Các 'ông lớn' FDI và Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID19 đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như doanh nghiệp trong nước. Để phòng dịch hiệu quả và ổn định sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã chủ động lên các kịch bản để ứng phó.
Ông lớn FDI chủ động phòng chống COVID-19
Samsung Việt Nam đang là doanh nghiệp FDI hoạt động ngay tâm dịch Bắc Ninh. Theo số liệu công bố, hiện tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã tăng gấp gần 26 lần lên tới trên 17,3 tỷ USD. Samsung Việt Nam đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 130.000 người lao động với mức thu nhập ổn định và những phúc lợi vượt trội.
Có thể nói, Samsung hiện diện tại Việt Nam suốt từ Bắc vào Nam, bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D). Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu; SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Trao đổi với Nhadautu.vn về tác động của đại dịch COVID-19, đại diện Samsung Việt Nam cho biết, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, bên cạnh việc duy trì các chế độ phúc lợi, Samsung Việt Nam vẫn cố gắng hết sức để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho nhân viên và cộng đồng địa phương. Samsung đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 để nhân viên yên tâm đi làm.
Lãnh đạo Samsung cho biết, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan và bùng phát dịch, ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, Samsung đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống COVID-19. Cụ thể như, tiến hành kiểm soát thân nhiệt của nhân viên tại cổng vào công ty, nhằm phát hiện sớm những trường hợp có thân nhiệt cao hơn mức bình thường và khám sàng lọc cho nhân viên. Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang khi đến công ty và trong quá trình làm việc.
Cùng đó, tặng khẩu trang cho nhân viên với số lượng phát ra lên đến hơn 1 triệu chiếc tính đến thời điểm hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên thực hiện tốt việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng cũng như nơi làm việc. Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người tại công ty. Trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhiều vị trí để nhân viên có thể rửa sạch tay trước và sau khi ăn hay khi làm việc.
Tại nhà ăn, các nhà máy thay đổi cách bố trí chỗ ngồi, ngồi theo một hướng, không ngồi đối diện; song song với đó là hình thức lập các vách ngăn riêng cho mỗi vị trí nhân viên khi ngồi ăn. Những việc làm này giúp đảm bảo sự giãn cách giữa các nhân viên trong khi dùng bữa.
Liên tục tuyên truyền để toàn thể nhân viên hiểu được về tình hình dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định mới nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Samsung đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như thông qua hệ thống loa phát thanh, video trình chiếu tại nhà ăn, gửi tin nhắn SMS đến từng nhân viên, tuyên truyền trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Youtube. Nhờ đó, tất cả nhân viên đều hiểu và tự giác chấp hành các quy định mới để đảm bảo sức khỏe của bản thân, của công ty cũng như của cả cộng đồng trước dịch COVID-19.
Song song với việc khuyến khích nhân viên cài đặt ứng dụng NCOVI và Bluezone, để thuận tiện cho việc nắm bắt tình hình sức khỏe của nhân viên, Samsung sử dụng hệ thống khai báo Y tế Smart Health. Nhân viên được công ty gửi tin nhắn nhắc nhở khai báo đầy đủ và trung thực 2 lần một tuần.
Thực tế, đáp lại những đóng góp quý báu của các nhân viên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Samsung vẫn luôn đảm bảo để không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.
"Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực tới mọi mặt kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và Samsung Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, nhờ những chính sách và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, cùng với sự đồng lòng và nỗ lực của 130.000 nhân viên, Samsung Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn để tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu", lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết.
Hiện, để đảm bảo an toàn cho toàn thể nhân viên, Samsung Việt Nam đã và đang nỗ lực từng ngày trong việc duy trì áp dụng tích cực các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, Samsung đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế hàng ngày cho toàn bộ nhân viên, cấp phát khẩu trang phòng dịch KF-94/KN-95 miễn phí cho nhân viên, xét nghiệm COVID nhanh các trường hợp nhân viên liên quan, áp dụng chế độ làm việc từ xa tại nhà…
Ngoài ra, Samsung Việt Nam áp dụng chính sách nghỉ có hưởng lương đối với các nhân viên đang thực hiện cách ly hoặc trong khu vực phong toả không thể đi làm theo quy định phòng dịch của Chính phủ. Bên cạnh đó, Samsung còn vận hành các số điện thoại đường dây nóng nhằm kiểm tra trạng thái sức khỏe và tư vấn tâm lý cho các nhân viên, giúp nhân viên yên tâm nghỉ phòng dịch mà không lo lắng cuộc sống bị ảnh hưởng.
Một “ông lớn” FDI khác là Formosa Hà Tĩnh hiện cũng đang sử dụng gần 7.000 cán bộ nhân viên và lao động đang làm việc (trong đó hơn 631 lao động người Đài Loan và 6.233 lao động người Việt). Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày cang phức tạp, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra những quyết sách phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt.
Theo đó, Công ty Formosa đã chuyển chế độ làm việc cũng như sinh hoạt của toàn bộ cán bộ, công nhân, lao động trong công ty sang trạng thái phòng dịch ở mức cao nhất. Hiện, tất cả cán bộ, công nhân làm việc tại Formosa đều thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Cụ thể, để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của hàng nghìn nhân viên, nhiều hình thức kiểm tra, giám sát trực tiếp đã được công ty thực hiện đồng bộ. Đó là, lắp đặt hệ thống máy đo thân nhiệt tự động bằng thiết bị đo hồng ngoại tại khu vực cổng chính. Nghiêm túc kiểm tra thân nhiệt tại các cổng quản chế số 1, số 2 và văn phòng làm việc.
Tất cả nhân viên (bao gồm nhân viên của các nhà thầu) đi qua cổng quản chế thứ nhất đều phải quẹt thẻ và đo thân nhiệt. Khi phát hiện trường hợp thân nhiệt trên 38 độ, kịp thời báo cho xưởng, phòng trực thuộc và Trung tâm An toàn vệ sinh môi trường của nhà máy. Nhân viên bị sốt không được lên ca và phải lập tức đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Ngoài ra, Formosa Hà Tĩnh yêu cầu toàn bộ nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, thường xuyên tổ chức tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường tại nơi sinh hoạt và các phân xưởng. Đồng thời bố trí chai xịt khuẩn hoặc nước rửa tay tại các khu vực công cộng như máy lọc nước, nhà vệ sinh, thang máy, cửa ra vào khu hành chính, cây ATM...
Cùng đó, công ty cấm tụ tập đông người, thực hiện giãn cách ngay tại văn phòng làm việc, khu nhà ăn, khuyến khích nhân viên đưa cơm hộp về, đồng thời quản chế người không đeo khẩu trang không được vào nhà ăn cũng như bố trí khu vực sát khuẩn và rửa tay trước hoặc sau khi ăn.
Hằng ngày, Formosa có thông báo nội bộ cập nhật những thông tin liên quan đến dịch bệnh, tuyên truyền các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và khuyến cáo cho tất cả các nhân viên không đi đến vùng dịch.
Với nhân viên khi có việc đi ra ngoài khu vực Hà Tĩnh phải khai báo và có biện pháp theo dõi, kiểm tra sức khỏe kịp thời. Hiện, công ty đã tạm ngừng cung cấp tất cả các tiện ích phục vụ nhu cầu như thể dục thể thao và những hoạt động không thiết yếu khác.
Cùng với đó, Formosa đã đặt ra những tình huống giả định và biện pháp ứng phó trong trường hợp nghi ngờ có ca nhiễm COVID-19 tại công ty.
Đối với cơ sở cách ly dành cho các chuyên gia, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại Formosa, mọi hoạt động trong khu cách ly được ban điều hành cơ sở cách ly của Thị xã Kỳ Anh thực hiện nghiêm ngặt, giám sát 24/24 giờ, thời gian cách ly người lao động thực hiện đúng theo quy định Bộ Y tế…
“Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Formosa Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép. Đó là vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất và phát triển kinh tế và chung tay cùng chính quyền địa phương trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19”, đại diện Formosa cho biết.
Trước thông tin, một số doanh nghiệp hiện đã tự bỏ kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng dịch dịch COVID-19 cho công nhân, lãnh đạo Fomosa Hà Tĩnh cho biết hiện đơn vị chưa có chính sách cụ thể và đang chờ ý kiến từ các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh.
Được biết, hưởng ứng phong trào phòng chống dịch Covid, trong những tháng đầu năm 2021 vừa qua Công ty Formosa Hà Tĩnh tiếp tục chung tay cùng chính quyền Hà Tĩnh tài trợ 6 tỷ đồng để mua vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh Hà Tĩnh.
Chi trăm tỷ tiêm vắc xin cho người lao động
Trao đổi với Nhadautu.vn, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Chủ tịch HĐQT Đèo Cả đã có chỉ đạo lập danh sách tiêm vắc xin cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong hệ thống. Người đứng đầu Tập đoàn yêu cầu tìm nguồn cung vắc xin và lập danh sách tiêm chủng, trong đó ưu tiên những nhân viên “tuyến đầu” làm việc tại trạm thu phí. Tât cả chi phí sẽ do Tập đoàn hỗ trợ.
Hiện, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, triển khai ngay các phương án làm việc, ứng phó với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Tại khu vực Hà Nội, yêu cầu văn phòng siết chặt các khâu phòng chống dịch, đeo khẩu trang khi làm việc, bố trí lại các vị trí làm việc bảo đảm khoảng cách an toàn. Văn phòng Hà Nội thực hiện giãn cách bằng việc bố trí lịch làm việc tại nhà luân phiên cho 50% nhân sự tại nhà, hạn chế tối đa việc di chuyển công tác giữa các tỉnh.
Tại khu vực Bắc Giang - Lạng Sơn, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Xí nghiệp Quản lý vận hành đường cao tốc đã thực hiện chế độ làm việc 70% cán bộ làm việc tập trung, 30% làm việc tại nhà.
Các trạm thu phí tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng số 157 nhân sự, tính hết ngày 9/5/2021, không có trường hợp F0, các trường hợp có liên quan đến F1, F2 đều đã được cách ly kịp thời tại địa phương, một số trường hợp được Xí nghiệp quản lý theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ tại nhà.
Tại Khu vực Huế - Đà Nẵng, DII đã sắp xếp 50% nhân sự làm việc tại Ban quản lý dự án, 50% làm việc tại văn phòng Bùi Chát (quận Liên Chiểu).DII cũng đã bố trí chỗ ăn, ở tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân cho khoảng 150 cán bộ công nhân viên làm việc tại đây. Trải qua 3 đợt dịch trước, DII chưa có trường hợp nào dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, lãnh đạo DII cho biết, không vì thế mà chủ quan trước sự bùng phát của đợt dịch này. Ban điều hành DII đã sắp xếp phân công nhiệm vụ cho cán bộ công nhân viên tại hầm Hải Vân một cách hợp lý nhất để không ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động.
Tại khu vực TP.HCM, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn xây dựng phương án làm việc luân phiên 14 ngày (50% ở nhà, 50% ở công ty), sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu. Cán bộ công nhân viên phải chủ động báo cáo cấp trên nếu có tiếp xúc với các trường hợp F0, F1, F2 đã được phát hiện hoặc có các dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19. Các trường hợp vi phạm, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý theo nội quy lao động của công ty.
Tại các khu vực công trường, công tác phòng chống dịch tại công trường được triển khai nghiêm túc, thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu cán bộ công nhân viên không ra khỏi công trường. Tại văn phòng điều hành và công trường dự án luôn có bảo vệ trực đo thân nhiệt cho cán bộ và khách, thực hiện phun sát khuẩn định kỳ, cập nhật lịch trình di chuyển của cán bộ công nhân viên và gửi báo cáo về cho Ban Hành chính nhân sự.
Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện Ngân hàng TMCP VietinBank khẳng định, ngân hàng ước tính sẽ chi khoảng 100 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi xã hội để mua vắc xin hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch COVID-19.
Vietinbank sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn hệ thống. Đối tượng dự kiến được VietinBank áp dụng là cán bộ nhân viên cùng người thân (vợ/chồng, con, tứ thân phụ mẫu).
Hiện, VietinBank đang bám sát, cập nhật thường xuyên chính sách xã hội hóa vắc xin, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời lựa chọn vắc xin và đăng ký nhu cầu mua cho hệ thống VietinBank, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế.
Ước tính, VietinBank sẽ dùng khoảng 100 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi xã hội để mua vắc xin cho toàn bộ hệ thống (24.000 nhân viên). Đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng luôn sẵn sàng để mua vắc xin nhưng vẫn chưa có thời gian dự kiến áp dụng vì còn phụ thuộc nhiều vào tình hình triển khai tiêm vắc xin của Chính phủ, Bộ Y tế.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân tiêm vắc xin phòng COVID-19.
BIDV cho biết, sẽ chủ động liên hệ với Bộ Y Tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vắc xin COVID-19 hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch. Mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân sẽ được hỗ trợ trong đợt tiêm phòng lần này. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của Ngân hàng.
Trao đổi với Nhadautu.vn đại diện phía BIDV cho biết, hiện số lượng nhân viên của BIDV là khoảng 25.000 người. Như vậy, nếu triển khai trên toàn hệ thống, sẽ có khoảng 125.000 người là nhân viên và người thân BIDV được tiêm vắc-xin theo chương trình của ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận