Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Các nhà đầu tư có khả năng chuyển trọng tâm sang mùa báo cáo lợi nhuận sau khi thị trường tăng điểm và giảm kỳ vọng về việc tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Áp lực tăng mạnh lãi suất của Fed
Cổ phiếu có nhiều biến động trong tuần qua. Ba chỉ số chính đã công bố mức tăng mạnh vào 16/7 sau khi mối lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng này đã giảm bớt.
Mức tăng bất ngờ 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái của lạm phát tiêu dùng trong tháng 6 được công bố trong tuần qua đã thúc đẩy suy đoán rằng Fed sẽ sẵn sàng chiến đấu với giá cả tăng cao bằng cách tăng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, mức tăng bất ngờ 1% trong doanh số bán lẻ tháng 6 và một số dữ liệu tốt hơn về kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã đảo ngược những kỳ vọng đó trên thị trường tương lai.
“Đó thực sự là một nghiên cứu tuyệt vời về tâm lý đám đông. Chúng tôi đã bước vào tuần với 92% khả năng là tăng 75 điểm cơ bản trong khi trước đó có tới 82% khả năng là 100 điểm cơ bản”, Art Hogan, chiến lược gia thị trường trưởng tại National Securities cho biết.
Vào 16/7, các chiến lược gia cho biết chỉ có khoảng 20% cơ hội cho một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Mùa báo cáo lợi nhuận
Trong tuần này, thông tin về kết quả kinh doanh quý 2/2022 của các doanh nghiệp có thể gây chú ý khi hàng loạt các công ty lớn ra báo cáo. Trong đó, Bank of America, Goldman Sachs, JPMorgan, Johnson & Johnson, Netflix, Tesla và United Airlines, American Express, Verizon… sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này.
“Mọi điểm dữ liệu đều quan trọng và cả những gì các công ty đang nói. Tuần này sẽ là một bức tranh rộng hơn nhiều về báo cáo lợi nhuận và nền kinh tế. Nếu có những điều chỉnh tiêu cực và lo ngại gia tăng từ các ước tính, tôi nghĩ khi đó bạn sẽ thấy câu hỏi là Fed sẽ giải thích điều đó như thế nào”, Quincy Krosby, chiến lược gia cổ phiếu trưởng tại LPL Financial cho biết.
Những điều rõ ràng cần theo dõi là cách các doanh nghiệp đối phó với lạm phát, liệu họ có thấy hoạt động kinh tế chậm lại hay không, và liệu quý này sẽ chứng kiến những nỗ lực để gánh một số khoản phí hoặc tổn thất nhất định, hay chỉ giảm kỳ vọng dựa trên sự cảnh giác chung của thị trường.
Các chiến lược gia đã kỳ vọng mùa báo cáo quý 2/2022 sẽ không đạt kỳ vọng và điều chỉnh đi xuống trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối phó với lạm phát, các vấn đề về chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu nhân viên và hiện tại là nền kinh tế chậm lại.
Giá dầu
Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ả Rập Xê Út vào tuần qua và gặp gỡ Thái tử Mohamed Bin Salman, xu hướng giá dầu tiếp tục trở thành tâm điểm.
Các quan chức Ả Rập Xê Út đã nhấn mạnh bất kỳ quyết định bơm thêm dầu nào sẽ được thực hiện trong khuôn khổ OPEC+ và nhóm sẽ có cuộc họp ra quyết định tiếp theo vào ngày 3/8.
“Chúng tôi lắng nghe các đối tác và bạn bè của chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia tiêu dùng. OPEC+ sẽ theo dõi tình hình thị trường và sẽ cung cấp năng lượng khi cần thiết”, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan cho biết.
Giá dầu thô WTI đã giảm gần 20% trong năm tuần qua trùng hợp thời điểm Tổng thống Biden gia tăng quan điểm về vai trò của các công ty dầu mỏ và nhà sản xuất dầu trong lạm phát, mặc dù điều quan trọng hơn là do lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Giá dầu thực sự đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Tổng thống, các ngân hàng trung ương và nền kinh tế rộng lớn hơn. Việc giá dầu giảm liên tục trong tuần qua và sau đó là đà giảm của giá xăng sẽ góp phần rũ bỏ áp lực lạm phát, nhưng cũng có thể báo hiệu rằng một cuộc suy thoái là đang đến và mang lại những thách thức kinh tế và chính trị của riêng nó.
Cuộc họp ECB
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào 21/7 và dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ. Nhiều dữ liệu khác sẽ được đưa ra ngay trước cuộc họp, với số liệu CPI của Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được công bố vào 19/7.
Ngoài quyết định lãi suất và cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Christine Lagarde, cuộc họp dự kiến sẽ làm sáng tỏ công cụ mới của khối để giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ không tăng quá cao.
Với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu ngày càng gia tăng, các chính sách ở khu vực đồng euro và Nhật Bản đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán đồng tiền của họ, làm phức tạp nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương khi chi phí nhập khẩu tăng cao.
Đồng euro đã giảm cho đến nay và ngang giá so với đồng đô la trong tuần trước lần đầu tiên kể từ năm 2002, trong khi đồng yên đã thiết lập mức thấp mới kéo dài từ năm 1998.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận