Các "ông lớn" được gia hạn thuế: Giá xe rẻ, người dùng được lợi?
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ gia hạn thu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong kỳ tính thuế, ước tính chậm thu 10 tháng.
Nhiều người đặt dấu hỏi về việc ngân sách Nhà nước dự kiến chậm thu này làm lợi cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước, thị trường xe hơi, người tiêu dùng có được hưởng lợi hay không? Câu trả lời là… rất khó!
Khó giảm giá xe
Về bản chất, Thuế tiêu thụ đặc biệt là hình thức thuế gián thu đối với hàng hoá đặc biệt, xa xỉ nhằm điều hướng tiêu dùng, hạn chế nhập khẩu. Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đứng ra thu hộ Nhà nước, người phải nộp là người tiêu dùng cuối cùng, cá nhân, doanh nghiệp.
Hơn nữa, chính sách gia hạn Thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất của Bộ Tài chính chỉ tạm không thu trong kỳ tính thuế, nhằm giảm áp lực cân đối tài chính cho doanh nghiệp do tác động dịch bệnh, trách nhiệm nộp của doanh nghiệp dồn vào cuối năm. Chính vì thế, về bản chất doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, về bản chất đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt mang tính định hướng tiêu dùng là chính, bối cảnh Việt Nam hiện nay, nếu doanh nghiệp nào trường vốn, có cân đối tài chính tốt, việc gia hạn sắc thuế này có thể tạo điều kiện cho họ hồi sinh dòng tiền, giảm giá sản phẩm, kích cầu thị trường.
"Đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, giảm giá xe nhờ gia hạn Thuế Tiêu thụ đặc biệt hay không còn phải chờ vào thị trường, vào tín hiệu của các hãng xe có vì người tiêu dùng, vì thị trường hay không?", ông Hiếu nói.
Thực tế, 20.000 tỷ đồng tiền Thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn trong 10 tháng cho các doanh nghiệp xe hơi trong nước về cơ bản là lớn đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô, ngành sản xuất hiện đại, công nghệ cao, việc gia hạn thời gian nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có tác động hỗ trợ, chưa có nhiều hiệu quả.
Xe trong nước đã được hưởng nhiều ưu đãi chính sách
Từ năm 2017, Việt Nam đã bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, bên cạnh đó khi sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, linh kiện ô tô sản xuất trong nước cũng được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là chính sách tạo cơ sở lớn cho việc giảm giá xe trên thị trường, tuy nhiên, giá xe tại Việt Nam vẫn được xem là cao hàng đầu ASEAN.
Thị trường xe Việt có quy mô từ 350.000 xe đến 450.000 xe/năm dù đã phát triển so với các năm trước nhưng quy mô thị trường vẫn nhỏ hẹp. Do quy mô nhỏ, chi phí cao nên giá xe hơi Việt vẫn chỉ vừa túi tiền của người giàu hoặc tầng lớp trung lưu, trong khi đó người thu nhập thấp vẫn chưa thể mua xe được.
Từ năm 2017 cho đến nay, thuế nhập khẩu linh kiện, xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN được bãi bỏ ở Việt Nam, song thực tế giá xe cùng chủng loại ở Việt Nam thường cao hơn từ 200 đến 300 triệu đồng/chiếc so với các nước như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Hiện, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng chính sách ưu đãi cho xe hơi trong nước theo hướng giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước theo tỷ lệ nội địa hoá; xe năng lượng mới (xe điện, xe hydro..). Nếu các chính sách ưu đãi này được thực hiện, giá xe sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam về lý thuyết sẽ giảm từ 20-40% tương ứng với chi phí từ Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại là 35-150%/tuỳ theo dung tích xe.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận