Các thương hiệu lớn ở Thái Lan đối mặt làn sóng tẩy chay
Theo Nikkei Asian Reviews, những người biểu tình thuộc nhóm tự do ở Thái Lan đã biến sức mạnh chi tiêu thành vũ khí, buộc các thương hiệu lớn phải lắng nghe và thay đổi.
"Tôi đã xóa ứng dụng Foodpanda khỏi điện thoại nhiều tuần rồi", cô Praew Sreechumpol nói với Nikkei Asian Review.
Cô Praew là một trong số khoảng 20.000 người biểu tình đã tập trung tại đài tưởng niệm Dân chủ ở trung tâm hành chính của Bangkok hôm 16/8. Những người biểu tình kêu gọi chính phủ thành lập soạn thảo hiến pháp mới dựa trên ý nguyện của người dân, ngừng sách nhiễu những người phản đối chính phủ, giải tán quốc hội và chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Cô gái 24 tuổi cho biết các chiến dịch quảng cáo của nhà điều hành ứng dụng giao thức ăn trực tuyến khiến cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng sử dụng ứng dụng. Foodpanda là một trong khoảng 25 nhà tài trợ của Nation TV - một cơ quan ngôn luận phe bảo hoàng (ủng hộ Hoàng gia Thái Lan).
Nỗi ác cảm của những người biểu tình đối với cơ quan này đã bùng lên khi một trong số các phóng viên của họ bị bắt gặp sử dụng tên đơn vị khác để phỏng vấn người tham gia biểu tình hôm 16/8. Nhóm biểu tình kêu gọi mọi người tẩy chay Nation TV cũng như các nhà tài trợ của họ.
Trong một tuyên bố ngày 22/8, Foodpanda cho biết sẽ tạm ngưng tất cả quảng cáo trên Nation TV. Tuy nhiên, những người biểu tình đã hành động từ trước đó.
"Việc xóa Foodpanda chẳng mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Tôi vẫn có thể đặt đồ ăn thông qua những dịch vụ khác", cô Praew nói.
Nhờ xu hướng làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch, thị trường giao đồ ăn của Thái Lan trở thành cuộc đua khốc liệt. Grab và Gojek đối đầu trực tiếp với Foodpanda. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, vào năm 2020, ngành công nghiệp này dự kiến tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Phản ứng nhanh chóng của Foodpanda cho thấy mức độ thiệt hại mà cuộc tẩy chay có thể gây ra.
Không chỉ Foodpanda, các thương hiệu như Burger King, Coffee Club and Swensen's cũng bị tẩy chay. Tất cả đều thuộc tập đoàn khách sạn Minor International. Tập đoàn tuyên bố sẽ xem xét lại phương tiện truyền thông. Trong khi đó, công ty bảo hiểm Muang Thai Life cũng ngừng quảng cáo trên Nation TV.
Trả lời Reuters, Shine Bunnag, Chủ tịch Nation Multimedia Group, nhận định cuộc tẩy chay là "cuộc bắt nạt tập thể từ một nhóm côn đồ bàn phím".
Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức ủng hộ dân chủ thông qua sức mạnh chi tiêu đã trở thành một xu hướng ở châu Á. Làn sóng tẩy chay bộ phim chuyển thể Hoa Mộc Lan của Disney nổi lên từ tháng 8/2019, khi diễn viên chính Lưu Diệc Phi lên tiếng ủng hộ cảnh sát Hong Kong bất chấp các cáo buộc bạo lực đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Những người biểu tình từ Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan đã khởi xướng phong trào trực tuyến có tên "Liên minh trà sữa", đặt tên theo đồ uống mà cả ba cộng đồng đều thích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận