Cà Mau. Đối tượng lao động được xét ưu tiên tuyển dụng trong đợt này là lao động có tay nghề, đã từng làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản tại TP. HCM và các tỉnh Miền Đông vừa trở về quê hương và đã thực hiện xong cách ly.
Tuy nhiên, theo ông Quang để tuyển được lao động vừa hồi hương thì rất cần việc ráp mối giới thiệu của các Trung tâm giới thiệu việc làm từ các địa phương, vì doanh nghiệp không thể nắm được thông tin về người lao động để tuyển dụng.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex cho biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 200 công nhân, với chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng đã thông báo nhiều ngày vẫn chưa tuyển được đủ số lượng lao động đang cần.
Không riêng gì hai doanh nghiệp nêu trên mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng chục ngàn lao động nhưng vẫn chưa tuyển dụng được. Theo tổng hợp chỉ của 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, nhu cầu của doanh nghiệp đang cần khoảng 45.000 lao động nhưng chưa tuyển dụng được.
Trong khi đó theo số liệu tổng hợp từ các địa phương trong vùng ĐBSCL chỉ trong nửa đầu tháng 10 đã có trên 350.000 người dân tự phát trở về quê, trong đó có đến hàng trăm ngàn người đang trong độ tuổi lao động. Và như vậy nguồn lao động rất dồi dào, nhu cầu việc làm cũng rất lớn, nhưng trên thực tế thì “Cung và Cầu” lao động vẫn chưa gặp được nhau.
Để giải quyết những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, cho biết vào ngày 29/10, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ cùng TP. HCM và tỉnh Bình Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL (đợt 1). Phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL sẽ được tổ chức bằng cả 2 hình thức là trực tiếp (tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm của 15 đơn vị tỉnh, thành phố) và trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ Zoom Meeting.
“Đây là hoạt động do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ khởi xướng, nhằm góp phần giải quyết bài toán việc làm hậu COVID-19. Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến đợt này có 101 doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng khoảng 23.000 lao động thuộc nhiều nhóm ngành nghề”, ông Toàn cho hay.
Những giải pháp căn cơ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ĐBSCL có hơn 10 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 18% tổng số lao động của cả nước. Trong đó có 50% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 17% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, 33% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên, theo đánh giá nêu tại báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện, cho biết do sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp, trong khi sản xuất công nghiệp chưa phát triển; ĐBSCL cũng là “vùng trũng” về đô thị hóa, lao động của khu vực này trong thời gian qua đã có sự chuyển dịch mạnh đến vùng khác, kể cả xuất khẩu lao động.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở quốc gia, dân số vùng ĐBSCL vào ngày 01/04/2019 là 17,3 triệu người, chỉ tăng khoảng 100.000 người so với 10 năm trước đó. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong Vùng. Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang ngày một giãn ra.
Để khắc phục tình trạng di dân cơ học cao có thể gây quá tải dân số cục bộ cho địa phương đến và bất ổn trong an sinh xã hội mà bài học mới đây là làn sóng di dân ào ạt trở về quê do ảnh hưởng khó khăn bởi COVID-19, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị cần cải thiện các tác nhân đầu vào trong đó quan trọng nhất là chính sách tạo động lực nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo để hấp dẫn nhân tài lựa chọn đây là nơi khởi nghiệp và phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận