Các quan chức Mỹ - Trung chính thức trở lại đàm phán thương mại
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã điện đàm với nhau vào hôm thứ Năm, trong một nỗ lực tìm kiếm giải pháp để chấm dứt thương chiến kéo dài một năm nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng gợi mở khả năng các cuộc đàm phán trực tiếp có thể diễn ra trong thời gian tới.
Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã điện đàm với các đồng cấp Trung Quốc của họ, văn phòng của Lighthizer cho biết hôm thứ Năm.
Mỹ và Trung Quốc đã sa vào một cuộc chiến thuế quan từ tháng 7/2018, khi Washington ép Bắc Kinh phải giải quyết những gì họ coi là “hàng thập kỷ thực hành giao dịch bất công và bất hợp pháp”.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phản bác rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng cần phải công bằng và hài hòa lợi ích.
Bất đồng nêu trên khiến hai bên dường như vẫn còn cách khá xa để đạt một thỏa thuận chấm dứt các hành động trả đũa qua lại đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tài chính biến động mạnh.
Khó kỳ vọng từ đàm phán nối lại
“Giờ đây, chúng tôi đã có những cuộc gọi cấp cao và đến lúc phù hợp để tổ chức các cuộc họp trực tiếp, mà tôi dự đoán rằng hai bên sẽ đồng ý làm như vậy”, ông Mnuchin nói với Reuters.
Văn phòng Lighthizer sau đó đã xác nhận rằng cuộc điện đàm nói trên diễn ra như dự kiến, nhưng không đưa ra chi tiết về nội dung trao đổi giữa hai bên.
Nêu quan điểm cá nhân, Su Ge, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iceland và cựu chủ tịch của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cơ sở nghiên cứu chính sách thân cận với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông dự đoán sẽ có nhiều thảo luận chính thức hơn tiếp tục diễn ra trong tháng này giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Có nhiều vấn đề khó đi đến thống nhất... nhưng ít nhất họ đã đồng ý để hai nhóm đàm phán bắt đầu lại”, ông nói.
William Lee, kinh tế trưởng của Viện Milken, cho biết căng thẳng vấn đang gia tăng, cả Trung Quốc và Mỹ dường như không bên nào sẵn sàng nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng.
“Mức độ không chắc chắn cao trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các công ty sản xuất phải thận trọng khi quyết định đầu tư. Và đó là một lực cản đối với sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ”, ông nói. “Vấn đề thực sự là Trung Quốc muốn được tôn trọng. Trung Quốc muốn giữ thể diện khi quay lại bàn đàm phán”.
Thuế quan và lời hứa
Chứng khoán toàn cầu đã rung lắc mạnh trong tuần này, sau bình luận vào hôm thứ Ba của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhắc lại mối đe dọa của mình về việc áp thuế tiếp theo đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy tranh chấp thương mại đã bắt đầu gây thiệt hại cho thu nhập của các doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư quay lưng với thị trường chứng khoán, làm giá cổ phiếu sụt giảm vào thứ Năm.
“Chúng ta có nhiều cách thức để có thể trừng phạt thuế quan thêm nữa, vấn đề Trung Quốc đang quan tâm, nếu muốn. Còn 325 tỷ USD nữa mà chúng ta có thể áp thuế quan cao hơn”, ông Trump nói trong cuộc họp nội các hôm thứ Ba.
Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tháng trước rằng sẽ nối lại các cuộc thảo luận, giảm bớt nỗi lo leo thang sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên bị phá vỡ vào đầu tháng Năm. Trump cũng đã đồng ý đình chỉ một đợt thuế quan mới đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD trong khi hai bên nối lại đàm phán.
“Những gì họ làm là chưa đủ”, Trump nói hôm thứ Ha. “Họ đã hứa mua nông sản của Mỹ. Hãy xem liệu họ đã làm chưa”.
Dữ liệu được chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy Trung Quốc tuần trước đã thực hiện giao dịch mua cao lương lớn nhất của Mỹ kể từ tháng Tư. Cao lương là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vốn cũng làm giảm xuất khẩu đậu nành và thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc.
"Chìa khóa" ở Huawei
Liên quan đến Huawei Technologies của Trung Quốc, mà Mỹ đã đưa vào danh sách đen về các vấn đề an ninh quốc gia, Mnuchin cho biết hôm thứ Năm rằng việc cho phép bất kỳ hoạt động buôn bán nào của doanh nghiệp Mỹ với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc là một vấn đề độc lập với các cuộc đàm phán thương mại.
Trong khi đó, sau cuộc gặp với Tập Cận Bình tại G20, Trump từng nói các công ty Mỹ có thể bán sản phẩm cho Huawei. Đầu tháng này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết giấy phép thương mại sẽ được cấp nếu không có mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Reuters đưa tin hôm Chủ nhật rằng Mỹ có thể phê duyệt giấy phép cho các công ty khởi động lại việc bán hàng mới cho Huawei sau ít nhất hai tuần, theo một quan chức cấp cao của Mỹ.
Mnuchin đã không thừa nhận thông tin từ một báo cáo của Wall Street Journal vào tuần trước rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính đang thúc giục các nhà cung cấp của Mỹ tìm kiếm miễn trừ để bán sản phẩm cho Huawei, cho biết ông nói chuyện với các giám đốc điều hành của các công ty về nhiều vấn đề, bao gồm cả thương mại.
“Sự tham gia của tôi ở trưởng hợp đó chỉ là thông tin tới doanh nghiệp. Tôi không bao giờ khuyến nghị các công ty nên làm thế này hay thế kia”, ông nói.
Tạp chí Phố Wall trong một bài viết phát hành tuần này cho biết các cuộc thảo luận chưa đi đến đâu, khi Washington vẫn đang cân nhắc các giới hạn đối với việc nối lại kinh doanh với doanh nghiệp Mỹ của Huawei.
Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, người cố vấn cho Nhà Trắng về các vấn đề công nghệ, cho biết ông mong đợi sự nới lỏng hơn nữa với vấn đề của Huawei sẽ là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Hành xử với Huawei sẽ quyết định đến kết quả đàm phán”, Derek Scissors nói. “Nếu chúng ta có một thỏa thuận, Huawei sẽ hoàn toàn là một phần của nó”.
Theo ông, Tổng thống Mỹ không quan tâm về cạnh tranh công nghệ mà tập trung hơn vào việc có được một thỏa thuận thương mại làm tăng khả năng tiếp cận cho nông sản Mỹ vào thị trường Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận