Các sự kiện đáng nhớ năm 2021 của thị trường chứng khoán Việt Nam
Cú hồi phục ngoạn mục của thị trường chứng khoán trong 2020 đã tạo tiền đề rất tốt cho năm 2021. Bên cạnh kỷ lục về điểm số và thanh khoản, 2021 còn chứng kiến rất nhiều câu chuyện đắng cay ngọt bùi về doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ phiếu… Cùng Vietstock nhìn lại một năm đầy cảm xúc của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nghẽn lệnh sàn HOSE và khắc phục
Trong bối cảnh thanh khoản liên tục được đẩy lên cao, câu chuyện quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch trên sàn HOSE đã diễn ra từ cuối năm 2020 kéo dài sang đầu năm 2021. Điều này sẽ gây bất tiện và thiệt hại cho không ít nhà đầu tư. Thậm chí một số mã trên sàn HOSE đã phải sang giao dịch “tạm” trên HNX. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã giao UBCKNN và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm phương án kỹ thuật, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE.
Tập đoàn Sovico và CTCP FPT đã đề xuất tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại HOSE bằng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của chính các Công ty, Tập đoàn, trong đó Sovico đóng góp nguồn lực tài chính, FPT thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên môn. Ngay sau đề xuất này, ngày 09/03, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm việc với FPT để nghiên cứu các phương án kỹ thuật, công nghệ. Bộ Tài chính đã nhất trí phương án mà FPT đề xuất do có nhiều điểm tương đồng với phương án mà Bộ Tài chính đang dự kiến thực hiện.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 3 tháng đưa vào vận hành hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày gấp 3 - 5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3 - 5 năm tới, đồng thời giúp HOSE làm chủ về công nghệ trong tương lai.
Tính đến ngày 14/10/2021, số lượng lệnh và giá trị giao dịch trung bình ngày lần lượt là 927,759 lệnh và 21,571 tỷ đồng, bằng 116.64% và 98.61% so với trung bình ngày của 3 tháng trước ngày áp dụng giải pháp. Đáng chú ý, có 45/72 phiên giao dịch có lượng lệnh vượt giới hạn 900,000 lệnh của hệ thống cũ.
Điểm số và thanh khoản cao kỷ lục
Năm 2020, thị trường chứng khoán đã chứng kiến cú hồi phục ngoạn mục khi VN-Index từ mức đáy 660 điểm vọt lên 1,100 điểm. Điều này tạo bước đệm không thể tốt hơn để thị trường vượt mốc lịch sử 1,200 lập vào hồi tháng 3/2018. Song, chứng khoán Việt năm 2021 còn làm được nhiều hơn như thế. VN-Index đã chính thức cán mốc 1,500 điểm vào phiên 25/11/2021 và chỉ số vẫn đang giữ vững xu hướng tăng cho đến 21/12/2021 (gần 1,479 điểm).
Cùng với đó là mức thanh khoản cao kỷ lục. Nếu như những vài năm trước đây, “dân chứng” chỉ dám mơ đến phiên giao dịch 1 tỷ đô, thì đến nay đã xuất hiện nhiều phiên giao dịch tận 2 tỷ USD. Thanh khoản ghi nhận bùng nổ nhất rơi vào những tháng cuối năm, với mức kỷ lục đạt gần 2.5 tỷ USD tại phiên 19/11. Yếu tố thúc đẩy thanh khoản gia tăng mạnh mẽ nằm ở chính sách tiền tệ và nhu cầu đầu tư lớn của người dân.
Làn sóng F0 ồ ạt, số lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 4 triệu
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ hai. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì thấp còn các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng… đang hạ nhiệt, chứng khoán ngày càng trở thành kênh hút dòng tiền mạnh mẽ từ người dân.
Làn sóng nhà đầu tư mới (thường gọi là các F0) tiếp tục xô đổ kỷ lục trong 2021. Riêng trong tháng 11/2021, nhà đầu tư mở mới trên 221,000 tài khoản giao dịch. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí con số này nhiều hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 (hơn 192,000 tài khoản).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có trên 4.08 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1.3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020. Như vậy, ước tính số lượng người dân tham gia đầu tư chứng khoán đã xấp xỉ mức 4% toàn dân số - một tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường cũng như mục tiêu phổ cập đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng kỷ lục
Mặc dù chứng khoán Việt Nam liên tục tăng điểm, thu hút dòng tiền đổ vào nhưng khối nhà đầu tư nước ngoài lại ghi nhận động thái bán ròng suốt 2 năm 2020-2021. Tính từ đầu năm đến ngày 21/12/2021, khối ngoại đã bán ròng 58.5 ngàn tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, gấp 3.3 lần so với trong năm 2020.
Theo một số chuyên gia nhận định, khối ngoại có chiến lược, góc nhìn và vị thế riêng. Khi chứng khoán Việt Nam tăng quá nhanh thì việc họ chốt lời các khoản đầu tư đạt đủ kỳ vọng cũng hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, hiện một số nước lại đang có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất; đặc biệt là Mỹ khi nước này đang giảm quy mô chương trình mua lại tài sản. Do đó, một phần dòng vốn ngoại có xu hướng bán ròng trong ngắn hạn.
Còn trong dài hạn, bức tranh sẽ hoàn toàn khác khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng. Nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng nhanh trong dài hạn và những cơ hội tìm kiếm lợi nhuận còn hiện hữu.
Nếu quan sát kỹ trong thời gian qua, khi thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh thì khối ngoại vẫn mua ròng trong những phiên đó. Điều này chứng tỏ dòng vốn ngoại vẫn được duy trì trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán không còn nhiều như trước nên khối này mới không giải ngân mạnh ở thời điểm hiện tại. Về dự báo, nếu Việt Nam thăng hạng thị trường thì khả năng cao khối ngoại sẽ phải có những động thái “xuống tiền” trở lại.
Công cuộc giải cứu Vietnam Airlines
Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) chứng kiến việc làm ăn bị ảnh hưởng nặng nề và kéo theo đó là tình hình tài chính xấu đi thấy rõ. Lâm vào thế khó, hãng hàng không quốc gia buộc phải thực hiện tái cơ cấu để bổ sung nguồn vốn, đồng thời tinh gọn bộ máy hoạt động.
Trong giai đoạn 2021-2025, HVN dự kiến tái cơ cấu nguồn vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Đây không phải là lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines thu về hơn 7,961 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông. Cũng nhờ đó, HVN thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu tại cuối quý 3/2021.
Bên cạnh việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, HVN cũng dự kiến huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, vay tín dụng ngân hàng trong nước, đồng thời xem xét chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số tài sản trong danh mục đầu tư. Nhờ đó, HVN vừa có thêm vốn, vừa có một bộ máy tinh gọn hơn với lĩnh vực kinh doanh chính xoay quanh mảng vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành. Về phần các khoản nợ vay dài hạn hiện nay, Công ty sẽ tái cơ cấu theo hướng giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau để giảm áp lực trả nợ ngắn hạn.
Mặt khác, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ giao dịch vào phiên từ ngày 03/11. Tuy nhiên, HOSE đã cho phép cổ phiếu này giao dịch toàn thời gian trở lại từ ngày 05/11.
Lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị khởi tố
Suốt nhiều năm gần đây, chưa có năm nào mà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp trên sàn lại bị khởi tố nhiều như vậy.
Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Loan, đồng Chủ tịch HĐQT tại Vimedimex (VMD) và Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS). Cụ thể, ngày 09/11, bà Nguyễn Thị Loan bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh. Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên bị can Loan đã thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực.
Cũng trong tháng 11, hai lãnh đạo Thuduc House (HOSE: TDH) là ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) và ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Phó Tổng Giám đốc) bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới nhất, ngày 07/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí”. Cơ quan điều tra bước đầu xác định ông Trung đã có hàng loạt sai phạm trong việc quản lý 7 công sản trên địa bàn Thành phố. Ngay trong ngày 07/12, HĐQT NDN đã bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Minh Khoa vào vị trí Tổng Giám đốc thay ông Trung.
Thành lập Sở Chứng khoán Việt Nam (VNX)
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2021. Và VNX đã chính thức ra mắt vào ngày 11/12/2021.
Như vậy, VNX đã hoàn tất việc sắp xếp và cấu trúc hai Sở con trở thành các công ty con. Trong cùng thời điểm đó, VNX cũng đã tiến hành hoàn thiện và sắp xếp bộ máy, thành lập các ban, cũng như xây dựng quy chế nội bộ để triển khai hoạt động.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX cho biết, về trung hạn, VNX cũng đã chỉ đạo HOSE và HNX xây dựng kế hoạch 3 năm, sau đó, VNX cũng sẽ xây dựng kế hoạch trung hạn và chiến lược phát triển dài hạn, tiệm cận hơn theo các chiến lược phát triển của các Tập đoàn Sở trên quốc tế.
Theo đó, VNX sẽ xây dựng chiến lược phát triển dài hạn theo hướng chuyên nghiệp hóa theo sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, start up,…) nhằm phân loại sản phẩm, dịch vụ theo từng khu vực thị trường và đối tượng phục vụ nhà đầu tư chuyên biệt. Việc chuyên nghiệp hóa về sản phẩm sẽ được xây dựng dựa trên triết lý “lấy khách hàng là trung tâm”. Cụ thể là, đối với các sản phẩm cung cấp cho công chúng đầu tư thì sẽ nội hàm công tác quản lý sẽ tập trung vào các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết; còn đối với những sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì nội hàm quản lý sẽ trực tiếp tập trung vào nhà đầu tư.
Hiện tượng cổ phiếu họ “Louis”
Kể từ tháng 8, cổ phiếu "họ Louis" trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán với đà tăng phi mã. Hiện tượng các cổ phiếu có liên quan nhóm Louis đồng loạt tăng kịch trần khiến giới đầu tư “tròn mắt”.
Nhóm này gồm các cổ phiếu có liên quan đến Louis Holdings của doanh nhân 8x Đỗ Thành Nhân, gồm các cổ phiếu TGG của Louis Capital; BII của Louis Land; SMT của Sametel; DDV của DAP – VINACHEM; APG của chứng khoán APG; AGM của Xuất nhập khẩu An Giang.
“Công thức” cổ phiếu tăng mạnh sau khi doanh nghiệp "họ Louis" thực hiện M&A, mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn được nhân rộng. Điều này dễ nhận thấy khi mỗi khi thị trường đón nhận thông tin Louis Capital hay Louis Land ngỏ ý mua cổ phần, ngay lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu đó bất ngờ tăng nóng.
Sau giai đoạn leo dốc, nhiều cổ phiếu “họ Louis” cũng có pha sụt giảm chóng mặt, điển hình như TGG, SMT, APG, BII, DDV. Với đà tăng sốc giảm sâu của nhóm cổ phiếu này, có nhiều nhà đầu tư đã lãi to nhờ nương theo đúng sóng, song cũng không ít người phải ôm hận khi mua vào sai thời điểm.
Gần đây, Louis Capital lại chủ trương đầu tư vào một doanh nghiệp mới là Dược phẩm Lâm Đồng (HNX: LDP). Việc thay đổi chủ sở hữu và thay đổi nhân sự cấp cao thời gian gần đây đã khiến giới đầu tư đồn đoán phía Louis sẽ nắm quyền chi phối tại đây. Dường như ảnh hưởng bởi thông tin này, cổ phiếu LDP đã có pha tăng tốc “thần sầu” với 11 phiên trần liên tiếp (23/11-07/12).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận