Các sàn thương mại cấm bán quả địa cầu, bản đồ sau vụ việc phát hiện “đường lưỡi bò” phi pháp
Hầu hết các sàn thương mại điện tử đã đưa các sản phẩm “bản đồ”, “quả địa cầu” vào danh sách cấm bán trên sàn để hạn chế tối đa việc bán sản phẩm có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò" phi pháp.
Trao đổi bên lề Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” diễn ra ngày 26/11, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, vừa qua trên một số trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada có bán quả địa cầu có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp.
Đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã thu 30 sản phẩm bản đồ và 1 sản phẩm quả địa cầu lơ lửng đang được bán trên các sàn thương mại điện tử có chứa hình ảnh về “đường lưỡi bò”.
Sau khi thu giữ, Cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra đúng là có hình ảnh “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm quả địa cầu lơ lửng còn các sản phẩm bản đồ đang được điều tra làm rõ bởi các sản phẩm này do một công ty Việt Nam sản xuất, ông Tuấn thông tin.
Sau khi xảy ra vụ việc, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã yêu cầu tất cả các sàn thương mại điện tử báo cáo về vụ việc.
Hiện tại, hầu hết các sàn thương mại điện tử đã đưa các sản phẩm “bản đồ”, “quả địa cầu” vào danh sách cấm bán trên sàn như: Chợ Tốt, Shoppe, Sendo, Lazada,… để hạn chế tối đa việc lợi dụng môi trường thương mại điện tử để bán các sản phẩm, ấn phẩm có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.
Trên sàn thương mại điện tử Lazada, hiện tại không có mặt hàng nào liên quan đến từ khoá "quả địa cầu"
Theo ông Tuấn, do đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không tiếp xúc trực tiếp với nhau tạo điều kiện cho người bán vi phạm bởi khi bán hàng, họ chỉ đăng hình ảnh vỏ hộp hoặc một phần hình ảnh về sản phẩm và khi đó các sàn thương mại điện tử chưa thể phát hiện ra vi phạm. Chỉ khi người mua nhận được hàng, mở ra mới phát hiện được dấu hiệu vi phạm và phản ánh lại.
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang tích cực kiểm tra một số mặt hàng trọng điểm trên một số địa bàn trọng điểm có dấu hiệu vi phạm, gian lận. Nhận thấy, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để thực hiện các vụ việc lừa đảo người tiêu dùng chủ yếu là cá nhân.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: Hạ An)
“Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào rà soát, điều chỉnh quy định của người bán hàng là cá nhân trên các sàn thương mại điện tử để hạn chế những hành vi gian lận thương mại hay lừa đảo trên các sàn giao dịch”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý thương mại điện tử cần có sự điều chỉnh như việc cung cấp thông tin cho người mua hàng.
“Pháp luật hiện tại chỉ có quy định chung chung chứ chưa có quy định cụ thể về việc người bán hàng cung cấp thông tin về sản phẩm chi tiết như thế nào hay những mặt hàng kinh doanh có điều kiện khi đưa lên thương mại điện tử thì cần thủ tục ra sao”, ông Tuấn chỉ ra.
Thậm chí, với các mô hình thương mại điện tử mới như thương mại điện tử mới hay kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ vẫn chưa có những quy định cụ thể. Những phát sinh liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đặt ra vấn đề về trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử cũng như cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận