Các siêu thị Lotte, Co.opmart, Satra... giảm doanh thu 50% vì COVID-19
Sức mua chậm do tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn giảm mạnh doanh thu, có thời điểm lên tới 50%.
Báo cáo của Bộ Công thương đánh giá về tác động, thiệt hại với doanh nghiệp bán lẻ gửi tới Chính phủ cho biết một số doanh nghiệp phân phối, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống, so với tháng 01, 02 năm 2019 doanh số bán hàng có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn.
Trong khi nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch thì các nhóm hàng hóa khác lại giảm. Như vậy hoạt động kinh doanh trong quý I đều giảm so với cùng kỳ.
Đơn cử như chuỗi Lotte Mart doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1-2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019; Aeon Việt Nam cũng có doanh thu tháng 1-2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra.
Với Saigon Co.op đơn vị vận hành chuỗi Co-opmart, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, Doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỉ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, và giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài;
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) có doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Với các doanh nghiệp kinh doanh khí gas LPG, sản lượng cũng sụt giảm từ 40% đến 50% do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt.
Số lượng lao động trong ngành phân phối LPG bị ảnh hưởng lớn do sản lượng kinh doanh giảm. Ước tính khoảng 30.000 lao động tham gia trực tiếp bán lẻ LPG, 2.500 lao động làm việc trực tiếp tại trạm nạp, trạm cấp và các lao động trực tiếp vào hoạt động dịch vụ như vận tải, bảo dưỡng, bảo trì...
Tiêu thụ xăng dầu cũng giảm mạnh, tồn kho của các doanh nghiệp đang ở mức cao. Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30% so với trước.
Lượng tồn kho xăng dầu này ngoài việc làm phát sinh chi phí lưu kho còn gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm thời gian vừa qua
Bộ Công thương cho rằng, dịch bệnh kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp phân phối khi doanh thu bán hàng giảm trong khi chi phí doanh nghiệp khó giảm vì vẫn phải duy trì bộ máy và đảm bảo dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
Theo đó, dự báo một số doanh nghiệp phân phối có thể phải dừng hoạt động hoặc giảm quy mô. Người lao động sẽ phải giảm giờ làm, hoặc không có việc làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận